Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới

Thứ tư, 25/09/2024 - 15:33

Để nhằm góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với các đối tác liên quan tổ chức Diễn đàn Khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới” vào sáng ngày 25/9 tại Hà Nội .

Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới- Ảnh 1.

Đây là một trong những hoạt động khoa học được tổ chức thường niên của Viện Kinh tế Việt Nam. Diễn đàn có sự tham dự của PGS.TS. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách, Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Diễn đàn còn có sự góp mặt của hơn 250 khách mời là lãnh đạo, đại diện Ban, Bộ/ngành trung ương, các đại biểu đến từ các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức GIZ, Tổ chức UNIDO, Tổ chức UNDP.

Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới- Ảnh 2.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Minh chia sẻ: Việc thảo luận các chính sách cũng như nhận diện những khó khăn trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này. Diễn đàn nhằm tìm kiếm giải pháp và kiến nghị chính sách để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách xanh hóa tại Việt Nam.

Trao đổi tại Diễn đàn, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên các nguyên tắc giảm thiểu, tái chế và sử dụng bền vững tài nguyên, là xu hướng cần thiết nhằm giải quyết các thách thức môi trường và tiêu dùng hiện nay.

Diễn đàn là một sự kiện thường niên hết sức quan trọng, nhằm: tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ- TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam, đồng thời cập nhập những diễn biến chính sách mới trên thế giới. Bên cạnh đó Diễn đàn sẽ góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mang tính then chốt, đặc thù, vượt trội đối với ngành/lĩnh vực và trong tạo động lực, huy động nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới.

Đồng thời, Diễn đàn cũng thảo luận những vấn đề là hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ trong việc địa phương hoá các chiến lược, kế hoạch liên quan đến KTTH, cũng như nhận diện và xác định đúng những nguyên nhân sâu xa của những hạn chế, bất cập ở địa phương hiện nay. Thông qua đó, Diễn đàn sẽ có những kiến nghị đề xuất những giải pháp để khắc phục những hạn chế và thách thức và tận dụng những lợi thế do bối cảnh mới mang lại để có những chuyển đổi mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ở các cấp độ: Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và hộ gia đình.

Ban Tổ chức Diễn đàn đã nhận được hơn 20 bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp. Các bài viết tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm, then chốt như: Kinh nghiệm thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải ở một số quốc gia trên thế giới; Thực trạng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, tập trung vào tuyến vấn đề: thể chế, chính sách về kinh tế tuần hoàn; Thực trạng triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình và vấn đề khơi thông và huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn, phát triển thị trường các-bon, đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng theo hướng tuần hoàn và phát triển các nguồn năng lượng mới; Các rào cản, điểm nghẽn của việc thực hiện kinh tế tuần hoàn vừa qua; Những sáng kiến, những điển hình về mô hình khu công nghiệp sinh thái, mô hình kinh tế tuần hoàn ở khu vực doanh nghiệp...

Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến trao đổi, thảo luận và đóng góp của các quý đại biểu, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn để có báo cáo kiến nghị chính sách gửi đến Chính phủ và các cơ quan liên quan.

PV