TNV - Ngày 20/12 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp toàn diện của ngành vật tư nông nghiệp Việt Nam”.
Theo số liệu báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT), tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 841 nhà máy sản xuất phân bón với tổng công suất sản xuất là 39,25 triệu tấn/năm. 24.349 sản phẩm phân bón lưu hành tại Việt Nam đã được công nhận. Đồng thời, có 380 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào nhóm sản phẩm vi sinh nông nghiệp phục vụ lĩnh vực trồng trọt, bao gồm: phân bón hữu cơ và hữu cơ vi sinh, thuốc sinh học bảo vệ thực vật.
Quang cảnh hội thảo “Thực trạng và giải pháp toàn diện của ngành vật tư nông nghiệp Việt Nam”.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu vật tư nông nghiệp trong tháng 8/2023 đem về 207 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt 1,32 tỷ USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhập khẩu nhóm ngành hàng này trong 8 tháng tiêu tốn 4,72 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, xét về nhóm các mặt hàng vật tư nông nghiệp, Việt Nam đang nhập siêu tới 3,4 tỷ USD.
Phát biểu tại Hội thảo, TS, Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, vấn đề nổi cộm hiện nay là nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp chưa hợp lý, dẫn đến lãng phí, đẩy giá thành sản xuất lên cao và tiếp tục thúc đẩy hậu quả của việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV trong nhiều năm thiếu kiểm soát thêm sâu sắc. Ngân hàng thế giới đánh giá nông dân Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào.
Hiện đang có một nghịch lý: Trong khi chúng ta đang tập trung khuyến cáo và nông dân đang nỗ lực tuân thủ các quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP để tạo ra nông sản xanh, an toàn đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới, thì vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp lại rất bát nháo về chất lượng. Tình trạng phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vẫn được bán phổ biến trên thị trường các vùng nông thôn.
Theo Ngân hàng thế giới, Việt Nam đang lạm dụng hơn 55% chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào.
Trong khi đó, chế tài xử phạt các vi phạm về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp trong thực tế sản xuất, quản lý chưa nhiều. Nhân lực, cơ sở vật chất, trong thiết bị và kinh phí phục vụ công tác quản ký vật tư nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Phó Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam khiến nghị, nhiệm vụ trước hết là phải thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước, từ đó giảm giá bón vật tư nông nghiệp tới tay người nông dân. Đề nghị các đơn vị sản xuất và kinh doanh phân bón uy tín trong nước nỗ lực sản xuất và cung ứng tối đa ra thị trường các sản phẩm phân bón chất lượng cao nhất.
“Cần kiến nghị Quốc hội cho sửa càng sớm càng tốt phần quy định về sản xuất và kinh doanh phân bón tại Luật thuế 71 (Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế). Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức có liên quan trong việc kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp”, ông Ngọc đề xuất.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng kiến nghị cần thúc đẩy tăng sản xuất vật tư nông nghiệp trong nước, từ đó giảm giá bán vật tư nông nghiệp tới tay nông dân. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ để vừa giảm chi phí sản xuất đồng thời giúp bảo vệ đất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó các chuyên gia sẽ đưa ra kết quả nghiên cứu về sự ảnh hưởng của Luật Thuế GTGT nhóm ngành vật tư nông nghiệp tác động đến thị trường nông sản và đời sống nông dân Việt Nam. Từ đó đề xuất các giải pháp, hoàn thiện chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
PV