Trong bối cảnh già hóa dân số, nhà ở phù hợp với người cao tuổi trở thành vấn đề ngày càng được quan tâm. Vậy thiết kế nhà ở cho người cao tuổi cần lưu ý những gì? Làm sao để tạo ra một không gian sống an toàn, thuận tiện cho ông bà, cha mẹ và chính bản thân chúng ta trong tương lai?
Sự lão hóa là quy luật tất yếu của tự nhiên, không thể thay đổi được. Bước vào tuổi xế chiều với nhiều thay đổi về sức khỏe, hạn chế vận động, người cao tuổi cần một không gian sống an toàn, thuận tiện sinh hoạt để duy trì được sự độc lập và chất lượng cuộc sống.
Thiết kế nhà cho người cao tuổi là vấn đề ngày càng được quan tâm. Ảnh: Freepik
1. Già Hóa Dân Số Và Nhu Cầu Nhà Ở Cho Người Cao Tuổi
Xu hướng già hóa dân số đang đặt ra những thách thức lớn mà nhiều quốc gia trên thế giới – trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dân số trung bình của Việt Nam năm 2023 đạt 100,3 triệu người, tuổi thọ trung bình là 73,7 tuổi. Tốc độ tăng dân số trung bình năm 2023 là 0,84%, giảm so với mức 0,98% của năm 2022. Tốc độ tăng dân số trung bình của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo do mức sinh giảm. Theo dự báo, nếu không thể duy trì được mức sinh thay thế và tiếp diễn mức sinh thấp, dân số Việt Nam sẽ giảm xuống còn 72 triệu người vào năm 2100 và chỉ còn 3,6 triệu người vào năm 2500 – bằng với số dân của tỉnh Nghệ An hiện nay.
Cơ cấu dân số Việt Nam cũng đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi, giảm tỷ lệ dân số trẻ. Cụ thể, tỷ trọng nhóm dân số trẻ từ 0-14 tuổi giảm từ 24,3% năm 2019 xuống còn khoảng 23,9% năm 2023. Trong khi đó, tỷ trọng nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023. Tỷ trọng của nhóm dân số trong độ tuổi từ 15- 59 tuổi (độ tuổi lao động) chiếm 63,8% năm 2019 giảm xuống còn 62,2% trong năm 2023. Theo dự báo, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “dân số vàng” vào khoảng năm 2036, bước vào thời kỳ dân số già. Số người trên 60 tuổi ở nước ta sẽ tăng gấp 3 trong giai đoạn 2010-2050.
Khi tỷ lệ người cao tuổi gia tăng, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe, chăm sóc xã hội cũng tăng lên. Theo văn hóa, quan niệm truyền thống “Trẻ cậy cha, già cậy con”, người cao tuổi Việt Nam thường được con cháu chăm sóc. Tuy nhiên, do lối sống thay đổi, sự hỗ trợ từ phía gia đình đối với người cao tuổi ngày càng trở nên hạn chế hơn, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Nhịp sống hối hả, bận rộn, mô hình gia đình dịch chuyển từ “tam đại đồng đường” thành gia đình hạt nhân khiến xu hướng người cao tuổi không sống cùng con cháu ngày càng tăng.
Bên cạnh lựa chọn sống trong các viện dưỡng lão, nhiều người già vẫn mong muốn duy trì cuộc sống độc lập tại nhà riêng đến khi sức khỏe còn cho phép. Nhu cầu về một không gian sống an toàn, thuận tiện cho người cao tuổi trở nên cần thiết, ngày càng được quan tâm hơn. Nhà ở thân thiện với người cao tuổi được dự báo sẽ là một xu hướng thiết kế nhà ở của tương lai.
2. Những Lưu Ý Quan Trọng Khi Thiết Kế Nhà Cho Người Cao Tuổi
Thiết kế nhà cho người cao tuổi cần giải quyết được những nhu cầu chuyên biệt, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, sức khỏe của họ. Dưới đây là những vấn đề cần cân nhắc khi muốn thiết kế một nhà thân thiện với người cao tuổi:
Hiểu Rõ Nhu Cầu Của Người Cao Tuổi Đối Với Nhà Ở
Khi con người già đi, cơ thể lão hóa khiến sức khỏe giảm sút, bệnh tật xuất hiện. Người lớn tuổi thường gặp phải các vấn đề về sức khỏe như thoái hóa xương khớp gây hạn chế vận động, suy giảm thính lực, thị lực, đãng trí, kém minh mẫn,… Về mặt tâm lý, hầu hết người cao tuổi mong muốn được sống độc lập, thoải mái trong môi trường quen thuộc với mình. Việc thiết kế một ngôi nhà phù hợp trước hết cần đáp ứng tốt những nhu cầu chung này. Sau đó, tùy theo nhu cầu, sở thích cá nhân của từng gia chủ để bổ sung thêm vào thiết kế, tạo ra ngôi nhà như ý.
