Thời Covid-19: Diện mạo mới của chính trị thế giới

Thứ sáu, 21/08/2020 - 07:25

Tình hình hiện nay cho thấy đại dịch Covid-19 chỉ làm đậm nét hơn 5 đặc điểm cơ bản của tình hình thế giới đã có từ trước đại dịch.

Trong thời kỳ chung sống với dịch bệnh covid-19 này, chính trị thế giới sẽ có diện mạo ra sao và chi phối thế nào đến hành xử và chính sách của các quốc gia? Tác giả Usman Ghani đã đề cập vấn đề này trên trang Modern Diplomacy

Thời đại dịch Covid-19: toàn cầu hóa sẽ chứng kiến sự đảo chiều nhiều mặt trong tương lai, theo đó sẽ xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại và hạn chế đi lại ở một mức độ nào đó. (Nguồn: Esther Schaarhüls CEO Spreewert).

Hầu hết đặc trưng của môi trường chính trị quốc tế là được định hình qua nhiều năm tháng. Tình hình hiện nay cho thấy đại dịch Covid-19 chỉ làm đậm nét hơn 5 đặc điểm cơ bản của tình hình thế giới đã có từ trước đại dịch.

Một là, tính đa cực gia tăng cùng quyền lực được phân tán theo chiều dọc và chiều ngang giữa các quốc gia và trong nội tại các quốc gia. Do đó, sức mạnh toàn cầu đặc biệt là sức mạnh kinh tế sẽ tiếp tục được tái phân bổ trong khi quyền lực nhà nước sẽ tiếp tục bị xói mòn do tác động ngày càng lớn của chủ thể phi nhà nước tốt lẫn xấu. Trong thế giới hiện tại, không một chủ thể nào có thể thành công mà không có sự hợp tác với các quốc gia khác. Với Mỹ, kể từ chiến tranh thế giới lần 2, đây là lần đầu tiên nước này vắng mặt trong vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Hai là gia tăng cạnh tranh và căng thẳng giữa các cường quốc. Việc Mỹ-Trung đối đầu đã trở thành sự phát triển địa chính trị mang tính hệ quả, tác động và định hình thế giới trong tương lai. Căng thẳng chính trị giữa hai nước lên đến đỉnh điểm, bùng nổ chiến tranh thương mại và công nghệ trước khi đại dịch diễn ra sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Ba là, các cường quốc toàn cầu đang rút khỏi chủ nghĩa đa phương và hệ thống quốc tế dựa trên nguyên tắc. Trong khi đại dịch đòi hỏi sự đoàn kết và hợp tác quốc tế thì tại nhiều nơi lại thiếu vắng nhân tố này. Nhiều quốc gia đã từ bỏ các hiệp định và hiệp ước quốc tế, trong đó Mỹ đã từ bỏ một danh sách dài các hiệp ước như Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung và Thỏa thuận Bầu trời mở, đồng thời rời bỏ các thể chế đa phương chủ chốt như Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Bốn là sự nổi lên của các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy. Các nhà lãnh đạo dân túy hành động đơn phương nhưng không bị chịu sự trừng phạt và họ cũng đang tìm cách định hình lại các quy tắc trò chơi trên thế giới và trong khu vực. Hầu hết trong số họ đều không coi trọng các chuẩn mực quốc tế.

Năm là, sẽ xuất hiện sự trỗi dậy tâm lý chống toàn cầu hóa vì nhiều lý do. Mỹ đe dọa rời WHO vĩnh viễn và cắt viện trợ cho cơ quan y tế chủ chốt của Liên hợp quốc. Hơn nữa, một số nhà lãnh đạo phương Tây sẽ từ chối cho hưởng các chế độ ưu đãi thương mại hiện có vì như thế họ sẽ không thể cạnh tranh được nữa. Tình hình này đòi hỏi phải định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhiều nước đang xem xét kế hoạch thiết lập các trung tâm sản xuất và cung ứng trong nước.

Tóm lại, toàn cầu hóa sẽ chứng kiến sự đảo chiều nhiều mặt trong tương lai, theo đó sẽ xuất hiện chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại và hạn chế đi lại ở một mức độ nào đó. Các nhà lãnh đạo dân túy cánh hữu sẽ tận dụng cuộc khủng hoảng y tế để củng cố chính sách ưu tiên của họ về việc đóng cửa biên giới, áp dụng luật nhập cư nghiêm ngặt và lệnh cấm di chuyển lao động tự do. Quan hệ Mỹ - Trung - được mô tả là chiến tranh lạnh kiểu mới - sẽ tác động lớn tới kinh tế toàn cầu cũng như trật tự quốc tế và thể chế đa phương./.

Theo Hà Linh/ Thế giới và Việt Nam