TNV - Ngày 24/8, Bộ GD-ĐT ban hành Chỉ thị số 800/CT-BGDDT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng GD-ĐT.
Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, là năm học toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GD-ĐT yêu cầu toàn ngành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, phối hợp với ngành y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid-19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp. Tổ chức khai giảng năm học mới linh hoạt theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch tại địa phương, bảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực, thể hiện tinh thần chia sẻ, động viên học sinh, sinh viên (HSSV), giáo viên vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.
Các trường cần tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy trực tiếp thì dạy trực tuyến để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục. Không tổ chức dạy học trực tuyến đối với giáo dục mầm non, tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp. Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các kỹ năng cần thiết để tiến hành dạy trực tuyến, đào tạo từ xa; xây dựng nền tảng dạy và học trực tuyến dùng chung, hệ thống bài giảng chuẩn hóa, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo môi trường tương tác, tăng tính thích ứng và trải nghiệm đối với người học, tăng cường khả năng tự học cho HSSV. Rà soát cắt giảm và tiết kiệm tối đa các chi phí để giữ ổn định, không tăng học phí; có chính sách hỗ trợ, miễn giảm, giảm thời gian đóng học phí, hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa đối với học sinh hoàn cảnh khó khăn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu” đầu năm học…
Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Triển khai thực hiện hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho HSSV; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở GD-ĐT; xây dựng văn hóa học đường; cung cấp trau dồi các kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho HSSV. Đặc biệt quan tâm và có giải pháp để ổn định tâm lý, tư tưởng của HSSV bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài; tăng cường phối hợp giữa nhà trường – gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh tiểu học trong việc học trực tuyến tại nhà. Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học; xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường; nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Tấn Tài