Thực trạng và xu hướng phát triển của ngành Gỗ việt Nam

Thứ tư, 28/03/2018 - 09:54

TNV - Sáng ngày 27/3 tại Hà Nội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương và Tổ Chức FOREST TRENDS đã tổ chức Hội thảo “Bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017: Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững”.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan về  kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam năm 2017 cho thấy ngành Gỗ thiết lập mức kỷ lục mới, đạt gần  8 tỷ USD. Trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,7 tỉ USD (tăng 12,6% so với năm 2016),  300 triệu USD còn lại trong số 8 tỷ là giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như “sản phẩm mây tre, cói và thảm”. Mức kim ngạch này, ngành đã có vị trí số 6 trong bảng xếp hạng các ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước. Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và trên đà phát triển. Mặc dù ngành phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm cả các thách thức mới, hình thành do hội nhập, ngành vẫn còn được coi là còn một số dư địa để phát triển.

anh 1

Gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam hiện đang được xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. 4 quốc gia có kim ngạch đạt cao nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong năm 2017, kim ngạch từ 4 thị trường này lên tới trên 5,8 tỉ USD, chiếm gần 76% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ tất cả các thị trường.

Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017, riêng Mỹ chiếm 40,2% tương đương 3,08 tỷ USD, tăng trưởng về kim ngạch từ thị trường này là 13,6% so với 2016; Trung Quốc chiếm 14,2%, tương đương 1,085 tỷ USD, , tăng trưởng về kim ngạch từ thị trường này là 5,7% so với 2016.

Cũng tại Hội thảo lần này, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp cho ngành gỗ phát huy tối đa các lợi thế của mình, điều quan trọng cần thực hiện là nâng cao tính cạnh tranh của ngành. Trong đó, có các điều kiện về nhân tố đầu vào, như lao động tay nghề cao, vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, kiến thức. Ngành chế biến gỗ của Việt Nam hiện nay vẫn còn mang đậm nét của các yếu tố cơ bản, với việc sử dụng nguyên liệu thô, lao động trong ngành tay nghề còn thấp, tiêu hao năng lượng còn phổ biến. Để chuyển đổi sang ngành với các yếu tố tiên tiến ngành cần phải có những chuyển đổi cơ bản.

anh 2

Cơ chế chính sách cần ưu tiên, khuyến khích đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã sản phẩm, hạn chế tiêu hao nguyên liệu gỗ đầu vào, chuyển đổi các nguồn gỗ nhập khẩu rủi ro cao sang nguồn nhập khẩu rủi ro thấp, hoặc sang nguồn gỗ rừng trồng trong nước. Khuyến khích doanh nghiệp cải tiến công nghệ  theo hướng tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu đầu vào, giảm giá thành sản xuất.

Cần có cơ chế khuyến khích cho việc hình thành các cơ sở đào tạo nghề, với các nghề đào tạo hình thành dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, chú trọng các loại hình kiến thức và tay nghề tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm.

BH