Từ khóa: Bình đẳng giới; Giáo dục; đáp ứng nguồn nhân lực; Lào Cai
Mục tiêu bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 đã đưa ra mục tiêu: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Quyết định số 4996/QĐ-BGDĐT ngày 28/10/2016 phê duyệt kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020, với 6 mục tiêu: Tăng tỉ lệ nữ tham gia các vị trí quản lí, lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục và nghiên cứu khoa học như: 90% phòng giáo dục và đào tạo và 95% sở giáo dục và đào tạo có nữ tham gia Ban Lãnh đạo; 95% cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên có nữ tham gia Ban Giám hiệu/Ban Giám đốc; 90% cơ sở giáo dục đại học có nữ tham gia Hội đồng trường /Ban Giám hiệu/Ban 40% nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; 35% nữ làm chủ nhiệm các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lí. Thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và gái trong tiếp cận giáo dục, tăng tỉ lệ biết chữ của trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn: Tỉ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15-60 đạt 98%, độ tuổi 15-35 là 99%; đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên…Tăng tỷ lệ nam giới tham gia học tập và làm việc trong ngành học mầm non, tiểu học; tăng tỷ lệ nhà giáo nữ ở các cơ sở giáo dục trung học phổ thông, đại học. Đảm bảo các vấn đề về giới, bình đẳng giới được lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới: nội dung, chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới được điều chỉnh và loại bỏ những nội dung, hình ảnh có định kiến giới nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới; nội dung về giới tính, giới,bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, tình dục và phòng chống bạo lực học đường được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt ở các trường sư phạm.
Nâng cao chất lượng công tác truyền thông về bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến giới trong các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở đào tạo, cha mẹ học sinh và cộng đồng: có ít nhất 02 triệu lượt phụ huynh học sinh, 06 triệu lượt học sinh từ bậc học tiểu học đến trung học phổ thông và khoảng 02 nghìn cán bộ các cấp ở địa phương được tiếp cận các vấn đề giới, bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến giới thông qua các tài liệu và sự kiện truyền thông... Phòng chống bạo lực học đường, bạo lực học đường trên cơ sở giới, thúc đẩy môi trường học tập an toàn và thân thiện với các chỉ tiêu: 100% cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm lớp, cán bộ tư vấn của các trường học được nâng cao năng lực thông qua việc tiếp cận các kiến thức liên quan đến giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới và quản lý bạo lực học đường. Tăng cường công tác thống kê có trách nhiệm giới, lồng ghép giới vào hoạch định chính sách, lập kế hoạch và quản lý ngành Giáo dục với chỉ tiêu:…100% các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo do ngành Giáo dục tham mưu hoặc trực tiếp ban hành được rà soát dưới góc độ giới.
2. Thực hiện một số chỉ tiêu trong các mục tiêu chiến lược về Bình đẳng giới trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai
Tỉnh Lào Cai được tái lập từ tháng 10/1991. Vào thời điểm đó, ở Lào Cai có 60% số trẻ trong độ tuổi không được đến trường, có tới 14 xã trắng về giáo dục; 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia; 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, Lào Cai nằm trong tốp 20 tỉnh nghèo nhất cả nước; 150/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; 55% hộ dân thuộc diện đói, nghèo; 36 xã chưa có trạm y tế; tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp, khó lường… Các trung tâm thị xã, thị trấn trong tỉnh gần như bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh.
