Từ khóa: nhận thức; sinh viên; chủ nghĩa xã hội; con đường; đi lên chủ nghĩa xã hội
1. Đặt vấn đề
Trước xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và sự biến đổi nhanh chóng của khoa học kỹ thuật và công nghệ trên thế giới hiện nay, việc giáo dục và nâng cao nhận thức cho sinh viên về chủ nghĩa xã hội nói chung và chủ nghĩa xã hội Việt Nam nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng. Qua thực tế cho thấy, trong lịch sử phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới chủ nghĩa xã hội đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng, nhưng nhận thức của sinh viên về vấn đề này vẫn còn mỏng manh. Chính vì vậy, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội, để lại một hệ quả rộng lớn, gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị, xã hội của nhiều quốc gia.
Để có một cách nhìn toàn diện về mức độ hiểu biết và nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần xem xét trên nhiều phương diện, từ nhiều góc độ, từ giáo dục môi trường văn hóa, xã hội, giáo dục đại học cho đến các chính sách của nhà nước. Đặc biệt, trong đó việc việc đánh giá thái độ, hứng thú học tập và sự tiếp nhận của sinh viên về các khái niệm và lý thuyết liên quan đến chủ nghĩa xã hội có vai trò hết sức quan trọng. Điều này sẽ giúp chúng ta đánh giá một cách khách quan về thực trạng nhận thức của sinh viên hiện nay, đồng thời cung cấp cho chúng ta cơ sở để đề ra các giải pháp phù hợp. Việc thiếu hụt nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa xã hội có thể do rất nhiều nguyên, có thể là do phương pháp giảng dạy về môn học chủ nghĩa xã hội còn nặng nề lý thuyết và thiếu tính thực tiễn; cũng có thể là do trong thời đại công nghệ số sinh viên bị phân tâm bởi các lựa chọn giải trí đa dạng; cũng có thể là do sự lãnh đạm của giới trẻ với các vấn đề chính trị - xã hội. Thêm vào đó, ngày nay với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông, trí tuệ nhân tạo đang nở rộ, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận với một lượng thông tin lớn nhưng không phải lúc nào cũng có thể phân biệt, kiểm chứng sự xác thực đúng hay sai. Chính vì vậy, cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận giáo dục, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sinh viên trong việc nhận thức và đánh giá các thông tin về chủ nghĩa xã hội. Theo đó chúng ta cần có một chiến lược toàn diện cần cập nhật, đổi mới chương trình giáo dục, giảng dạy, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế, qua đó khuyến khích sinh viên tham gia tích cực, nâng cao sự hiểu biết cho sinh viên về chủ đề này. Ngoài ra, cần tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và các tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể để giúp sinh viên có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về thực tiễn xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay [1].
Bài viết này, tác giả với mong muốn làm sáng tỏ thực trạng nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa xã hội, và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Thực trạng hiểu biết của sinh viên về sự lãnh đạo của Đảng và tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, những thành tựu và hạn chế của sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu trong bài viết là nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bài báo nhằm phân tích và đánh giá thực trạng nhận thức của sinh viên thông qua khảo sát ý kiến, phỏng vấn các chuyên gia và nghiên cứu tài liệu liên quan. Mục đích của nghiên cứu là làm rõ thực trạng nhận thức cho sinh viên về chủ nghĩa xã hội, những thành tựu và hạn chế của sinh viên trong nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Phương pháp nghiên cứu của bài viết này là tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, tiến hành phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau bao gồm khảo sát ý kiến sinh viên, phỏng vấn các chuyên gia và nghiên cứu tài liệu để đánh giá một cách toàn diện về nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
2. Một số khái niệm về chủ nghĩa xã hội
Chủ nghĩa xã hội được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau.
Theo Ph.Ăngghen, chủ nghĩa xã hội đó là “một chế độ xã hội mới trong đó sẽ không còn sự phân biệt giai cấp như hiện nay nữa, và trong đó… những phương tiện để sinh sống, để hưởng thụ những niềm của cuộc đời, để có được học vấn, để biểu hiện tất cả mọi năng lực thể chất và tinh thần của mình, sẽ được giao cho tất cả mọi thành viên trong xã hội sử dụng ngày càng đầy đủ, nhờ sử dụng có kế hoạch và phát triển hơn nữa những lực lượng sản xuất to lớn đã có sẵn, bằng chế độ lao động bắt buộc như nhau đối với mọi người” [2].
