Sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 13 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải trên địa bàn.
Dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các thành viên Ban Chỉ đạo; chủ tịch UBND các địa phương; đại diện các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, các nhà thầu…
Phiên họp nhằm kiểm tra, đôn đốc các công việc sau phiên họp lần thứ 12 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án.
Hiện danh mục các dự án mà Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo gồm 40 dự án lớn/92 dự án thành phần trên 3 lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt và hàng không, đi qua địa phận 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau 12 phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đã ban hành 12 kết luận; trên 400 công điện đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án.
Đang triển khai thi công 1.700 km cao tốc
Theo báo cáo, ý kiến tại tại phiên họp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã hoàn thành 2 dự án đường bộ cao tốc (với 12 dự án thành phần, gồm 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ) với tổng chiều dài 693 km đi qua 15 tỉnh, thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên khoảng 2.021 km.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng số dự án đường bộ cao tốc đang được triển khai thi công khoảng 1.700 km trên khắp mọi miền đất nước, từ các dự án cao tốc thuộc trục Bắc-Nam, các dự án kết nối theo trục Đông-Tây, kết nối khu vực Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên.
Trong đó, có khoảng 1.200 km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, trong đó có 13 dự án và dự án thành phần với chiều dài 736 km có các điều kiện thuận lợi sẽ được hoàn thành trong năm 2025, 10 dự án/dự án thành phần chiều dài 377 km cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành trong năm 2025...
Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, sau phiên họp thứ 12, các bộ, ngành và các địa phương đã nỗ lực cố gắng trong triển khai các nhiệm vụ trong đó tập trung vào công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án.
Trong đó, Hà Nội đã hoàn thành công tác nghiệm thu đoạn trên cao Nhổn-Ga Hà Nội để đưa vào khai thác từ ngày 8/8. TPHCM đã hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án TPHCM-Mộc Bài theo phương thức PPP; phê duyệt điều chỉnh dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên.
Bộ GTVT đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Gia Nghĩa-Chơn Thành; đã báo cáo Chính phủ về đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; đã phê duyệt dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú; đã hoàn thành đưa vào khai thác đoạn còn lại của dự án cao tốc thành phần Diễn Châu-Bãi Vọt.
Bộ KH&ĐT đã hoàn thành thẩm định các dự án Dầu Giây-Tân Phú, Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ GTVT hoàn thành công tác khảo sát một số định mức tại dự án đường bộ cao tốc, đang hoàn thiện để sửa đổi thông tư về định mức xây dựng.
Bộ NN&PTNT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 tháo gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.
Bộ TN&MT đã giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đang triển khai thủ tục để thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu, cung ứng vật liệu cát đắp cho các dự án khu vực phía Nam; báo cáo các khó khăn, vướng mắc về vật liệu đắp nền các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.
Thúc đẩy động lực tăng trưởng, tạo không gian phát triển mới
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình, đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tại phiên họp; giao Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT tiếp thu các ý kiến xác đáng, ban hành thông báo kết luận của phiên họp.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và cảm ơn sự vào cuộc tích cực, sự nỗ lực, tinh thần làm việc của các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, nhất là đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động trực tiếp làm việc hăng say tại các công trường dự án thời gian qua.
Các công trình triển khai, hoàn thành đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương có dự án đi qua, tạo khu đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị gia tăng của đất đai, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, di chuyển thuận tiện, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển doanh nghiệp, góp phần giải ngân đầu tư công, thúc đẩy động lực tăng trưởng, tạo sự tin tưởng ủng hộ của nhân dân.
Bên cạnh những mặt đạt được, kết quả tích cực, Thủ tướng chỉ rõ vẫn còn một số công việc vẫn chưa hoàn thành đúng hạn hoặc triển khai chưa đạt yêu cầu. Công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn chậm. Cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống định mức và hướng dẫn xác định giá vật liệu tại mỏ khai thác theo cơ chế đặc thù. Triển khai thủ tục điều phối nguồn vật liệu san lấp, nâng công suất khai thác mỏ, cấp phép khai thác mỏ theo chỉ tiêu được giao cho các dự án khu vực phía Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn chậm. Chưa khởi công dự án thành phần 2 Cao Lãnh-An Hữu. Với những việc này, Thủ tướng yêu cầu phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, qua thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện các dự án đã cho thấy nhiều kinh nghiệm quan trọng.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phải hoạt động nghiêm túc, thường xuyên, thực chất, hiệu quả, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các chủ thể liên quan. Để làm tốt nhiệm vụ được giao, các bộ, cơ quan, các địa phương, nhất là người đứng đầu phải đề cao trách nhiệm cá nhân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, phát huy cao độ trách nhiệm trên tinh thần luôn cầu thị lắng nghe, học hỏi, tự hoàn thiện mình.
Công tác quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp phải kịp thời thay đổi linh hoạt phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, thúc đẩy số hóa, hoàn thiện theo hướng thông minh, giảm phiền hà, giảm thủ tục hành chính, giúp giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, phải chú trọng phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và người dân.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, xử lý vướng mắc phải mạnh dạn vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tối đa tinh thần chủ động, tích cực, tự lực, tự cường, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để vươn lên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội, nhưng phải hết sức quyết liệt, khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó, trách nhiệm của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, kỹ sư, công nhân, người lao động tích cực, hăng say, nỗ lực với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm việc nào dứt việc đó", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm", đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Thủ tướng nhấn mạnh, từ quá trình triển khai thi công các dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và các dự án đang triển khai thi công, chúng ta đã đúc rút tích lũy được nhiều kinh nghiệm, do đó việc triển khai thời gian tới phải tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, hạn chế, khắc phục những tồn tại hạn chế để triển khai nhanh hơn, chuyên nghiệp hơn và triển khai có hiệu quả hơn.
