Thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử Việt Nam

Thứ ba, 24/09/2019 - 21:42

TNV - Đây là lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam” do Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 24/9 tại Hà Nội.

Khai mạc Hội thảo, Ban tổ chức đã chia sẻ: Dựa trên thành quả của chương trình nghiên cứu khoa học quốc gia và Hội thảo quốc gia “Hùng Vương dựng nước” cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ XX, theo sáng kiến của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”. Cuộc Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu nghiên cứu mới trong một nửa thế kỷ qua về thời đại dựng nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đồng thời rút kinh nghiệm và hướng tới các chương trình khoa học trong những thập kỷ tiếp theo của thế kỷ XXI.

Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Trong lịch sử Việt Nam, thời đại Hùng Vương có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây là giai đoạn mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc ta. Thời đại này đã được các sử gia ghi chép lại từ khá sớm trong các bộ chính sử, tuy nhiên tư liệu chủ yếu dựa trên thư tịch và truyền thuyết, và đều coi đây là thời kỳ truyền thuyết.

Đến năm 1968, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, một chương trình liên ngành khoa học quốc gia nghiên cứu về Thời đại Hùng Vương dựng nước ra đời do GS. Viện sĩ Phạm Huy Thông - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện trưởng Viện khảo cổ học chủ trì, với sự tham gia rất tích cực và nhiệt huyết của đông đảo nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau ở cả trong nước và quốc tế. Các bài nghiên cứu đã trình bày trong Hội Nghị và dược công bố trong 4 tập Hùng Vương dựng nước. Các ấn phẩm này ngay từ khi xuất bản đã trở thành cẩm nang của các nhà khoa học xã hội

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Thành tựu lớn nhất của giai đoạn này là đã chứng minh một cách thuyết phục thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử. Từ những kết quả nghiên cứu mới đã chính thức đưa Thời đại Hùng Vương vào trong chính sử Việt Nam.

Đồng chí đánh giá cao Hội thảo đồng thời khẳng định từ đó giúp cho chúng ta tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá, làm sâu sắc hơn thời đại Hùng Vương, là thời đại nền tảng của lịch sử dân tộc. Từ tiếp cận toàn diện này chúng ta hiểu rõ hơn đặc điểm dân tộc, hiểu rõ lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc để từ đó tôn vinh truyền thống vẻ vang của dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Hội thảo góp phần vào đánh giá kết luận về Thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam, đóng góp tích cực vào công việc xây dựng Bộ Quốc sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đồng thời, thông qua Hội thảo, chúng ta rút ra những bài học quý báu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như giữ gìn, phát huy những giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc; đề xuất những giải pháp hữu hiệu trong giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước của dân tộc ta cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

B.H