Chiều 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên chiếc Không lực Một trở về Washington sau khi Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra tại Hà Nội đã không đạt bất cứ thỏa thuận nào. Tuy vậy, ông Trump vẫn ca ngợi quan hệ “nồng ấm” với ông Kim.
Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội đã kết thúc mà không đạt thỏa thuận nào. Ảnh: Reuters
Chia tay ra về “vô cùng thân thiện”
Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ngày 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, hai bên đã thất bại trong nỗ lực đạt được thỏa thuận cuối cùng, vì phía Triều Tiên yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.
Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên có cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội, Việt Nam 8 tháng sau khi có cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên tại Singapore. Trước khi ngồi vào bàn đàm phán tại khách sạn Metropole, Hà Nội, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đều cho thấy hy vọng thúc đẩy tiến trình cải thiện quan hệ, với vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ là phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
“Về cơ bản, họ muốn các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn, nhưng chúng tôi không thể làm như vậy…”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tại cuộc họp báo quốc tế.
Trái với bầu không khí tích cực bao trùm khi Thượng đỉnh Mỹ-Triều khi mới bắt đầu, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Tiều Tiên đã bất ngờ kết thúc đàm phán, hủy bữa trưa đã lên kế hoạch từ trước và rời đi ngay sau đó.
“Tôi không vội vàng để đạt được một thỏa với Triều Tiên và tôi muốn một thỏa thuận đúng đắn với Chủ tịch Kim”, ông Trump nói.
Bước vào cuộc Thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội, Nhà Trắng thậm chí đủ “tự tin” để chuẩn bị trước cho “một lễ ký kết tuyên bố chung” sau khi hai nhà lãnh đạo kết thúc đàm phán.
Song kể cả khi rời Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận nào, Tổng thống Trump vẫn mô tả cuộc gặp lần này với Chủ tịch Kim Jong-un, với 2 ngày tiến hành thảo luận, là rất tích cực. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chia sẻ nhiều vấn đề và đã “có một thời gian hữu ích”, “khi rời hội nghị, bầu không khí rất tốt, rất thân thiện”.
“Nếu không muốn phi hạt nhân, tôi đã không có mặt tại đây”
Hình ảnh Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cùng với phong thái tự tin khi ngồi đối diện nhau bên bàn thảo luận, khiến người ta hy vọng vào một kết quả tốt đẹp của Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội. Tại cuộc phỏng vấn ngắn với báo chí trước cuộc hội đàm song phương mở rộng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã nhận được câu hỏi liệu Triều Tiên có sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân và câu trả lời là: “Nếu không muốn làm như vậy, tôi sẽ không ở đây”.
Trước câu lời của Chủ tịch Kim, Tổng thống Trump đã bình luận rằng: “Đó có lẽ là câu trả lời hay nhất mà tôi từng nghe”.
Nhiều ý kiến quan sát lúc đó đã đặt hy vọng khi Chủ tịch Kim cho biết thêm, Mỹ và Triều Tiên đang thảo luận về các bước cụ thể của tiến trình này. Tổng thống Trump sẽ chỉ hài lòng khi Triều Tiên không còn hạt nhân hay tên lửa đạn đạo liên lục địa. Điều này có thể được đảm bảo với lời “hứa” của Chủ tịch Kim rằng “sẽ không còn các vụ thử hạt nhân và tên lửa”.
Tuy vậy, kết quả cuối cùng của Thượng đỉnh Mỹ-Triều đã trái với kỳ vọng của nhiều người. Vấn đề dỡ bỏ trừng phạt hoàn toàn và phi hạt nhân hoàn toàn cần nhiều thời gian hơn nữa. Có những “tín hiệu” nếu tinh ý sẽ nhận ra rằng, nỗ lực tích cực phải đi kèm giải quyết thực tế, để Mỹ với Triều Tiên đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Trước khi bước vào ngày gặp mặt thứ 2 tại Hà Nội với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa nhấn mạnh, mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên không thể giải quyết theo cách vội vã. Ông Trump cho biết, ông và Chủ tịch Kim đã thảo luận vấn đề tháo dỡ phần còn lại của cơ sở hạt nhân Yongbyon - điều mà nhà lãnh đạo Triều Tiên hoàn toàn sẵn lòng, nhưng đổi lại là việc dỡ bỏ trừng phạt.
Còn trong lần đầu tiên trả lời trực tiếp câu hỏi của một phóng viên nước ngoài tại cuộc Thượng đỉnh tại Hà Nội: “Liệu ông có tin tưởng về một thỏa thuận lần này?”, Chủ tịch Kim cho biết: “Còn quá sớm để nói đến điều này, nhưng tôi không nói rằng tôi thiếu lạc quan”.
Trong khi Washington yêu cầu Bình Nhưỡng từ bỏ mọi chương trình hạt nhân và tên lửa, phía Triều Tiên cũng muốn thấy Mỹ dỡ bỏ “chiếc ô bảo trợ hạt nhân” cho các nước đồng minh tại châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trở lại thời điểm, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên có cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018, hai bên đã đạt được một tuyên bố có “giá trị”, trong đó có lời cam kết của ông Kim Jong-un sẵn sàng làm tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Song thực tế, 8 tháng qua, hai bên không có nhiều tiến triển trong thực hiện những cam kết đã đạt được tại Singapore.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Chủ tịch Triều Tiên chưa chuẩn bị cho bước tiến thêm cho vấn đề phi hạt nhân hóa. Theo ông Pompeo việc đàm phán sắp tới sẽ cần thêm nhiều thời gian. “Tôi nghĩ chúng tôi có thể tiếp tục làm việc vào thời gian tới đây, chúng ta có thể đạt tiến bộ, có thể đạt mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”, Ngoại trưởng Mỹ phát biểu bên cạnh Tổng thống Trump tại cuộc họp báo quốc tế.
Quốc tế tiếc nuối
Giới quan sát đưa ra cái nhìn khách quan về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội lần này cho rằng, Tổng thống Trump giữ lập trường linh hoạt hơn khi đến Hà Nội, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ có thể “phung phí những nhượng bộ với Triều Tiên” nếu muốn thúc đẩy nhanh thỏa thuận.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đánh giá, hai bên đã chứng tỏ sự chân thành tại Hội nghị Thượng đỉnh lần hai. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hy vọng đối thoại và liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên có thể tiếp tục.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas có phản ứng tiếc nuối khi Hội nghị Thưởng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Ngoại trưởng Đức hy vọng Mỹ và Triều Tiên tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Từ Moscow, giới lập pháp Nga đã đưa ra những bình luận đầu tiên sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Trong đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Vladimir Dzhabarov cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ không đồng ý tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ, vì đây là nhân tố đảm bảo an ninh và chủ quyền của Triều Tiên.
Trong khi, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Thượng viện Mikhail Kozlov nhận định, Mỹ đã không nhượng bộ Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân và đây là lý do khiến hai bên không đi đến được tuyên bố chung tại Hà Nội.
Nhiều ý kiến phân tích lại không lấy làm ngạc nhiên khi Mỹ và Triều Tiên một lần nữa “trắng tay” sau cuộc gặp Thượng đỉnh. Ông Akira Kawasaki, thành viên của Ican (Chương trình vận động quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân) cho rằng: “Chúng ta cần một kế hoạch thực sự, bắt nguồn từ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy những Hiệp ước như Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, mà Triều Tiên có thể gia nhập cũng như bắt đầu tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp”.
Không ít ý kiến cho rằng, vấn đề giải trừ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không thể đạt được trong một sớm một chiều./.
Theo VOV