Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo, nhắc khéo Mỹ chớ giáng đòn đau

Thứ tư, 18/12/2019 - 09:15

Nếu lời đe dọa đóng cửa căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành hiện thức thì đây có thể là “nhát cắt chí mạng” đối với quan hệ đồng minh Mỹ-Thổ.

Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đe dọa đóng cửa căn cứ không quân Incirlik nơi mà các lực lượng Mỹ đang đồn trú, ông không hề nói suông và Washington nên xem xét cẩn trọng lời đe dọa này, nếu không sẽ có nguy cơ đánh mất một đồng minh NATO, các nhà phân tích nhận định.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bên cạnh Tổng thống Donald Trump tại
lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO tại London đầu tháng 12/2019. (Nguồn: AP).

Incirlik là một căn cứ quân sự lớn, đóng vai trò quan trọng, nằm ở thành phố Anada - nơi có 1,7 triệu dân, cách biên giới Syria 250km. Tại đây có gần 5.000 binh sỹ Mỹ cùng hàng trăm phi công Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 50 hầm chứa máy bay dành cho các máy bay chiến đấu của Mỹ và khoảng 50 vũ khí hạt nhân. Ngoài căn cứ này, ông Erdogan cũng đe dọa đóng cửa trạm radar Kurecik – một cơ sở biệt lập nằm trên ngọn đồi cao ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, có nhiệm vụ đưa ra cảnh báo sớm về những cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Đừng thách thức ông Erdogan

Theo giới quan sát, lời đe dọa của Tổng thống Erdogan rất nghiêm trọng nhưng không hề bất ngờ. Đây là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến ngoại giao đang diễn ra giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Mỹ, rủi ro trong cuộc chiến này rất lớn. Nếu Quốc hội thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp trả đũa chống lại Ankara, Mỹ có nguy cơ “phá vỡ cầu nối” với đồng minh trong khối NATO này và đưa ông Erdogan xích lại gần hơn với những nước có ảnh hưởng trong khu vực như Nga và Iran.

“Dù cho bất cứ biện pháp cuối cùng nào mà Mỹ quyết định, sẽ không khôn ngoan khi đánh giá rằng Tổng thống Erdogan – một con người Thổ Nhĩ Kỳ mạnh mẽ, chỉ biết nói suông”, RT dẫn lời nhà phân tích chính trị Yusuf Erim của TRT World cho biết.

“Ông Erdogan luôn làm theo những gì ông ấy nói và chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng từng câu từng lời. Nếu Mỹ áp đặt trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ, nó sẽ tạo ra hiệu ứng boomerang (hiệu ứng đối kháng, có kết quả trái ngược hoàn toàn với mong đợi). Xét theo ngôn từ mạnh mẽ của Tổng thống Erdogan, hành động của Quốc hội Mỹ có thể khiến nước này mất đi hai căn cứ quan trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Nhà phân tích Yusuf Erim nhấn mạnh, một biện pháp cực đoan như vậy từ Thổ Nhĩ Kỳ được xem như sự phản kháng trước những chính sách và luật lệ mới do Washington áp đặt. Hơn nữa, nếu các lệnh trừng phạt được thực thi, dễ khiến quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng “không thể cứu vãn”.

Nhiều quyết định trước đây của Tổng thống Erdogan cho thấy ông luôn thực hiện được những cam kết của mình. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ các đồng minh trong khối NATO, Tổng thống Erdogan vẫn mua hệ thống phòng thủ S-400, thách thức mọi lời đe dọa từ phía Washington để tiếp nhận hệ thống này vào tháng 7/2019.

