Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành. Đây là cuộc làm việc được tổ chức thường niên nhằm nhìn lại 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và đưa ra phương hướng thời gian tới. Cuộc làm việc hôm nay diễn ra vào dịp kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2019) và Tháng thanh niên 2019.
Mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “năm vừa rồi, các đồng chí làm được rất nhiều việc nổi trội, được lớp trẻ, đoàn viên thanh niên, kể cả trong nước và nước ngoài đánh giá cao với nhiều hoạt động sôi nổi, phong phú, gây ấn tượng mạnh mẽ trong xã hội”. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên đã phối hợp tốt, tranh thủ được nhiều ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành, các thành viên Chính phủ trong một số hoạt động chuyên sâu để có phong trào thực chất hơn đối với đoàn viên thanh niên. “Vậy những bài học kinh nghiệm nào rút ra trong hoạt động này cũng là vấn đề lớn cần suy nghĩ”, Thủ tướng nói. Đặc biệt, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn, có vấn đề gì trong sự phối hợp với các bộ, cơ quan, không chỉ Trung ương mà cả các địa phương. Việc rút ra bài học để làm tốt hơn trong năm 2019 là rất quan trọng.
Thủ tướng hoan nghênh Văn phòng Chính phủ, các bộ đã triển khai lấy ý kiến của các cơ quan liên quan đối với các kiến nghị của Đoàn Thanh niên. Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, “tìm điểm gì mới trong năm 2019 để hoạt động của Đoàn sôi nổi hơn, ích lợi hơn cho phong trào đoàn viên thanh viên” như đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ đối với thanh niên, ở đô thị và cả nông thôn. Trong đó, nêu ra các vướng mắc cần tháo gỡ trong công tác phối hợp để làm tốt hơn trong năm 2019. Nếu không có sự tập hợp tốt lực lượng thanh niên thì rất khó, vậy trong sự tập hợp ấy, có vấn đề gì vướng mắc mà Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm, Thủ tướng đặt vấn đề, mong muốn các đại biểu thảo luận, làm rõ.
Trình bày báo cáo tại cuộc làm việc, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho biết, thực hiện kết luận của Thủ tướng tại cuộc làm việc năm 2018 với Trung ương Đoàn, các địa phương đã quan tâm quy hoạch, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cho thanh thiếu nhi. Toàn quốc hiện có 40 tỉnh, thành phố đã quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng thiết chế văn hóa thể thao (đạt 63,5%). Cả nước hiện có 68 cung, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp tỉnh; 168 nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi cấp huyện là hệ thống thiết chế của Đoàn Thanh niên. Trong năm 2018, các cấp bộ đoàn trên cả nước đã xây dựng mới được 1.000 điểm sinh hoạt, vui chơi dành cho thanh thiếu nhi trên địa bàn dân cư với tổng trị giá khoảng 41 tỷ đồng.
Qua nắm bắt của Trung ương Đoàn, sau khi Thủ tướng thống nhất về chủ trương không sáp nhập các nhà thiếu nhi với các thiết chế văn hóa không có chức năng tương đồng khác, vẫn có một số đơn vị tổ chức sáp nhập.
Về chủ trương bổ sung nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2022, năm 2018, Trung ương Đoàn đã có văn bản gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong đó có đề nghị bổ sung nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2019 là 10-15 tỷ đồng. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổng hợp đề xuất của Trung ương Đoàn và sẽ bổ sung cho Trung ương Đoàn khi có nguồn vốn mới.
Tại cuộc làm việc, Trung ương Đoàn nêu một số kiến nghị về công tác giáo dục của Đoàn, về việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ chế hoạt động của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam, về công tác quốc tế của thanh niên, các đề án đã phê duyệt…
Đức Tuân/Theo Chinhphu