Nhà ở cho người cao tuổi cần đáp ứng những nhu cầu chuyên biệt, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, sức khỏe của họ. Ảnh: Freepik
Nhà Thân Thiện Với Người Cao Tuổi Là Ngôi Nhà Như Thế Nào?
Với những đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu kể trên, thiết kế nhà cho người cao tuổi cần đảm bảo 3 khía cạnh quan trọng nhất là: khả năng tiếp cận, tính an toàn và sự thoải mái.
Khả Năng Tiếp Cận
Khả năng tiếp cận là một yếu tố quan trọng trong thiết kế nhà ở cho người cao tuổi, giúp họ duy trì sự độc lập và an toàn trong sinh hoạt hàng ngày khi sức khỏe giảm sút, vận động bị hạn chế. Một ngôi nhà được đánh giá cao về khả năng tiếp cận nếu đảm bảo được những tiêu chí trong thiết kế cửa ra vào, các lối đi cũng như thiết kế nội thất, lắp đặt thiết bị trong nhà. Cụ thể:
– Cửa ra vào, lối đi: Cửa ra vào cần có độ rộng tối thiểu 32 inch (khoảng 81,3cm), không bậc hoặc có ramp dốc nhẹ (độ dốc không quá 1/12) để người cao tuổi, đặc biệt là những người sử dụng xe lăn có thể ra vào dễ dàng, thuận tiện.
– Không gian bếp: Người cao tuổi thường bị thoái hóa xương khớp khiến chiều cao giảm, không thể đứng quá lâu, với quá cao hoặc cúi quá thấp. Vì vậy, cần điều chỉnh chiều cao của bàn bếp, tủ lạnh để phù hợp cho người cao tuổi sử dụng.
Không gian bếp của một căn hộ ở Hưng Yên được thiết kế dành cho gia chủ lớn tuổi, với phần tủ bếp khá thấp, phù hợp với gia chủ. Ảnh: Cao Hòa
– Phòng tắm, phòng vệ sinh: Phòng tắm nên thiết kế theo kiểu mở, không có ngưỡng cửa. Sàn nhà tắm cần có độ nghiêng nhẹ để nước thoát dễ dàng, tránh tạo bề mặt trơn trượt.
An Toàn
An toàn là yếu tố cốt lõi khi thiết kế nhà ở cho người cao tuổi, nhằm giảm thiểu rủi ro tai nạn và tăng cường khả năng độc lập, tự chủ cho họ trong sinh hoạt hàng ngày. Một số vấn đề an toàn cần lưu ý khi thiết kế nhà cho người cao tuổi:
– Sàn nhà: Lựa chọn vật liệu lát sàn chống trượt như gạch ceramic hoặc vinyl có bề mặt nhám để phòng ngừa nguy cơ trượt ngã. Sàn nhà giữa các phòng cần đồng nhất về chiều cao, không có ngưỡng cửa để người cao tuổi dễ dàng di chuyển qua lại, hạn chế vấp ngã.
– Phòng tắm: Lắp đặt thanh vịn trong phòng tắm và toilet, trải thảm chống trơn trượt, trang bị ghế tắm đảm bảo an toàn cho người cao tuổi khi tắm hoặc sử dụng toilet.
Phòng tắm được lắp đặt nhiều tay vịn và ghế tắm cho người già tiện sử dụng, đảm bảo an toàn. Ảnh: designcafe
– Hệ thống chiếu sáng: Đảm bảo ngôi nhà được chiếu sáng đầy đủ, tránh các khu vực tối có thể làm gia tăng nguy cơ ngã. Nếu có điều kiện, có thể lắp đặt đèn cảm ứng tự động bật khi có người đi qua. Một số khu vực như phòng ngủ, hàng lang, phòng tắm nên có thêm đèn đêm để người già có thể định hướng vào ban đêm mà không cần bật đèn chính.
Sự Thoải Mái
Một ngôi nhà lý tưởng cho người cao tuổi không chỉ đảm bảo an toàn mà còn là một không gian thực sự thoải mái, giúp họ tận hưởng cuộc sống mỗi ngày một cách hạnh phúc, viên mãn. Dưới đây là một vài gợi ý để ngôi nhà trở nên thoải mái hơn với gia chủ cao tuổi:
– Đồ nội thất thoải mái: Lựa chọn, đồ nội thất có chiều cao và chất liệu phù hợp, sắp xếp với khoảng cách hợp lý để người già dễ dàng sử dụng. Ví dụ: giường nên cao hơn thông thường; ghế có tay vịn vững chắc, bề mặt ngồi không quá mềm để không gây khó khăn khi ngồi dậy,…
Giường ngủ được thiết kế cao hơn thông thường, giúp gia chủ lớn tuổi dễ dàng đứng dậy mà không cần gập sâu khớp gối hay dùng nhiều lực cơ đùi. Ảnh: Cao Hòa
– Các công nghệ, tiện nghi hiện đại: Ngôi nhà được tích hợp các thiết bị thông minh như đèn tự động, máy lạnh, hệ thống sưởi điều khiển từ hoặc các thiết bị điều khiển bằng giọng nói sẽ giúp người cao tuổi dễ dàng điều khiển mà không cần phải di chuyển đến tận nơi. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các hệ thống, thiết bị này phải dễ sử dụng, không quá phức tạp, các loại điều khiển phải có nút bấm lớn, rõ ràng để người già không bị nhầm lẫn.
