TNV - Trong khoảng 2 năm qua, Khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện Bình Tân (TPHCM) tiếp nhận và điều trị 13 trường hợp thủng đường tiêu hóa do dị vật, trong đó 76,9% thủng ruột non, còn lại là thủng đại tràng, túi thừa Meckel và ruột thừa. Dị vật gây thủng chủ yếu là do tăm tre (61,5%), xương cá (23,1%), và xương gà (7,7%).
Bs Nguyễn Anh Nguyễn –PGĐ bệnh viện Bình Tân ( TPHCM)
Vừa qua, Bệnh viện quận Bình Tân tiếp nhận một trường hợp 19 tuổi ở Bình Trị Đông, quận Bình Tân được chẩn đoán thủng đại tràng ngang do dị vật tăm tre gây áp xe đại tràng ngang.
Theo chia sẻ của anh Đ.T.A, 19 tuổi, anh thấy đau âm ỉ từ sáng ngày 9/12/ 2022, đếnchiều cùng ngày nhập viện, tình trạng đau bụng dữ dội, đau chủ yếu vùng thượng vị và quanh rốn, không nôn, không sốt, không bí trung đại tiện.
Qua thăm khám lâm sàng và chụp cắt lớp vi tính ổ bụng cho thấy anh Đ.T.A bị thủng đại tràng ngang do 03 mảnh dị vật 1,5cm, xuyên ngang thành ruột gây áp xe to vùng đại tràng ngang. Các bác sĩ Bệnh viện Bình Tân đã thực hiện phẫu thuật mở bụng, cắt đoạn đại tràng ngang áp xe, khâu nối ruột tận- tận, lau rửa, dẫn lưu ổ bụng cho bệnh nhân. Sau phẫu thuât, sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục, tiêu hóa lưu thông tốt.
Cũng là một trường hợp thủng ruột do dị vật, nhưng lần này là do xương cá – rất dễ mắc phải trong đời sống hàng ngày. Bà Đ.T.B, 52 tuổi, phường bình trị đông B(BìnhTânTPHCM) nhập viện trong tình trạng shock, lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp tụt, đau khắp bụng. Sau khi cấp cứu ra shock, bà B được chụp CT-scan bụng thấy có khí tự do và thâm nhiễm mỡ quanh dạ dày, theo dõi tình trạng thủng dạ dày. Bà B đã được phẫu thuật mở bụng khâu lỗ thủng, thám sát thấy dạ dày bị đoạn xương cá dài 2cm đâm xuyên thủng, dẫn tới tình trạng viêm phúc mạc toàn bộ ổ bụng.
Sau phẫu thuật, bà B được chuyển vào điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, sau đó được chuyển về khoa Ngoại điều trị hậu phẫu và xuất viện sau 10 ngày với tình trạng sức khỏe tốt.
Tắt ruột do nuốt nguyên cây nấm Đông cô có kích thước 3 x 5cm
Trường hợp khác ít gặp hơn nhưng theo thống kê tại các bệnh viện thì tỷ lệ xảy ra vẫn rất thường xuyên là tắc ruột do bã thức ăn, thường xảy ra khi có khối thức ăn lớn nằm chắn ngay trong hệ thống tiêu hóa (ruột non, ruột già), khiến thức ăn bị ứ đọng, tắc ở phần trên.
Ông N.V.C, 46 tuổi, địa chỉ ngụ tại phường Tân Tạo,quận Bình Tân,than đau chướng bụng 3 ngày, không đi tiêu, không trung tiện được. Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ bệnh viện quận Bình Tân chẩn đoán tắc ruột nghi do bã thức ăn. BS tiến hành phẫu thuật, mở bụng thám sát thấy có khối bã kẹt trong hỗng tràng (ruột non), dị vật được lấy ra là nguyên một cây nấm đông cô kích thước 3 x 5cm, làm tắc toàn bộ lưu thông ruột.Sau phẫu thuật, sức khỏe ông C phục hồi tốt và xuất viện sau 9 ngày điều trị.
Cũng một trường hợp khác bà N.T.H 70 tuổi, địa chỉ tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, đau bụng 1 tuần, kèm nôn khan, nôn ói nhiều, sụt cân. Người nhà đưa đến bệnh viện khám và điều trị. Saukhi được hội chẩn và chụp CT scan, ghi nhận tình trạng có dị vật gây tắc đoạn ruột non cách hỗng tràng 20 cm. BN được chỉ định phẫu thuật nội soi thám sát,lúc mổ ghi nhận hình ảnh bông cải chua còn nguyên vẹn trong lòng ruột gây tắc ruột non.
Bs Nguyễn Anh Nguyễn –PGĐ bệnh viện Bình Tân, thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật
Do BN không có răng và có thói quen ăn nuốt trọng.
Hầu hết các dị vật nuốt phải sẽ được đào thải ra ngoài hệ tiêu hóa trong vòng 1 tuần mà không để lại biến chứng gì. Khoảng 20% các trường hợp không đào thải được dị vật ra ngoài, đây là nguyên nhân dẫn đến tắc ruột; thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa và rò tiêu hóa. Trong đó thủng ruột chiếm khoảng 1%. Nguyên nhân chủ yếu là do vật dài và sắc nhọn như xương gà, xương cá, tăm; vị trí thường gặp nhất là thủng ruột non. Thủng ruột gây ra viêm phúc mạc; sốc nhiễm khuẩn thậm chí là tử vong. Tỷ lệ tử vong do thủng ruột khoảng 10%- 18%.
Theo Bs Nguyễn Anh Nguyễn –PGĐ bệnh viện Bình Tân: Trong khoảng 2 năm qua, Khoa Ngoại tổng hợp tiếp nhận và điều trị 13 trường hợp thủng đường tiêu hóa do dị vật, trong đó 76,9% thủng ruột non, còn lại là thủng đại tràng, túi thừa Meckel và ruột thừa. Dị vật gây thủng chủ yếu là do tăm tre (61,5%), xương cá (23,1%), và xương gà (7,7%). Tất cả bệnh nhân đều khởi phát bằng triệu chứng đau bụng, tuy nhiên có đến 61,5% bệnh nhân không nhớ đã tùng nuốt phải dị vật và các dị vật đa dạng do đó chẩn đoán thủng ruột do dị vật trên lâm sàng vẫn còn là thách thức. Tất cả các trường hợp chỉ được chẩn đoán xác định khi chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Về điều trị, đa số bệnh nhân (76,9%) được phẫu thuật sớm lấy di vật.Sau điều trị bệnh nhân diễn biến ổn định, không xảy ra tai biến, biến chứng gì.
Nuốt tăm tre gây thủng ruột.
Thủng ruột do dị vật là bệnh cảnh lâm sàng ít gặp, chủ yếu do thói quen ngậm tăm hoặc vô tình nuốt phải xương khi ăn uống. Bệnh nhân nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây các biến chứng nguy hiểm. Do vậy, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần luôn cẩn trọng khi ăn những thức ăn có xương. Nếu không may bị hóc, nuốt phải xương hoặc dị vật, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế kiểm tra, tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời.
Tấn Tài