Xuất phát từ thực tế đó, Lào Cai đã hiện thực hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước thành các chương trình, đề án, kế hoạch để từng bước đưa Lào Cai trở thành tỉnh khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ năm 2001 đến nay, trong các nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành các đề án về giáo dục đào tạo, từ đó Ủy ban Nhân dân tỉnh, ngành giáo dục Lào Cai xây dựng thành các chỉ thị, kế hoạch để đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo[1]. Từ đó, ngành giáo dục Lào Cai cũng ban hành nhiều văn bản[2] và chỉ đạo thực hiện các mục tiêu về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Bởi vậy, trong những năm qua, giáo dục, đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu góp phần quan trong trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Phụ nữ và trẻ em gái luôn được tạo điều kiện bình đẳng với nam giới trong việc nâng cao trình độ văn hóa và trình độ học vấn. Tỷ lệ phụ nữ so với nam giới trong số người biết chữ đã tăng lên đáng kể. Chênh lệch về tỷ lệ học sinh nam-nữ trong tất cả các cấp bậc học được thu hẹp. Tính đến tháng 4/2023, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Lào Cai có 612 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập với 8.197 lớp, 229.495 học sinh; có 16.450 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Về chất lượng: Học sinh có 47,32% là nữ, với 70,36% là người dân tộc thiểu số, 33,48% nữ dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có 73,83% là nữ (trong đó 2/3 người thuộc độ tuổi sinh con, nuôi con nhỏ); 62,18% là đảng viên; 37,11% là người dân tộc thiểu số, trong đó 27,64% là nữ dân tộc thiểu số; 60,21% từ 40 tuổi trở xuống và 5,32% từ 50 tuổi trở lên.[3]
Thực hiện Kế hoạch thực hiện chiến lược về bình đẳng giới ở Lào Cai, tính đến nay, các mục tiêu: cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ: có 04/09 phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ (đạt tỷ lệ 50%); 59% cán bộ quản lý trong ngành là nữ; 99,51% cơ sở giáo dục có viên chức nữ được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo quản lý; Trong đó, chỉ tiêu 1: Tỷ lệ nữ trong tổng số tuyển dụng mới của ngành giáo dục đạt trên 68% giai đoạn 2011 - 2015 và trên 65% giai đoạn 2016 – 2020; Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nữ làm Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tư thục đạt trên 90% giai đoạn 2011 – 2020. Hiện 50,24% công chức, viên chức được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo quản lý là nữ. Toàn ngành có 73,83% lao động nữ làm công hưởng lương. Phần lớn nữ công chức, viên chức và người lao động trong ngành đều sử dụng trung bình tối thiểu 05 giờ/ngày để làm công việc nội trợ, chăm sóc gia đình mà không được trả công; phát hiện, tư vấn, hỗ trợ kịp thời trên 80% công chức viên chức, người lao động, người học có dấu hiệu bị bạo lực gia đình, hoặc bạo lực trên cơ sở giới. 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đều phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương tổ chức thăm khám sức khỏe cho trên 97% viên chức, người lao động và 100% học sinh các cấp ngay từ đầu năm học. 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đều tích hợp các nội dung về giới, bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản vào Chương trình giảng dạy, các hoạt động giáo dục tương ứng với mục tiêu, nhiệm vụ của từng cấp học theo năm học. 31% trẻ nhà trẻ, 98% trẻ mẫu giáo được tiếp cận, chăm sóc theo chương trình giáo dục của cấp học mầm non; 99% trẻ em trai, trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học; có 88,5% học sinh, trong đó 90,34% học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở theo độ tuổi.
Trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi có 98,13% nữ biết chữ; trong đó có 97,22% nữ dân tộc thiểu số biết chữ. Toàn ngành có 193/384 nữ thạc sĩ (chiếm 50,26%), 02/06 nữ tiến sĩ (chiếm 33,33%). Mỗi năm học, 100% học sinh mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và trên 99% phụ huynh học sinh được tiếp cận các vấn đề về giới, bình đẳng giới, giới tính, sức khỏe sinh sản qua các hoạt động của nhà trường. Có 612/612 cơ sở giáo dục đều duy trì tốt hoạt động của cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có nội dung liên quan đến vấn đề giới, bình đẳng giới; phối hợp với các cơ quan truyền thông đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện các chuyên đề, chuyên mục liên quan đến nhiệm vụ của ngành Giáo dục, trong đó có vấn đề bình đẳng giới.[4]
Nhìn lại những kết quả trên cho thấy phần lớn các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đều sát sao chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn triển khai, thực hiện tốt các nội dung bình đẳng giới gắn với nhiệm vụ của cấp học. Công tác tuyên truyền thông qua cổng thông tin, bản tin, các cuộc thi và các hoạt động được thực hiện có hiệu quả. Việc triển triển khai, phổ biến các nội dung về Luật bình đẳng giới, chiến lược bình đẳng giới, tháng hành động vì trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người, … được kịp thời; thực hiện tốt giáo dục tích hợp các nội dung vào giảng dạy các bộ môn xã hội trong trường học. Công tác kiểm tra thực hiện pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện lồng ghép trong các chương trình thanh tra, kiểm tra hành chính, chuyên đề.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế như: Còn một bộ phận nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động có tư tưởng phân biệt giới, do đó còn có hiện tượng giáo viên, nhân viên công tác trong ngành sinh thêm con thứ ba. Sự phối hợp, vào cuộc của một số ngành, tổ chức, chính quyền địa phương đối với công tác bình đẳng giới còn có lúc chưa kịp thời, nên vẫn còn hiện tượng tảo hôn hoặc bạo lực gia đình xảy ra tại một số địa phương, đặc biệt ở khu vực vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới tại tất cả các địa phương và các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh còn chưa thật đồng đều. Chưa có hoạt động, nội dung riêng biệt với chủ đề bình đẳng giới trong công tác nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến, hay xã hội hóa giáo dục trong toàn ngành. Tỷ lệ trẻ em gái ở đi học còn thấp do phải ở nhà giúp gia đình, do tập quán lấy chồng sớm. Bản thân nhiều chị em chưa thoát ra khỏi tâm lý tự ti, an phận, không phấn đấu, không chịu khó học tập để nâng cao trình độ, chưa nhận thức hết vai trò và chưa thay đổi cách nhìn mới về chính mình.