Nếu ngôi nhà không được xây dựng theo định hướng thân thiện với người cao tuổi ngay từ đầu, bạn vẫn có thể nghiên cứu, cải tạo không gian sống hiện tại thành một nơi an toàn, tiện nghi và thoải mái hơn cho ông bà, cha mẹ hay thậm chí là bản thân bạn trong tương lai. Tùy vào nhu cầu và ngân sách, có thể thực hiện cải tạo lớn như thay đổi kết cấu ngôi nhà hoặc những cải tạo, làm mới không gian bằng nội thất mới, lắp thêm tay vịn, trải thảm chống trơn trượt hay lắp ghế tắm cho người già,… Đây là những giải pháp đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp nhưng vẫn mang lại hiệu quả đáng kể, giúp ngôi nhà thân thiện hơn với các bậc cao niên.
3. Nhà Ở Cho Người Cao Tuổi – Xu Hướng Của Tương Lai
Những lưu ý khi thiết kế nhà ở cho người cao tuổi nói trên có thể áp dụng cho cả nhà riêng lẻ, do người dân tự xây dựng lẫn nhà trong các dự án bất động sản xây sẵn. Tuy nhiên, trên thực tế, tại Việt Nam hiện chưa phát triển loại hình sản phẩm nhà ở hướng tới đối tượng khách hàng là người cao tuổi.
Năm 2022, một dự án chung cư mới nằm trong khu đô thị tại Hưng Yên được chủ đầu tư giới thiệu ra thị trường với concept “bất động sản tình thân”, gồm các căn hộ được thiết kế chú trọng các yếu tố chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi. Dự án này ngay khi ra mắt đã thu hút sự quan tâm của thị trường, thu hút nhiều khách hàng đến tìm hiểu, đặt mua căn hộ. Tuy nhiên, do một số vướng mắc về pháp lý, dự án căn hộ dành cho người cao tuổi này đã không thể “về đích” như mong đợi. Từ đó đến nay, loại hình nhà ở dành riêng cho người cao tuổi vẫn tiếp tục vắng bóng trên thị trường.
Phát triển nhà ở cho người cao tuổi góp phần xây dựng cộng đồng lành mạnh đa thế hệ. Ảnh: Freepik
Mặc dù vậy, trong bối cảnh già hóa dân số nhanh chóng, việc phát triển các dự án nhà ở dành cho người cao tuổi đang dần nhận được sự quan tâm của xã hội và được dự báo sẽ trở thành xu hướng trong tương lai. Các dự án bất động sản cần hướng tới việc tạo dựng môi trường sống thân thiện, an toàn và đầy đủ tiện nghi cho người cao tuổi. Đơn cử, bên cạnh những thiết kế bên trong nhà ở, các dự án bất động sản có thể tích hợp thêm các tiện ích như trung tâm chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi giải trí, các lớp học nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu về thể chất lẫn tinh thần cho người già.
Phát triển nhà ở cho người cao tuổi không chỉ giúp bản thân người cao tuổi tận hưởng tuổi xế chiều một cách tự chủ, thoải mái mà còn góp phần xây dựng cộng đồng cư dân lành mạnh, đa thế hệ, nơi mọi lứa tuổi có thể chung sống hòa nhập và hỗ trợ lẫn nhau. Hy vọng rằng chúng ta sẽ sớm thấy sự xuất hiện của các sản phẩm nhà ở dành cho người cao tuổi tại Việt Nam.
“Gurus for Good” là chiến lược được PropertyGuru – Tập đoàn công nghệ bất động sản hàng đầu Đông Nam Á, công ty mẹ của Batdongsan.com.vn triển khai nhằm mục tiêu phát triển kinh doanh hướng tới các giá trị bền vững. Trong bối cảnh thế giới đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, chi phí sinh hoạt gia tăng và lối sống thay đổi, PropertyGuru tận dụng kiến thức chuyên môn, hiểu biết sâu sắc về kinh doanh bất động sản cùng với dữ liệu và phân tích độc quyền để thúc đẩy một tương lai thịnh vượng, bền vững cho cộng đồng. Xem thêm thông tin chi tiết trong Báo cáo Bền vững (Sustainability Report) 2023của PropertyGuru! “Gurus For Good” is the sustainability strategy implemented by PropertyGuru, Southeast Asia’s leading property technology group, to advance a more sustainable and inclusive property industry in the region. This strategy is based on 3 pillars dedicated to addressing our material sustainability topics and focused on where we believe we can make the most meaningful difference: Sustainable Living, Thriving Communities, and Responsible Business. For more information, refer to PropertyGuru’s 2023 Sustainability Report! |
Lan Chi