Mâu thuẫn chính sách ở Washington

Hiện nay, trong nội bộ nước Mỹ vẫn còn nhiều chia rẽ về cách thức xử lý quan hệ với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài việc xem xét dự luật áp đặt lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ vì quyết định của nước này mua hệ thống S-400, Thượng viện Mỹ hôm 12/12 đã thông qua nghị quyết công nhận vụ thảm sát dưới thời Đế chế Ottoman đối với người Armenia là tội diệt chủng. Động thái này đã chọc giận Tổng thống Erdogan và ông đe dọa đáp trả bằng một nghị quyết riêng của Thổ Nhĩ Kỳ, công nhận vụ giết người Mỹ bản địa trong các thế kỷ qua là tội diệt chủng. Lâu nay, cách nhìn nhận vụ việc này vẫn gây ra nhiều tranh cãi và thường phủ bóng u ám lên mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Armenia. Ankara luôn bác bỏ cáo buộc và giữ vững quan điểm rằng, đây là hậu quả của các cuộc giao tranh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Điều đáng lưu ý là các động thái nói trên Thượng viện diễn ra mà không có sự đồng thuận của Tổng thống Trump - người theo đuổi lập trường mềm mỏng hơn với Ankara. “Tôi thích Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi rất hòa hợp với Tổng thống. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên tốt của NATO”, ông Trump phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi đầu tháng 12.

Giáo sư Hüseyin Bağci, phụ trách bộ phận quan hệ quốc tế tại Đại học kỹ thuật Trung Đông ở Ankara lưu ý, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được các tín hiệu lẫn lộn từ Wasghington và điều này làm trầm trọng thêm căng thẳng song phương.

“Chúng ta phải phân biệt rõ giữa các thể chế chính trị của Mỹ và Tổng thống Mỹ. Ông Trump rất gần gũi với ông Erdogan. Nhưng các thể chế của Mỹ như Quốc hội, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao theo đuổi nhiều chính sách khác nhau”.

Trong khi luận điệu từ Washington được mô tả là “thiếu nhất quán”, tất cả các bên liên quan đều hiểu rõ rằng mất đi đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có lợi cho nước Mỹ. Do vậy, nếu Mỹ không nhìn thẳng câu chuyện của nước này và Quốc hội không theo đuổi một lập trường mới, thì việc đánh mất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dễ trở thành hiện thực, giáo sư Hüseyin Bağci cho biết.

“Trò chơi đối đầu” giữa Washington và Ankara đã cho thấy quan hệ đầy biến động giữa hai nước, Valeria Giannotta, một học giả Italy tại Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét.

“Trò đấu tay đôi giữa hai bên không phải là điều gì mới mẻ. Chúng tôi đã chứng kiến những thăng trầm trong quan hệ song phương suốt một thời gian dài”, ông Giannotta nói, trích dẫn sự ủng hộ của Mỹ đối với người Kurd ở Syria và việc chính quyền cựu Tổng thống Obama từ chối dẫn độ giáo sỹ Fetullah Gulen. Nhà phân tích Valeria Giannotta cho rằng, ngay cả khi quân đội Mỹ tiếp tục đồn trú tại Incirlik, Washington và Ankara vẫn chia rẽ về các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng.

Ankara muốn tạo thế cân bằng

Mặc dù là thành viên của NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ dường như “phớt lờ” các nguyên tắc của khối, luôn giữ quan điểm độc lập, thậm chí hình thành liên minh bộ 3 với Nga và Iran giải quyết các vấn đề ở khu vực Trung Đông.

Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ đặc biệt với Iran, coi quốc gia Hồi giáo này là đối tác kinh tế quan trọng , trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Mỹ luôn coi Tehran là “kẻ thù không đội trời chung” và tìm mọi cách áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn. Bên cạnh đó, Ankara cũng có xu hướng xích lại gần Nga – “đối thủ” của Mỹ. Ngoài quyết định mua S-400, Thổ Nhĩ Kỳ còn phối hợp chặt chẽ với Nga trong vấn đề Syria, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và thương mại, xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Việc xích lại gần Nga và Iran giúp Ankara dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và NATO.

Giới phân tích cho rằng, nếu Mỹ không cẩn trọng trong từng đường đi nước bước, cuộc đối đầu với Tổng thống Erdogan có thể làm trầm trọng hơn căng thẳng giữa hai bên. Nếu lời đe dọa đóng cửa căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành hiện thức thì đây có thể là “nhát cắt chí mạng” khiến Mỹ buộc phải “tuyệt tình” với đồng minh thân thiết thuở nào./.

Theo RT