Tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ giúp trẻ ngăn ngừa sự xuất hiện biến chứng nặng như hội chứng MIS-C - Ảnh: VGP/HM
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tính từ ngày 1/1/2022 đến 22/10/2022, số trẻ dưới 5 tuổi bị mắc COVID-19 tại Thành phố là 13.517 trẻ, chiếm 4,27% tổng số trường hợp mắc. Con số này cao hơn mức trung bình của thế giới.
Việc phòng bệnh COVID-19 cho trẻ em là rất cần thiết. Đặc biệt, tiêm vaccine sẽ giúp trẻ ngăn ngừa sự xuất hiện biến chứng nặng có tên "Hội chứng MIS-C" - là tình trạng viêm nhiều cơ quan khác nhau, như tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ có tiền sử mắc COVID-19 trước đó.
Trẻ mắc hội chứng MIS-C thường có các biểu hiệu: Sốt cao liên tục, mắt đỏ, môi đỏ, phát ban da, sưng đau hạch cổ và các triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau bụng, tiêu chảy. Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ em thường liên quan đến hệ tim mạch, bao gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim.
Riêng biến chứng viêm mạch vành, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch, như dãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim.
Để phòng bệnh COVID-19, các chuyên gia y tế và các tổ chức quốc tế tiếp tục nhấn mạnh biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Riêng với trẻ nhỏ, HCDC đã chỉ ra những công trình nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả của vaccine.
Cụ thể, đối với vaccine của Pfizer, ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, 3 mũi vaccine Pfizer đạt hiệu quả 73,2% bảo vệ trẻ đối với thể nhẹ, có triệu chứng do biến thể Omicron và các chủng phụ. Đối với trẻ em từ 6 đến 23 tháng tuổi, vaccine cho hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 là 75,8%, trung bình là 1,9 tháng sau liều thứ 3. Đối với trẻ từ 2 đến 4 tuổi, vaccine có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 là 71,8%, trung bình là 2,4 tháng sau liều thứ 3.
Vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna và đều đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt cho sử dụng ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi. Một số nước đã bắt đầu tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi, bao gồm Canada, Israel và Hoa Kỳ (tháng 6), với hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi này đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Moderna hoặc Pfizer.
Tại Australia, vaccine COVID-19 được khuyến cáo tiêm cho các trẻ đưới 5 tuổi thuộc nhóm nguy cơ. Ngoài ra, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đã tiêm chủng cho trẻ nhỏ với các loại vaccine khác nhau, như Trung Quốc (hơn 84 triệu liều vaccine Sinopharm và Sinovac cho trẻ 3 đến 11 tuổi đến tháng 11/2021), Hongkong (Trung Quốc, ngày 12/10/2022 phê duyệt vaccine Pfizer tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi), Cuba (sử dụng vaccine Abdala, Soberana tiêm cho trẻ em từ 2 tuổi).
Tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam đang tiến hành 7 nghiên cứu đánh giá hiệu quả bảo vệ, đáp ứng miễn dịch của vaccine phòng COVID-19, trong đó 1/7 nghiên cứu đã hoàn thành và đang hoàn thiện báo cáo, 6/7 nghiên cứu đang trong thời gian triển khai.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, học sinh; tiếp tục theo dõi, cập nhật khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 để mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi; tổng hợp kết quả khảo sát, thăm dò ý kiến về việc tiêm chủng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) và Bộ GD&ĐT, chuẩn bị tổ chức họp Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine để xem xét vấn đề này.
Tính đến ngày 14/11, nước ta vẫn ghi nhận hơn 850.000 trường hợp đang theo dõi, giám sát bệnh COVID-19. Trong đó, số bệnh nhân đang thở oxy là 38 ca (thở oxy qua mặt nạ là 26 ca; thở oxy dòng cao HFNC 3 ca; thở máy xâm lấn là 9 ca).
Theo Chinhphu