TNV - Đào tạo nghề là một nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia để hướng tới sự phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước ta luôn coi công tác đào tạo nghề cho thanh niên là nhiệm vụ quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của đất nước, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, đáp ứng nguyện vọng về học nghề của thanh niên, gia đình cũng như toàn xã hội .
Để đáp ứng nhu cầu việc làm ngày càng cao của thanh niên trong những năm gần đây, hệ thống dạy nghề ở nước ta đã có bước phát triển mạnh, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.
Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tuỳ thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá”. Theo định nghĩa này thì mục đích của chính sách công là thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng chứ không đơn giản chỉ dừng lại ở việc giải quyết vấn đề công. Nói cách khác, chính sách công là công cụ để thực hiện mục tiêu chính trị của nhà nước. Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên là những cách thức, biện pháp của các tổ chức, lực lượng có liên quan nhằm giải quyết có hiệu quả việc đào tạo nghề làm cho thanh niên thông qua các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát triển việc làm, ổn định đời sống, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho thanh niên ngoại thành Hà Nội đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng. Cơ chế, chính sách về lao động, việc làm được chú trọng, phù hợp với cơ chế thị trường và từng bước hội nhập với thị trường lao động quốc tế. Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về lao động, việc làm được bổ sung ngày càng hoàn thiện. Nhiều luật mới ra đời và đi vào thực tiễn đời sống như Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài,… và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý về giải quyết việc làm cho thanh niên ngoại thành Hà Nội. Cùng với cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản pháp luật là các chương trình mục tiêu: Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình phát triển công nghiệp, dịch vụ; Chương trình xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao và các chương trình, dự án trọng điểm kinh tế - xã hội được thực hiện, góp phần giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống của người lao động.Thực hiện Chương trình về việc làm, thông qua các chính sách, nguồn lực hỗ trợ có sự lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác như Chương trình 134, Chương trình 135, phát triển kết cấu hạ tầng về đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trạm xá, trường học, công trình văn hóa,… Thực hiện đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động thanh niên nông thôn khu vực ngoại thành Hà Nội giai đoạn 2010 – 2015. Đã tổ chức dạy nghề 3.764 lớp đào tạo trình độ sơ cấp cho 132.109 người, trong đó: Nghề phi nông nghiệp 2.072 lớp/72.880 người chiếm 55,2 %; Nghề nông nghiệp 1.692 lớp/ 59.229 người chiếm 44,8 %, gồm các đối tượng: Đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng 3.257 người; Bị thu hồi đất 16.612 người; Người khuyết tật 867 người; Hộ nghèo 8.647 người; Dân tộc thiểu số 5.429 người; Trong 6 năm 2010 - 2015 UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư nâng cao năng lực cho 9 cơ sở dạy nghề với tổng số kinh phí 34.500 triệu đồng (nguồn kinh phí trung ương 7.500 triệu đồng, nguồn kinh phí địa phương 27.000 triệu đồng), bao gồm: Trung tâm dạy nghề huyện Thạch Thất 2.500 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Sóc Sơn 1.500 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Thanh Trì 3.000 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Ứng Hòa 3.000 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Mê Linh 3.000 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Ba Vì 15.000 triệu đồng; Trung tâm dạy nghề huyện Gia Lâm 1.000 triệu đồng; Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đan Phượng 500 triệu đồng; Trường Trung cấp nghề cơ khí I: 5.000 triệu đồng. Trong 09 cơ sở được đầu tư có 8 cơ sở đã hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động; 01 cơ sở chưa hoàn thành là Trung tâm dạy nghề huyện Ba Vì.
Tuy nhiên hiện nay, việc thực thi những chính sách đào tạo nghề ở một số cơ sở đào tạo vẫn chưa bảo đảm về chất lượng. Trong quá trình tuyển sinh và giáo dục, đào tạo việc bảo đảm chất lượng đầu vào ở một số trường, chủ yếu là trường trung cấp, cao đẳng vẫn chưa bảo đảm về chất lượng, đa phần người học là học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông do hoàn cảnh gia đình nên chọn những trường học như vậy để tìm cho bản thân có một ngành nghề nhất định; do thi trượt đại học muốn tìm một trường nào đó để vào học chờ thời gian năm tới để thi tiếp; do đó, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng trong quá trình giáo dục, đào tạo. Mặt khác, các trường trung cấp, cao đẳng không tổ chức thi tuyển, mà chủ yếu là xét tuyển với các đối tượng, bậc học khác nhau, không có sự thống nhất về mặt bằng cấp, vào học được phân ra các chuyên ngành khác nhau, điều này, cũng ảnh hưởng phần nào đến việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên….
