Ảnh minh hoạ
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, hứa hẹn tạo cú hích lớn cho phát triển kinh tế - xã hội Hải Phòng, đặc biệt với tuyến nhánh đi cảng và ga Nam Đồ Sơn.
Ghi nhận tại các quận, huyện: Đồ Sơn, Dương Kinh, Hải An, Kiến Thụy, An Lão, công tác quản lý mặt bằng bước đầu được đánh giá tốt.
UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các địa phương hoàn thành việc xác định và cắm mốc giới trong khu dân cư trước ngày 20/5/2025, tại các khu đất nông nghiệp và đất khác trước 30/5/2025. Đồng thời, yêu cầu dừng chia tách sổ đỏ trong phạm vi quy hoạch dự án kể từ 20/5.
Các địa phương được giao nhiệm vụ chụp ảnh, quay phim hiện trạng sử dụng đất, tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi xây dựng, trồng cây để trục lợi trước thời điểm quy định.
Thành phố kiên quyết không bồi thường, hỗ trợ cho công trình, cây trồng phát sinh trái phép sau thời hạn đã nêu. Cụ thể: Không bồi thường công trình xây dựng trên đất nông nghiệp; Không hỗ trợ cây trồng sau ngày 30/5/2025; Không bồi thường công trình và cây trồng trên đất ở phát sinh sau ngày 20/5/2025.
Theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND, Hải Phòng đã thống nhất chi khoảng 11.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để triển khai đoạn tuyến qua địa bàn, trong đó gần 6.000 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng và 5.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng tuyến nhánh đi cảng và ga Nam Đồ Sơn.
Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là một trong những công trình hạ tầng chiến lược có quy mô lớn nhất cả nước hiện nay, với tổng mức đầu tư lên tới 8 tỷ USD. Tuyến đường có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), điểm cuối tại bến cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng), dài hơn 403 km, xuyên suốt 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Trong đó, đoạn tuyến đi qua địa bàn Hải Phòng dài khoảng 46,18 km tuyến chính và 20,57 km tuyến nhánh, sử dụng quỹ đất lên tới 376 ha. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng đã lên tới gần 5.860 tỷ đồng, trong khi tổng vốn đầu tư xây dựng đoạn tuyến chính và các tuyến nhánh trên địa bàn thành phố cũng lên tới hơn 26.900 tỷ đồng.
Theo tính toán của UBND TP. Hải Phòng, căn cứ vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026–2030, tổng nguồn vốn còn lại mà thành phố có thể bố trí cho các dự án mới trong kỳ là hơn 100.800 tỷ đồng, trong đó phần dành cho Dự án đường sắt này sẽ chiếm một tỷ lệ không nhỏ, thể hiện rõ mức độ ưu tiên chiến lược.
Tâm An