Căng thẳng ngày càng gia tăng
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Trung Quốc đã ngay lập tức hạ giá đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Cùng với việc đồng Nhân dân tệ giảm giá so với đồng USD, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng quyết định ngừng mua thêm nông sản của Mỹ. Đây được cho là một trong những biện pháp của Trung Quốc nhằm đáp trả việc áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nước này.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. (Ảnh minh họa: SCMP)
Tổng thống Donald Trump gọi việc Trung Quốc hạ giá đồng nội tiền là thao túng tiền tệ, đồng thời nhấn mạnh các hành động thao túng tiền tệ của Trung Quốc cần phải được ngăn chặn. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Bộ Tài chính Mỹ liệt kê Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ, cho rằng đây là hành động cảm tính, không có căn cứ và là biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ...
Các động thái mới đây từ cả hai phía đã khiến những cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung khó có thể đạt được tiến triển và cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo sẽ kéo dài và diễn biến phức tạp.
Tờ SCMP nhận định, thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là một điều xa vời. Ông Stephen Olson, một học giả thuộc Quỹ Hinrich (tổ chức chuyên thúc đẩy thương mại toàn cầu bền vững), cho rằng Trung Quốc tuy không thể đấu lại với Mỹ trong việc đánh thuế quan, nhưng nước này vẫn có những biện pháp nhằm vào các lợi ích của doanh nghiệp Mỹ.
Trung Quốc có thể tăng các rào cản pháp lý nhằm làm khó cho các doanh nghiệp Mỹ, như quy trình kiểm tra hải quan lâu hơn, quá trình làm rõ thủ tục giấy tờ, kiểm tra mức độ an toàn khó khăn hơn và việc cấp phép sẽ mất nhiều thời gian hơn, cũng như sử dụng danh sách các công ty không đáng tin cậy nhằm giới hạn cơ hội làm ăn của các doanh nghiệp Mỹ tại nước này.
SCMP trích lời một quan chức giấu tên của Bắc Kinh cho biết, mức phát triển kinh tế hiện nay của Trung Quốc hiện vẫn ở mức chấp nhận được. Đây cũng là cuộc thi xem liệu nền kinh tế nào có sức chịu đựng lâu hơn, Trung Quốc hay Mỹ?
Ông Louis Kuijs, một chuyên gia thuộc Hãng tư vấn về kinh tế Oxford Economics, đánh giá, việc áp thuế 10% của ông Trump có thể làm chỉ số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 0,1% trong nửa cuối năm nay, và hơn 0,2% trong năm sau. Theo ông Louis Kuijs, những lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump sẽ càng khiến thỏa thuận thương mại khó có thể đạt được.
Cuộc chiến khó kiểm soát
Theo nhận định của CNN, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng trở nên nghiêm trọng và khó lường.
Mức độ đối đầu giữa hai cường quốc này sẽ trở nên nghiêm trọng và rất khó đảo ngược. Điều này sẽ kéo tăng trưởng kinh tế chậm lại và thậm chí có thể dẫn tới suy thoái.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều gia tăng nguy cơ phá vỡ nền kinh tế hiện đã bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Mỗi động thái "ăn miếng, trả miếng" đều làm căng thẳng gia tăng và kéo hai quốc gia này gần hơn tới suy thoái và không còn đường lui.
CNN dẫn lời ông Peter Boockvar, chuyên gia về đầu tư tại Bleakley Advisory Group cho rằng, chính sách sử dụng thuế quan làm công cụ đối phó với Trung Quốc sẽ không phát huy hiệu quả. Đồng quan điểm này, ông David Kotok, nhà đồng sáng lập công ty đầu tư Cumberland Advisors khẳng định, cuộc chiến về thuế chỉ tạo thêm nguy cơ suy thoái kinh tế.
Theo đánh giá của Ian Winer, thành viên ban tư vấn của Drexel Hamilton, Trung Quốc không giữ đồng nhân dân tệ không suy yếu để tránh bị gắn mác thao túng tiền tệ.
Michael Hirson, người đứng đầu tập đoàn Eurasia của Trung Quốc và Đông Bắc Á, cảnh báo, động thái hạ giá tiền tệ của Trung Quốc đã làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tiền tệ, nơi các nước lớn đua nhau phá giá đồng tiền của mình. Nếu Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh, sẽ khiến các nhà đầu tư hoảng loạn, gây bất ổn thị trường tài chính và tạo làn sóng vốn tràn ra nước ngoài./.
Trần Ngọc/VOV