Nguyên nhân do kiến thức và năng lực nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động về công tác giới, bình đẳng giới, định kiến giới chưa thật chính xác, đầy đủ. Đa số cán bộ làm công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ là kiêm nhiệm nên chưa am hiểu sâu sắc và chưa dành nhiều thời gian dành cho công tác. Phần lớn việc triển khai, tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ trong công tác bình đẳng giới được lồng ghép với các hoạt động chuyên môn, do đó hiệu quả, chất lượng công tác chưa thật rõ rệt. Công tác tuyên truyền về bình đẳng giới đã được quan tâm, triển khai, thực hiện, song mức độ ảnh hưởng đến gia đình, xã hội, cộng đồng còn chưa đồng đều giữa các vùng.
3. Một số giải pháp thực hiện các mục tiêu chiến lược về bình đẳng giới của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới để xóa bỏ từng bước những tập quán lạc hậu, lỗi thời mang định kiến về giới. Cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, vai trò của công tác bình đẳng giới, lồng ghép giới trong các cuộc họp, các Hội thảo, Hội nghị của Ngành, sơ kết, tổng kết năm học; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng làm một số phóng sự; đẩy mạnh việc viết tin, báo đăng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, ngành. Đẩy mạnh truyền thông giới tại các trường học để nâng cao nhận thức của học sinh về bình đẳng giới, định kiến giới.
Hai là, đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật, các chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới; thực hiện lồng ghép bình đẳng giới vào trong tất cả các nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, phân biệt giới.
Ba là, tiếp tục thực hiện thu hẹp khoảng cách về giới tại nơi làm việc; linh hoạt đa dạng các phương thức kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động bình đẳng giới tại cơ quan, đơn vị.
Bốn là, thực hiện phối hợp thúc đẩy bình đẳng giới trong nhà trường, giữa nhà trường với gia đình và cộng đồng xã hội.
Năm là, kịp thời biểu dương, khích lệ những tấm gương, điển hình tiên tiến trong công tác bình đẳng giới; nhân rộng các mô hình thực hiện tốt công tác bình đẳng giới.
Sáu là, trung thực, khách quan trong hoạt động sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện công tác BĐG về cơ quan chức năng theo quy định
Có thể thấy rằng nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo là phát triển nguồn nhân lực con người. Bình đẳng giới góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người về giới, bình đẳng giới, định kiến giới và những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới của xã hội sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực của tương lai và có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Lào Cai và và mục tiêu phát triển đất nước dân chủ, tiến bộ, công bằng văn minh.
ThS Lê Bích Thuỷ
Trường Chính trị tỉnh Lào Cai
[1] Tỉnh ủy Lào Cai- Đề án Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở giai đoạn 2001 - 2005 và đến 2010; Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 55/QĐ-UB ngày 18/2/2002; Kế hoạch 78/KH-UBND về thực hiện Kế hoạch Đề án "Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020", năm 2020; Kế hoạch 43/KH-UBND năm 2019 thực hiện Quyết định 1438/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2019-2025 do tỉnh Lào Cai ban hành; Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện - Nguồn nhân lực - Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025; Kế hoạc số 20- KH/UBND ngày 16/1/2023 về việc thực hiện ĐA số 06 của Tỉnh ủy Lào Cai….
[2] Sở đã ban hành các kế hoạch truyền thông về bình đẳng giới như: Kế hoạch số 16/KH-SGD&ĐT ngày 17/01/2020 của Sở GD&ĐT Lào Cai về việc Triển khai công tác VSTBPN, BĐG của ngành GD&ĐT tỉnh Lào Cai năm 2020; Văn bản số 1869/SGD&ĐT-TCCB ngày 27/10/2020 về việc triển khai Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020; Kế hoạch số 127/KH-SGD&ĐT ngày23/9/2020 của Sở GD&ĐT về việc triển khai Kế hoạch hành động Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025.
[3] Theo Báo cáo số 169/BC-UBND ngày 31 tháng 5 năm 2022 về đánh giá 15 năm thi hành Luật bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai
[4] Theo số liệu thông tin từ Báo cáo của Sở Giáo dục và đào tạo Lào Cai