Đã có khoảng 300 ca mắc/nghi mắc trên toàn thế giới
Đến thời điểm này, thế giới đã ghi nhận khoảng 300 ca mắc/nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hầu hết các trường hợp này là ở châu Âu chứ không phải ở khu vực Tây và Trung Phi - nơi đậu mùa khỉ được xem là bệnh đặc hữu.
Những trường hợp mắc mới ghi nhận trong ngày 28/5 là ở Mexico, Iceland và Malta (đều là ca mắc đầu tiên ở 3 nước này). Những trường hợp này đang được điều trị tại bệnh viện hoặc được cơ quan y tế theo dõi.
Giải trình tự gene virus gây bệnh
Tại Bỉ, các nhóm nghiên cứu từ Đại học Công giáo Louvain đã bắt đầu tiến trình giải trình tự gene của virus gây bệnh đậu mùa khỉ.
Các nhà nghiên cứu cho biết virus gây bệnh đậu mùa khỉ có DNA phức tạp hơn nhiều so với virus RNA. Tuiy nhiên, hiện có rất ít dữ liệu chất lượng tốt về các chủng gốc để có thể so sánh và xác định xem liệu virus gây bệnh đã có biến thể ở châu Âu hay chưa.
Cho đến nay, hầu hết các bộ gene của virus gây bệnh được phân tích đều có cùng gốc với chủng virus xuất hiện ở Tây Phi và ít độc lực hơn so với 2 chủng ban đầu ở Trung Phi. Nhóm nghiên cứu nghi ngờ khả năng các trường hợp mắc bệnh mới được ghi nhận gần đây ở châu Âu đều đến từ cùng một chủng virus dù chưa thể xác định chắc chắn.
Một giáo sư sinh học và miễn dịch học thuộc Đại học Tự do Brussels cho rằng không nên chủ quan khi đánh giá về mức độ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ ở châu Âu, dù hiện nay tốc độ lây lan mới chỉ ở mức thấp.
Theo chuyên gia này, việc xuất hiện nhiều ca bệnh ở các nước phương Tây hiện nay cho thấy có thể virus đã âm thầm lây lan trong một thời gian. Vì thế, đây là thời điểm quan trọng để kiểm soát dịch bệnh và cần phải thực hiện mọi biện pháp để cắt đứt chuỗi lây nhiễm.
Theo số liệu của Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), tính đến thời điểm này đã có 118 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở 12 nước châu Âu, không kể Anh.
Giới chức y tế Bỉ và quốc tế đánh giá virus này không lây lan nhanh như virus corona, thậm chí còn chậm hơn bệnh đậu mùa thông thường. Bệnh lây qua tiếp xúc gần qua các tổn thương trên da, nhưng người bệnh thường sẽ tự khỏi.
Tuy nhiên, việc xuất hiện các ca bệnh lây truyền từ người sang người đồng thời ở cả Mỹ và châu Âu hiện nay cho thấy phần nào sự bất thường của loại virus này. Điều đó đòi hỏi phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ như cách ly mầm bệnh, chăm sóc y tế, tiêm phòng cho các trường hợp tiếp xúc gần và giải trình tự gene trên quy mô lớn đối với chủng virus đang lây lan ở Mỹ và phương Tây.
Cần hành động nhanh hơn
Hiện thế giới chưa có ca tử vong nào do mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng giới chức y tế toàn cầu vẫn bày tỏ quan ngại về việc các ca mắc gia tăng tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận bệnh này.
Vì vậy, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hối thúc các cơ quan y tế toàn cầu hành động nhanh hơn nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ.
Theo các nhà khoa học, dù bệnh đậu mùa khỉ ít có khả năng lây lan hoặc nguy hiểm như dịch COVID-19, song cần có hướng dẫn rõ ràng hơn về cách thức cách ly đối với mỗi ca bệnh đậu mùa khỉ, cũng như có thêm khuyến nghị về cách thức bảo vệ những người có nguy cơ, cũng như cải thiện khâu xét nghiệm và truy vết.
Hiện WHO đang cân nhắc liệu việc bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có được coi là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) như với COVID-19 hay Ebola hay không, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh dịch.
WHO khẳng định tổ chức này vẫn đang đánh giá về tình hình dịch bệnh, song chưa đưa ra quyết định về việc thành lập Ủy ban khẩn cấp - cơ quan sẽ đưa ra khuyến nghị tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là "tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế".
Trước đó, ngày 27/5, WHO cho rằng có thể ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ nhờ việc phát hiện, cách ly và truy vết nhanh chóng. Những người mắc bệnh hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh được khuyến nghị cách ly trong vòng 21 ngày.
Tổng hợp theo TTXVN