Kế thừa và bổ sung phát triển quan điểm của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, V.I.Lênin cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội là sản phẩm của nền đại công nghiệp cơ khí. Và nếu quần chúng lao động đang xây dựng chủ nghĩa xã hội mà không biết đem ứng dụng những cơ quan của mình cho phù hợp với những phương thức hoạt động của đại công nghiệp cơ khí, thì không thể nói đến việc thiết lập chủ nghĩa xã hội được” [3].
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Trong xã hội có giai cấp bóc lột thống trị, chỉ có lợi ích cá nhân của một số rất ít người thuộc giai cấp thống trị là được thỏa mãn, còn lợi ích cá nhân của quần chúng lao động thì bị giày xéo. Trái lại, trong chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mối có điều kiện được thỏa mãn” [4].
Như vậy, theo tác giả, chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội dựa trên chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất và thực hiện phân phối công bằng, không có sự phân biệt giai cấp, lợi ích các nhân thống nhất với lợi ích tập thể, đảm bảo công bằng xã hội và tạo điều kiện cho con người phát triển bền vững [5].
3. Kết quả khảo sát thực trạng
Để tìm hiểu thực trạng nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,tác giả đã tiến hành khảo sát 500 sinh viên của 5 Trường Đại học, trong đó có 3 trường công lập (Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh ) và 2 trường ngoài công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng và Trường Đại học Gia Định). Các bạn sinh viên đến từ các ngành học khác nhau có số lượng cụ thể như sau:
Để thuận tiện cho việc khảo sát, tác giả thiết lập bảng hỏi gồm có 15 câu hỏi, với 5 thang đo: Xuất sắc, Tốt; Khá; Trung bình; Yếu và kết quả thu được như sau:
- Thực trạng nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa xã hội
Thông qua kết quả khảo sát ở câu hỏi số 1 “Nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa xã hội”, cho thấy: phần lớn, sinh viên có nhận thức ở mức từ khá đến xuất sắc về chủ nghĩa xã hội, chiếm tỷ lệ 98,2%, chỉ một số ít sinh viên chưa nhận thức được. Cụ thể: có 24,4% là nhận thức xuất sắc về chủ nghĩa xã hội; 49% là nhận thức ở mức Tốt; 24.8% là nhận thức ở mức Khá; 1.4% là nhận thức ở mức Trung bình; 0.4% là nhận thức ở mức Yếu.
Kết quả khảo sát về giáo dục và tuyên truyền về bản chất và mục tiêu của của nghĩa xã hội ở câu hỏi khảo sát số 2 và số 3 cho thấy, đa số sinh viên có đánh giá cao ở hai câu này chiếm 80% từ tốt đến xuất sắc. Điều đó cho thấy hiệu quả của các chương trình giáo dục và tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Kết quả khảo sát về quy luật khách quan và lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ở câu hỏi số 4 và câu hỏi số 5 có tỷ lệ Tốt và Xuất sắc trên 79,6% của cả hai câu. Điều này cho thấy sự hiểu biết sâu sắc của sinh viên về các quy luật khách quan của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và lý do vì sao Việt Nam lựa chọn Chủ nghĩa xã hội, phản ánh trình độ nhận thức của sinh viên rất cao về các quyết sách quốc gia.
Thông qua kết quả khảo sát câu hỏi số 6 và số 7 về cách thức tiến hành và mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thấy, phần lớn sinh viên đã hiểu về cách tiến hành và mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ở câu số 6 có trên 77,6% và câu số 7 có 78,6% sinh viên đánh giá từ mức Tốt đến Xuất sắc, hiểu rõ về cách tiếp cận và mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. Mặt khác chúng ta cũng thấy rằng, vẫn còn một tỷ lệ nhỏ sinh viên cần được nâng cao nhận thức thông qua các chương trình giáo dục bổ sung.
Như vậy, nhìn chung sinh viên hiện nay đã có nhận thức tốt về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải chú trọng vào việc tăng cường giáo dục cho những sinh viên có nhận thức ở mức trung bình và yếu bằng các biện pháp khác nhau. Chẳng hạn như, chúng ta cần tăng cường phát triển các chương trình giáo dục, trong đó có các video, tài liệu, giáo dục chất lượng cao nhằm giúp sinh viên dễ tiếp cận; Tăng cường các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục cho sinh viên như tổ chức các hội thảo, thảo luận nhóm để sinh viên có thể dễ tiếp cận và hiểu sâu hơn về chủ nghĩa xã hội nói chung và chủ nghĩa xã hội Việt Nam nói riêng. Đồng thời, chúng ta cũng cần theo dõi và đánh giá định kỳ nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa xã hội để điều chỉnh chương trình giảng dạy cho phù hợp.