Xây dựng chi tiết đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu hoàn thành thêm khoảng 1.200 km cao tốc vào năm 2025, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên trên 3.000 km, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay thời tiết đã bắt đầu vào mùa mưa với dự báo sẽ có nhiều biến đổi bất thường, bất lợi. Thời gian từ nay đến cuối năm 2025 cũng không còn nhiều và là giai đoạn cần tăng tốc, bứt phá để triển khai khối lượng công việc lớn. Các chủ thể liên quan phải làm tốt các thủ tục chuẩn bị dự án, công tác giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, bảo đảm nguyên vật liệu, đẩy nhanh tiến độ thi công, kiểm soát chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình, bảo đảm an toàn, vệ sinh, hoàn nguyên môi trường.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết "đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025" phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết, để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm soát chặt tiến độ thi công các dự án, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025; đặc biệt, đối với các dự án đang chậm tiến độ, cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư, các nhà thầu mới có thể hoàn thành đúng tiến độ.
Cùng với đó, hưởng ứng, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc"; phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả".
Với công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật (điện cao thế), Thủ tướng nêu rõ đây là nhiệm vụ là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đường găng tiến độ của dự án, nhiều dự án còn khối lượng giải phóng mặt bằng ít nhưng lại là chỗ khó, do đó, đề nghị các địa phương tập trung hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để sớm nhất hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Về triển khai thi công, Bộ GTVT, các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phối hợp với các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng; tập trung, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt thi công với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm việc nào dứt việc đó", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm" để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Bộ GTVT, các địa phương chỉ đạo các ban quản lý dự án, nhà thầu chủ động tập trung thi công các hạng mục là đường găng tiến độ, như công trình hầm lớn, cầu lớn, khu vực phải gia tải, xử lý nền đất yếu...
Chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể mà các bộ, ngành và các địa phương cần tập trung thực hiện thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu phối hợp với các địa phương hoàn thành dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, Biên Hòa-Vũng Tàu, Hòa Liên-Túy Loan trong năm 2025 và dự án thành phần 2 Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh theo kế hoạch.
Khẩn trương triển khai lựa chọn nhà đầu tư để sớm khởi công dự án Dầu Giây-Tân Phú; hoàn thiện thủ tục để trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Biên Hòa-Vũng Tàu; đẩy nhanh việc triển khai dự án thành phần 4 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thiện đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc- Nam để trình các cấp có thẩm quyền.
Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp Bộ GTVT sớm hoàn thiện các thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết điều chỉnh chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết về điều chỉnh thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày đối với khai thác cát, sỏi lòng sông.
Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện hệ thống định mức và hướng dẫn các địa phương xác định giá vật liệu xây dựng tại mỏ theo cơ chế đặc thù, hoàn thành trong tháng 8/2024.
Bộ NN&PTNT chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo Nghị định số 91/2024/NĐ-CP.
Bộ KH&ĐT sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo; khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công-tư liên quan đến phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các dự án cảng hàng không, cao tốc Bến Lức-Long Thành; sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng đoạn TPHCM-Long Thành; chỉ đạo EVN và các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh việc di dời các đường điện cao thế, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt tại các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025.
Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội, Cao Bằng phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ, sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh, đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo (Hà Nội).
Các tỉnh Sơn La, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Hòa Bình-Mộc Châu, Ninh Bình-Hải Phòng (đoạn đầu tư công qua Ninh Bình và đoạn Nam Định-Thái Bình theo phương thức PPP), TPHCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.
Tỉnh Lâm Đồng chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết vướng mắc, sớm phê duyệt dự án đầu tư cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương.
TPHCM khẩn trương chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án Vành đai 4; chủ động, quyết liệt, tích cực triển khai để đưa vào khai thác dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên đúng tiến độ đề ra.
Tỉnh Bình Phước, Đắk Nông khẩn trương tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần đoạn Gia Nghĩa-Chơn Thành sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện Nghị quyết 138/2024/QH15 của Quốc hội.
Tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Bộ GTVT để điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Biên Hòa-Vũng Tàu.
Các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ triển khai để hoàn thành trong tháng 8/2024 toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật của các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025, nhất là các địa phương có tỉ lệ bàn giao giải phóng mặt bằng còn thấp.
Các tỉnh khẩn trương thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án theo quy định tại Nghị định số 91/2024/NĐ-CP; trường hợp khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo Bộ NN&PTNT để được hướng dẫn.
Các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án chủ động trong việc tìm kiếm, xác định nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện các thủ tục cấp mỏ đảm bảo nguồn vật liệu đắp, đáp ứng tiến độ các dự án.
Các địa phương có mỏ vật liệu khu vực phía Nam thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp triển khai các thủ tục cấp mỏ vật liệu đắp, mỏ đá cho các dự án, ưu tiên trước cho dự án Cần Thơ-Cà Mau và Vành đai 3 TPHCM có kế hoạch hoàn thành năm 2025.
Hà Nội, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Tiền Giang đẩy nhanh các thủ tục để sớm khởi công các dự án Hòa Bình-Mộc Châu, Cao Lãnh-An Hữu, dự án thành phần 3 Vành đai 4 Hà Nội.
Thủ tướng giao Bộ GTVT với vai trò cơ quan thường trực phát huy hơn nữa tính chủ động, phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ để đôn đốc các nhiệm vụ được giao, kịp thời tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Hà Văn/Chinhphu