Thiếu nhà ở, động lực tăng trưởng kinh tế mạnh nhất tại các nước giàu đang biến mất

Thứ sáu, 10/05/2024 - 17:25

Tại hầu hết các nước phát triển, dòng người nhập cư được coi là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng tin cậy nhất. Nhưng tình trạng khan hiếm nhà ở đang khiến hoạt động này sụt giảm mạnh mẽ.

https://thanhnienviet.mediacdn.vn/japantimes/uploads/images/2024/05/06/335439.jpg

Trong nhiều thập kỷ, dòng người nhập cư nhanh chóng đã giúp các quốc gia bao gồm Canada, Úc và Vương quốc Anh ngăn chặn lực cản nhân khẩu học do dân số già đi và tỷ lệ sinh giảm. Điều này đang bị phá vỡ khi lượng người nhập cư tăng vọt sau đại dịch, khiến tình trạng thiếu nhà trầm trọng tại các quốc gia.

Theo một phân tích độc quyền của Bloomberg Economics, tổng cộng có 13 nền kinh tế trong nhóm các nước phát triển đã rơi vào tình trạng suy thoái thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm ngoái. Trong khi có những yếu tố khác - chẳng hạn như sự chuyển đổi sang các công việc dịch vụ kém năng suất hơn và thực tế là những người mới đến thường kiếm được ít tiền hơn – thì tình trạng thiếu nhà ở và các căng thẳng liên quan đến chi phí sinh hoạt vẫn là nguyên nhân phổ biến nhất.

Canada

Cứ 1.000 cư dân Canada thì có 32 người là dân nhập cư (số liệu năm ngoái), so với chỉ 10 người ở Mỹ. Nói cách khác: Trong 2 năm qua, 2,4 triệu người đã di cư đến Canada, nhiều hơn dân số của New Mexico, tuy nhiên Canada hầu như không bổ sung đủ nhà ở cho họ.

Kinh nghiệm của Canada cho thấy có một giới hạn đối với sự tăng trưởng nhờ nhập cư: Một khi số lượng người mới đến vượt quá khả năng tiếp nhận của một quốc gia, thì mức sống sẽ giảm ngay cả khi thu nhập tăng cao.

Vì vậy, ngay cả khi mức tăng dân số kỷ lục khiến GDP của Canada tăng, cuộc sống vẫn ngày càng khó khăn hơn, đặc biệt đối với thế hệ trẻ và những người nhập cư. Thay vì cuộc sống tốt hơn với chi phí sinh hoạt thấp hơn và triển vọng nghề nghiệp cao hơn, họ phải đối mặt với tiền thuê nhà cao hơn, lương thấp hơn và cơ hội việc làm hạn chế do phải cạnh tranh với nhiều người hơn.

Dân số trong độ tuổi lao động của Canada đã tăng thêm một triệu người trong năm qua, nhưng thị trường lao động chỉ tạo ra 324.000 việc làm. Kết quả là, tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn 1 điểm phần trăm, trong đó những người trẻ tuổi và người nhập cư bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong khi hàng triệu người Mỹ cũng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả nhà ở, mức tăng thu nhập thực tế của họ vẫn cao hơn mức tăng giá nhà trong suốt 2 thập kỷ qua. Ở Canada thì không như vậy. Giá nhà trung bình ở Toronto hiện là 1,3 triệu đô la Canada, gần gấp 3 lần so với Chicago, một thành phố tương đương ở Mỹ.

Nỗi lo lắng ngày càng tăng xung quanh cuộc khủng hoảng nhà ở đã buộc chính phủ Canada phải thu hẹp lại tham vọng nhập cư, tạm dừng việc tăng mục tiêu thường trú và lần đầu tiên đặt ra giới hạn đối với sự gia tăng số lượng cư dân tạm thời.

