Sputnik sáng 23/4 đưa tin, đoàn tàu bọc thép của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đến Vladivostok trong ngày 24/4. Một quan chức đường sắt của Nga cho biết, chuyến tàu này sẽ đến ga Hasan vào sáng 24/4, sau đó tiến tới Ussuriysk và từ đó, đi thẳng đến Vladivostok.
Trong khi đó, cũng trong sáng 23/4, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thăm Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời khẳng định cuộc gặp này sẽ "sớm diễn ra".
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: WKBN
Theo báo chí Nga, cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra tại Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok.
Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều dược dư luận quan tâm trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tháng 2 vừa qua đã không đem lại thỏa thuận nào do hai bên bất đồng về mức độ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.
Kim Jong-un và Putin sẽ thảo luận những gì?
Thực sự, báo chí Nga rất ít đưa tin về sự kiện này so với cuộc bầu cử ở Ukraine và càng khó tìm một bài bình luận bằng tiếng Nga nào về cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều sắp tới. Tuy nhiên, các nhà quan sát việc không đưa nhiều thông tin là chủ ý của cả 2 phía nhằm giảm bớt kỳ vọng về cuộc gặp của Tổng thống Nga Putin với Nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Trong bài phân tích ngắn đăng tải trên Izvestiya (Nga) cho thấy, trọng tâm chính của cuộc gặp có thể là các vấn đề liên quan đến quan hệ kinh tế song phương. Hai bên được cho là sẽ thảo luận việc khoảng 40.000 công nhân Triều Tiên có thể phải rời khỏi Viễn Đông của Nga trong năm 2019 do các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp đặt đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, các chuyên gia Nga giải thích rằng: “Đối với vùng Viễn Đông, lực lượng lao động Triều Tiên là rất thiết yếu và việc họ phải về nước sẽ tạo ra những vấn đề kinh tế nhất định đối với Nga”. Những vấn đề kinh tế cũng có thể là lý do khuyến khích Nga tích cực hơn trong việc vận động tại Liên Hợp Quốc nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Cũng cần phải lưu ý rằng, Triều Tiên là một trong số ít nước ủng hộ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và Nhà lãnh đạo Nga trước đây cũng đã từng tiếp đón Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (cha của ông Kim Jong-un) trong chuyến thăm tới Nga năm 2011.
Một bài phân tích ngắn khác bằng tiếng Nga đăng tải trên Kommersantsounds gần đây thì lại bày tỏ nhiều hy vọng hơn. Tác giả của bài viết này nói rằng, “Nga đang trở lại vai trò là ‘người chơi chính’ trong khu vực”.
Bài viết này có đề cập tới việc Đặc phái viên Nhà Trắng về Triều Tiên Stephen Biegun mới đây đã có chuyến thăm Nga. Hơn nữa, đây cũng không phải cuộc gặp đầu tiên của ông Beguin với quan chức ngoại giao phụ trách Đông Á hàng đầu của điện Kremlin, Igor Morgulov. Bài báo cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều có thể sẽ tác động tới cuộc gặp thượng đỉnh thứ 3 trong tương lai giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Trump.
Vai trò của Nga trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Từ đầu năm 2018 tới nay, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tiến hành nhiều cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo các nước, trong đó có 4 cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 3 cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và 2 cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin lần này của ông Kim Jong-un cho thấy, Nga vẫn có vai trò quan trọng đối với Triều Tiên.
Sự thất bại của cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, cùng với việc cả Nga và Triều Tiên đều đang chịu sức ép trước các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu, có thể là lý do khiến Nga và Triều Tiên cần khẳng định lại mối quan hệ lâu năm giữa 2 bên.
Giới quan sát cũng đánh giá rằng, Nga có thể đóng góp không nhỏ nhằm thúc đẩy một thỏa thuận về chương trình hạt nhân Triều Tiên với 3 lý do:
Thứ nhất, Nga không chỉ có các chuyên gia kỹ thuật có thể hỗ trợ việc xác minh, mà còn có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán kiểm soát vũ khí và kiểm soát khủng hoảng.
Thứ hai, hiện nay cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều là những nước có vai trò đáng kể đối với Triều Tiên, nhưng Nga có thể sẽ được tin tưởng nhiều hơn vì 1 lý do. Đó là Nga không thực sự làm dấy lên mối đe dọa hiện hữu nào với Triều Tiên.
Thứ ba, và quan trọng nhất, việc Nga tập trung vào xây dựng sức mạnh quân sự sẽ khiến một nước láng giếng gặp nhiều khó khăn như Triều Tiên đặt nhiều kỳ vọng. Điện Kremlin sẵn sàng đứng lên phản đối phương Tây vì những đồng minh không phổ biến (như Syria hay Venezuela). Điều này chắc chắn là một yếu tố được Triều Tiên tính đến./.
Thùy Linh/VOV.VNTheo National Interest