Thủ tướng làm việc với tỉnh Hà Nam

Thứ bảy, 06/08/2016 - 16:21

Sáng nay (6/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Hà Nam về tình hình phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng gợi mở một số định hướng đối với sự phát triển của Hà Nam thời gian tới, trong đó lưu ý tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Ảnh: VGP/Quang Hiếu Thủ tướng gợi mở một số định hướng đối với sự phát triển của Hà Nam thời gian tới, trong đó lưu ý tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông cho biết 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh phát triển khá. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 11%; thu ngân sách tăng 29%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,9%. Tỉnh thu hút được khoảng 25.000 tỷ đồng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, trong đó, số vốn trong nước tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bình quân của tỉnh đến nay là 15,66 tiêu chí/xã, cao hơn 2,66 tiêu chí/xã so với bình quân chung cả nước.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo tỉnh, giải phóng mặt bằng còn khó khăn, thi công một số dự án chậm, nợ công còn lớn. Quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, chấp thuận đầu tư, quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, khoáng sản, xử lý xe quá trọng tải còn hạn chế. Ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vùng Tây sông Đáy còn bức xúc.

Lãnh đạo tỉnh cũng báo cáo, cơn bão số 1 vừa qua đổ bộ trực tiếp vào tỉnh, gây nhiều thiệt hại, làm chết 1 người, thiệt hại về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lĩnh vực khác khoảng 360 tỷ đồng.

1

Tại cuộc làm việc, tỉnh Hà Nam có một số kiến nghị, đề xuất cụ thể như kiến nghị Trung ương quan tâm có cơ chế tạo nguồn lực đầu tư để các trường đại học thuộc diện quy hoạch di dời ở Hà Nội và các bệnh viện tuyến Trung ương về đầu tư tại Khu Đại học Nam Cao và Khu Trung tâm y tế chất lượng cao Hà Nam, bổ sung nguồn hỗ trợ cho dự án tu bổ đê Hữu Hồng, dự án khu du lịch trọng điểm Tam Chúc…

Trên cơ sở thực tiễn và đề xuất của tỉnh Hà Nam, các bộ, ngành đánh giá cao Hà Nam đã xác định hướng đi khá rõ nét, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, đồng thời gợi ý tỉnh thúc đẩy phát triển mạng lưới du lịch gắn với dịch vụ nghỉ dưỡng, phát triển các trung tâm dịch vụ y tế kết hợp nghỉ dưỡng, coi đó là thế mạnh kinh tế, tạo nguồn thu; thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh thực hiện các dự án giao thông kết nối liên tỉnh. Tỉnh cũng nên thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao. Bộ Y tế cho biết cũng đang có chủ trương phối hợp với tỉnh xây dựng một số khu trung tâm dịch vụ y tế, khu nghiên cứu, chế biến dược liệu…

2 Thủ tướng thăm hỏi, động viên công nhân khu nông nghiệp công nghệ cao An Phú Hưng Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua của Hà Nam, là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất đồng bằng Bắc Bộ. Cho rằng Hà Nam có 2 mặt thuận lợi là dân trí cao, nằm trong Vùng Thủ đô, Thủ tướng nhấn mạnh đây là điều kiện để tỉnh phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

“Đây là một trong những địa phương đi đầu về giao thông nông thôn, người nông dân hiến đất làm công trình phúc lợi xã hội”, Thủ tướng nêu rõ.

Về mặt khó khăn, Thủ tướng cho rằng Hà Nam vẫn là tỉnh nghèo, vẫn nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương. “Tôi hy vọng lần sau về đây, tỉnh có thể công bố hoàn toàn tự túc được ngân sách và còn có thể đóng góp cho ngân sách Trung ương”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng ngheo báo cáo về dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: VGP/Quang Hiếu Thủ tướng ngheo báo cáo về dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng gợi mở một số định hướng đối với sự phát triển của Hà Nam thời gian tới, trong đó lưu ý tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch...

Phát triển nhanh nhưng cần quan tâm góc độ phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đất đai, nhất là khai thác đá, cát sỏi, sản xuất xi măng… “Xi măng phát triển ở mức độ nào và một số ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở địa phương thì phải xem xét, điều chỉnh ra sao?”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Tỉnh cần xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, chứ không chỉ dựa vào vốn nhà nước. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động; cải cách thủ tục hành chính, cần có bộ máy hành chính tốt, cán bộ tốt để phục vụ phát triển.

Về một số đề xuất cụ thể của tỉnh, Thủ tướng nhất trí về chủ trương, giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dự án tu bổ đê Hữu Hồng và một số tuyến kè mỏ, kè lát mái thuộc đê Hữu Hồng, Thủ tướng yêu cầu tỉnh xem xét, rà soát, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng tuyến đê, lựa chọn những vị trí xung yếu, mất an toàn, có khả năng ảnh hưởng lớn đến an toàn của toàn bộ hệ thống đê trong mùa mưa bão để tiến hành sửa chữa nâng cấp kịp thời; căn cứ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho tỉnh giai đoạn 2016 -2020, nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.

4 Thủ tướng khảo sát dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước đó, Thủ tướng đã thăm khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Phú Hưng, huyện Lý Nhân, một trong số những công trình chịu nhiều ảnh hưởng cơn bão số 1 vừa qua. Thủ tướng cũng đi kiểm tra công tác thi công cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức.

Đây là 2 trong 5 cơ sở bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đạt tiêu chuẩn quốc tế được bắt đầu xây dựng từ cuối năm 2015 với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng sẽ đi vào hoạt động sau một năm rưỡi nữa theo kế hoạch để giảm quá tải cho cơ sở chính ở Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Y tế cũng như các nhà thầu cần phải bảo đảm cả tiến độ lẫn chất lượng của công trình, “vì đây là tiền thuế, là mồ hôi công sức của nhân dân dành dụm, chắt chiu”. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cần triển khai ngay và phải dành nhiều thời gian, công sức để đào tạo các y, bác sĩ cho 2 cơ sở bệnh viện này.

Theo Chinhphu