Mục tiêu của Canada hiện nay là cắt giảm 20% số lượng lao động nước ngoài tạm thời, sinh viên quốc tế và người xin tị nạn, tương đương khoảng nửa triệu người, trong 3 năm tới. Điều đó dự kiến sẽ giảm hơn một nửa tốc độ tăng dân số hàng năm, xuống mức trung bình 1% vào năm 2025 và 2026.

Úc và New Zealand

Nước Úc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở nhất từ trước đến nay.

Giấy phép xây dựng căn hộ và nhà phố đang ở mức thấp gần 12 năm và vẫn còn rất nhiều công trình xây dựng bị đình trệ, phần lớn là do thiếu công nhân lành nghề. Chính phủ đã cố gắng thu hẹp khoảng cách cung ứng lao động bằng cách tăng số lượng người nhập cư, nhưng nhận ra rằng điều đó càng khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Giống như kinh nghiệm của Canada, dân số tăng vọt không chỉ làm trầm trọng thêm nhu cầu nhà ở mà còn che giấu sự yếu kém tiềm ẩn của nền kinh tế.

GDP của Úc đã tăng trưởng hàng quý kể từ cuộc suy thoái ngắn hạn do Covid gây ra vào năm 2020, nhưng nếu tính theo bình quân đầu người, GDP đã giảm quý thứ ba liên tiếp trong ba tháng cuối năm 2023 – mức giảm sâu nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế đầu những năm 1990.

Theo giá trị tuyệt đối, GDP bình quân đầu người của Úc hiện đang ở mức thấp nhất trong 2 năm – một “kết quả kém quả” so với Mỹ và có thể thúc đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao hơn, theo Goldman Sachs Group.

Nỗi lo thiếu nhà ở, giá thuê nhà tăng vọt và giá nhà tăng cao đã khiến chính phủ Úc phải thắt chặt thị thực sinh viên.

Stephen Halmarick, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, cho biết: “Trong nhiều năm qua, lượng người nhập cư cao đã tác động tích cực đến kinh tế Úc. Nhưng hiện nay, điều này đang gây áp lực lên giá thuê nhà, giá nhà và là mối lo ngại của nhiều người”.

Ở Úc, khoảng một triệu người nhập cư, tương đương 3,7% dân số, kể từ tháng 6 năm 2022 đã giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động thường xuyên trong các ngành như khách sạn, chăm sóc người già và nông nghiệp.

Nước láng giềng New Zealand cũng đang phải vật lộn với cơn đau đầu tương tự.

Tháng trước, chính phủ New Zealand đã thực hiện những thay đổi ngay lập tức đối với chương trình thị thực lao động, đưa ra yêu cầu về tiếng Anh và giảm thời gian lưu trú liên tục tối đa đối với một loạt các công việc có tay nghề thấp, với lý do tình trạng di cư ròng “không bền vững”. Bộ trưởng Bộ Di trú Erica Stanford cho biết những thay đổi này là một phần trong kế hoạch “tạo ra một nền nhập cư thông minh hơn”, “tự tài trợ, bền vững và quản lý rủi ro tốt hơn”.

Mọi chuyện càng khó khăn hơn sau khi chính phủ New Zealand đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là xây dựng 1,2 triệu ngôi nhà mới vào năm 2029, một điều rất khó khả thi.

Tổ chức nghiên cứu độc lập, Ủy ban Phát triển Kinh tế Úc, đã phát hiện trong một báo cáo gần đây rằng khoảng cách tiền lương theo giờ giữa những người nhập cư gần đây và những người lao động sinh ra ở Úc đã tăng lên từ năm 2011 đến năm 2021. Những người di cư đã ở Úc từ hai đến sáu năm kiếm được ít hơn từ 10% trở lên so với những người lao động gốc Úc.

Vương quốc Anh

Tại Anh – một nền kinh tế gần như có việc làm đầy đủ – những người đến từ Ukraine, Hồng Kông và những nơi khác đã bù đắp cho tình trạng thiếu lao động sau Brexit. Nhưng mức độ nhập cư kỷ lục đã bắt đầu đè nặng lên nền kinh tế.

Cuộc suy thoái vào nửa cuối năm ngoái đã khiến GDP toàn phần giảm 0,4%, tuy nhiên mức sụt giảm còn kéo dài và sâu hơn khi được điều chỉnh theo dân số. GDP bình quân đầu người đã giảm 1,7% kể từ đầu năm 2022, giảm ở 6/7 quý và trì trệ ở quý còn lại.

Với việc nước Anh gần đạt được trạng thái toàn dụng lao động và hơn 850.000 người bỏ lực lượng lao động kể từ sau đại dịch, nhập cư đã giúp các nhà tuyển dụng giải quyết tình trạng thiếu lao động trên diện rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và chăm sóc xã hội.

Paul Johnson, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính, cho biết: “Phần lớn mức tăng trưởng mà chúng tôi chứng kiến trong những năm 2010 là nhờ nhập cư ròng. Xét về quy mô tổng thể của nền kinh tế, điều đó thực sự quan trọng. Điều thực sự khó nói là tác động của việc nhập cư ròng lên thu nhập bình quân đầu người.”

GDP của Anh đã tăng 23% kể từ đầu năm 2010. Xét trên cơ sở đầu người, tốc độ tăng trưởng sản lượng kém ấn tượng hơn nhiều, chỉ ở mức 12%.

Trong cùng thời kỳ, dân số đã tăng mạnh, ước tính tăng 11%, tương đương gần 7 triệu, lên 69 triệu. Văn phòng Thống kê Quốc gia dự đoán con số này sẽ đạt gần 74 triệu người vào năm 2036 trong các dự báo dân số cập nhật hiện đang dự đoán tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Hồi tháng 1, tổ chức này cho biết hơn 90% mức tăng dân số dự kiến từ năm 2021 đến năm 2036 sẽ đến từ những người nhập cư.

Johnson nói: “Nếu chúng ta không có lượng người nhập cư cao như vậy, nhà ở sẽ rẻ hơn hiện tại, có thể là khá đáng kể. Nhưng vấn đề là chúng ta chưa xây đủ nhà để đáp ứng quy mô dân số”.

Sự thiếu hụt bất động sản dành cho dân số đông hơn đã khiến giá nhà tăng hơn 8 lần thu nhập trung bình ở Anh và xứ Wales, và 12 lần ở London. Năm 1997, con số này lần lượt là 3,5 lần và 4 lần. Việc thiếu nguồn cung cũng khiến chi phí thuê nhà tăng vọt với tốc độ kỷ lục trong 12 tháng qua, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, đặc biệt là đối với giới trẻ Anh.

Số liệu chính thức cho thấy 234.400 ngôi nhà đã được bổ sung vào nguồn cung nhà ở của Vương quốc Anh từ năm 2022 đến năm 2023, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu 300.000 căn nhà một năm.

Peter Truscott, Giám đốc điều hành của công ty xây dựng nhà FTSE 250 Crest Nicholson, cho biết: “Nếu chúng ta đang tìm cách tăng GDP bằng cách thu hút nhiều người nhập cư, thì chúng ta cần nhiều nhà ở hơn”.

Tuy nhiên, các công ty xây dựng nhà ở Anh và chính phủ đang phải vật lộn để thúc đẩy việc xây dựng những ngôi nhà mới để đáp ứng nhu cầu cần thiết do các bất cập về quy hoạch. Các chuyên gia dự báo có thể phải mất 2 nhiệm kỳ quốc hội để tạo ra sự khác biệt cho nguồn cung nhà ở.

Để giải quyết vấn đề này, về lâu dài, chính sách của chính phủ, đặc biệt là về nhà ở, phải thuyết phục được cả những người sắp nhập cư và người dân hiện tại về lợi ích của tăng trưởng kinh tế do nhập cư.

 

Lam Vy (Business Times)