- Thực trạng sự hiểu biết của sinh viênvề sự lãnh đạo và tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội
Qua số liệu khảo sát cho thấy, phần lớn sinh viên có nhận thức tích cực về các chủ đề được hỏi trong bảng khảo sát. Cụ thể, ở câu số 1 trả lời về nhận thức về vai trò lãnh đạo của Đảng, có đến 82% sinh viên đánh giá từ "Xuất sắc" đến "Tốt" về nhận thức vai trò lãnh đạo của Đảng trong các thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chỉ có 2.4% sinh viên đánh giá thấp về nhận thức vấn đề này ở mức trung bình và yếu.
Ở câu hỏi số 2 hỏi về nhận thức của sinh viên về xây dựng chủ nghĩa xã hội có 80% sinh viên có nhận thức tốt (Xuất sắc và Tốt) về thành tựu trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, với số sinh viên đánh giá thấp là rất ít chỉ 2.2%.
Ở câu hỏi số 3, nhận thức về các vấn đề thực tiễn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, có 78.2% sinh viên có cái nhìn tích cực về các vấn đề đặt ra từ thực tiễn quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chỉ có 4% đánh giá không cao về vấn đề này.
Ở câu hỏi số 4, nhận thức về chủ trương và giải pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội, kết quả khảo sát cho thấy, có 77% sinh viên hiểu rõ về chủ trương, giải pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội và 3.3% sinh viên đánh giá thấp về vấn đề này.
Ở câu hỏi số 5, nhận thức sinh viên về đấu tranh phản bác thông tin sai trái, có 79.6% sinh viên nhận thức tốt về đấu tranh và phản bác các thông tin sai trái về chủ nghĩa xã hội, số sinh viên đánh giá thấp là rất thấp chỉ 1,8%.
Ở câu hỏi số 6, nhận thức sinh viên về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, có 79% sinh viên đánh giá đã được giảng viên nâng cao nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, với chỉ 2.4% sinh viên đánh giá mức thấp.
Ở câu hỏi số 7, nhận thức sinh viên về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, có 82.4% sinh viên đánh giá nhận thức rõ vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo, chỉ có 1.8% sinh viên đánh giá không nhận thức rõ.
Ở câu hỏi số 8, nhận thức sinh viên về âm mưu của thế lực thù địch, có đến 81.6% sinh viên đánh giá hiểu rõ về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, và 3% sinh viên đánh giá không hiểu rõ về vấn đề này.
Như vậy, phần lớn sinh viên đã có nhận thức tốt về vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như các vấn đề liên quan đến xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, để củng cố và nâng cao nhận thức cho sinh viên, các trường đai học nên tiếp tục đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy, tăng cường các hoạt động thực tiễn, và mở rộng các cuộc thảo luận, diễn đàn để sinh viên có thể tiếp cận sâu rộng hơn về các vấn đề chính trị - xã hội hiện nay.
4. Kết luận
Nâng cao nhận thức cho sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết. Bài viết góp phần làm rõ thực trạng nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa xã hội, về sự lãnh đạo và tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, một số thành tựu đã đạt được và những hạn chế cần phải phải khắc phục. Sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước, cần phải ý thức được trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cần tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Điều này đòi hỏi mỗi sinh viên phải không ngừng nỗ lực, tích cực trong học tập và nghiên cứu, học đi đôi với hành, vận dụng lý luận vào thực tiễn, phải luôn cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Mỗi sinh viên sẽ lựa chọn cho mình những bước đi và phương pháp phù hợp để góp phần vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh. Khi lựa chọn những bước đi và phương pháp phù hợp mỗi sinh viên đều phải dựa trên nền tảng là sự hiểu biết đầy đủ về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, về điều kiện và tình hình cụ thể của đất nước Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Thúy Cường
Khoa Lý luận Chính Trị
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Ban chấp hành Trung ương (2015). Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015 - 2030”. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/chi-thi-so-42-cttw-ngay-2432015-cua-ban-bi-thu-ve-tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cong-tac-giao-duc-ly-162
[2]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.22, tr.353, 307-308.
[3]. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006, Tập 36, tr.193.
[4]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nhà xuất bản: Chính trị Quốc gia - Sự thật. Sđd, t11, tr.610.
[5]. Bộ Giáo dục & Đào tạo (2021). Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học. Dành cho hệ không chuyên lý luận Chính trị. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật. Hà Nội. tr.87.
[6]. Nguồn: Kết quả khảo sát sinh viên về “Nhận thức của sinh viên về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay” 12/2023.
Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh