Thủ tướng Đức Angela Merkel dự kiến sẽ có chuyến thăm Israel vào đầu tuần tới, trước khi rời nhiệm sở sau 16 năm cầm quyền.
Thông điệp của bà Merkel
Việc bà Angela Merkel đến thăm Israel trước khi rời vị trí Thủ tướng Đức cho thấy chuyến thăm sẽ gửi gắm nhiều thông điệp.
Bà Merkel đã không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 trong cuộc bầu cử tháng 9. Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel đã bị đánh bại bởi đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả với kết quả sít sao trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào năm 2018. Ảnh: Times of Israel
Dù chưa rõ Olaf Scholz, lãnh đạo SPD hay Armin Laschet, ứng viên thủ tướng của CDU sẽ là người thành lập liên minh cầm quyền mới, nhưng chắc chắn rằng Thủ tướng Đức sẽ không đến Israel để khởi động bất kỳ một chính sách hoặc sáng kiến ngoại giao nào vào khoảng thời gian cuối cùng tại vị, điều người kế nhiệm của bà có thể ủng hộ hoặc không.
Theo Jerusalem Post, chuyến thăm Israel sắp tới của bà Merkel không phải vì lý do chính sách, mà vì những lý do mang tính biểu tượng. Chuyến thăm cuối cùng với tư cách Thủ tướng Đức của bà Merkel cho thấy nữ lãnh đạo coi trọng mối quan hệ Đức – Israel. Bên cạnh đó, bà Merkel muốn gửi một thông điệp quan trọng tới công chúng Đức hơn là thông điệp tới Israel.
Cả hai ứng cử viên có khả năng thành lập chính phủ liên minh và kế nhiệm bà Merkel đều không đại diện cho sự thay đổi thế hệ lãnh đạo của Đức khi ông Scholz 63 tuổi và ông Laschet 60 tuổi, trong khi bà Merkel 67 tuổi.
Theo NY Times, trong khi chỉ có 1/7 thành viên sắp mãn nhiệm của Quốc hội Đức dưới 40 tuổi, 1/3 trong số 735 thành viên mới được bầu vào Quốc hội Đức sau cuộc bầu cử hồi tháng 9 là những người sinh sau năm 1981. Điều này thể hiện một sự thay đổi thế hệ trong cơ quan chính quyền, thậm chí là thế hệ lãnh đạo của Đức trong tương lai.
Sự thay đổi thế hệ lãnh đạo của Đức có ý nghĩa đối với Israel khi cam kết của các nghị sĩ Đức trẻ hơn đối với an ninh của Israel do Đức chịu trách nhiệm về Holocaust có thể sẽ ít hơn đáng kể so với gian đoạn bà Merkel cầm quyền và thế hệ của bà.
Bà Merkel là Thủ tướng Đức đầu tiên phát biểu tại Quốc hội Israel vào năm 2008 và tuyên bố rằng Đức có trách nhiệm đối với an ninh của Israel. Một thập kỷ sau, trong một chuyến thăm khác tới Jerusalem, bà Merkel nói rằng Đức cam kết thực hiện “trách nhiệm đời đời” đối với Israel “do những tội ác của Holocaust”. (Holocaust là một cuộc diệt chủng do Đức Quốc xã tiến hành và dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái-ND)
Khi ký ức về Holocaust phai nhạt dần, câu hỏi được đặt ra là liệu thế hệ trẻ của Đức, những người sẽ điều hành đất nước trong 10, 15 và 20 năm nữa, còn nhớ về những cam kết này hay không.
Jerusalem Post nhận định rằng, đó là lý do tại sao chuyến thăm Israel của bà Merkel lại có ý nghĩa quan trọng như vậy. Chuyến thăm gửi một thông điệp rằng, những cam kết với Israel vẫn là điều cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Đức với quốc gia Do Thái, cũng như lời nhắc nhở đối với Đức về tầm quan trọng trong việc việc duy trì mối quan hệ giữa hai nước.
Trách nhiệm của Đức đối với Israel
Bà Merkel không phải là Thủ tướng Đức đầu tiên cảm thấy cần có trách nhiệm đặc biệt đối với Israel vì Holocaust, mà tất cả các thủ tướng trước đó đều đã nêu rõ trách nhiệm này ở một mức độ nhất định.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bà Merkel ủng hộ mọi thứ Israel đã làm. Thủ tướng Đức phản đối chính sách định cư của Israel và lập trường của nước này đối với Iran đã gây ra mâu thuẫn với cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Mặc dù vậy, bà Merkel đã không để những bất đồng đó cản trở việc cung cấp hỗ trợ an ninh quan trọng cho Israel.
Nhiều ý kiến cho rằng, Đức sẽ cung cấp cho Israel các khí tài quan trọng với mức chiết khấu khổng lồ, từ tàu ngầm lớp Dolphin cho đến các tàu tuần tra.
Tình cảm cũng là yếu tố quan trọng của mối quan hệ Đức - Israel, với việc Đức cảm thấy cần có trách nhiệm đặc biệt đối với an ninh của nhà nước Do Thái vì thảm họa Holocaust.
Tuy nhiên, khi nhiều thế hệ trôi qua, quan điểm về vấn đề này có thể sẽ thay đổi. Điều đó có nghĩa là Israel sẽ cần phải nỗ lực vun đắp các lợi ích chung để chứng minh cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Đức thấy rằng tại sao nhà nước Do Thái lại quan trọng đối với họ. Trong chuyến thăm cuối cùng với tư cách Thủ tướng Đức của bà Merkel sắp tới, Israel nên dành thời gian để lắng nghe về những điều bà cho là tốt nhất để thực hiện việc này./.
CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)Theo Jerusalem Post