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau: Một là, Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và xã hội về thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên. Đây là giải pháp quan trọng và có ý nghĩa hàng đầu để thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên, có nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên mới cho phép các cơ quan, chức năng, ban ngành, các tổ chức, lực lượng có những cách thức, biện pháp trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên. Tăng cường quán triệt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, về dạy nghề, học nghề; ưu tiên đầu tư phát triển dạy và học nghề, coi dạy và học nghề là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện những văn bản, Chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, về những chính sách đào tạo nghề cho thanh niên để cho họ được biết, được thấy, từ đó mà có những định hướng nghề nghiệp cho tương lai: Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; các cơ chế, chính sách về mở rộng quy mô đào tạo số lượng tuyển sinh ; liên doanh, liên kết với các trường khác…
Hai là, Huy động đầu tư vốn cho các trường, trung tâm hướng nghiệp dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội. Suy cho cùng vốn là nhân tố quyết định đến mọi thành công của công việc cũng như việc thực hiện các chủ trương, chính sách khác, do vậy, đây là giải pháp mang tính chiến lược ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nghề cho thanh niên khu vực ngoại thành Hà Nội. Nếu không có nguồn vốn nhất định để bảo đảm cho việc thực thi các chương trình, dự án về đào tạo nghề cho thanh niên khu vực ngoại thành Hà Nội thì không thể thành công được và các chính sách đó đưa ra cũng chỉ là lý thuyết. Vì vậy, để thực hiện biện pháp trên cần làm tốt việc xây dựng chính sách thu hút và huy động vốn từ tư nhân trong nước để đầu tư, tiến hành đào tạo nghề cho thanh niên; phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân để giải quyết việc làm cho thanh niên.
Ba là, Hoàn thiện các chương trình quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Để thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nghề cho thanh niên thì tiến hành quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế suất, các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp gắn với các vùng cụ thể. Các chiến lược phát triển đó hướng về vùng nông thôn nơi tập trung nhiều lao động, nhiều nguồn nhân lực khác nhau. Để thực hiện biện pháp trên, cần làm tốt việc rà soát các chương trình, dự án chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên; tập trung đầu tư xây dựng những chương trình, dự án có khả năng giải quyết việc làm cho thanh niên một cách lâu dài, bền vững . Đề án "Hỗ trợ thanh niên học nghề và đào tạo việc làm giai đoạn 2008¬ - 2015" (Đề án 103) và lấy ý kiến dự thảo đề án "Tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên giai đoạn 2016 - ¬2020; "Đề án 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. ó những quyết định đúng đắn cho phù hợp với năng lực, sở trường bản thân.
Bốn là, Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên. Thực chất xã hội hoá trong giải quyết việc làm cho thanh niên là quá trình mở rộng sự tham gia của các chủ thể, các đối tác xã hội với các hình thức, phương thức đa dạng, linh hoạt nhằm huy động tối đa nguồn lực của cộng đồng, xã hội cùng nhà nước tạo nhiều việc làm cho thanh niên ngoại thành. Đó cũng là quá trình xác định rõ vai trò của các chủ thể, các đối tác tham gia; sự phân công, phân cấp và phối hợp trong quá trình thực hiện. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho thanh niên về việc chủ trương xã hội hóa việc làm của Đảng, Nhà nước, là đúng đắn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế xuất khẩu lao động cho thanh niên.
Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên là việc làm vừa cấp bách, vừa là việc mang tính cơ bản lâu dài, để đạt được điều đó đòi hỏi phải có sự nỗ lực của các cấp, các ngành mà trước hết vai trò chủ thể là các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Thực hiện tốt các nội dung giải pháp trên, từng bước hạn chế lao động thất nghiệp không có việc làm, góp phần giảm tải những áp lực về dân số cho các đô thị lớn hiện nay.
Ths. Nguyễn Ngọc Hà
Trường Đại học Chính trị