Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tới Nga để tham dự cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin vào thời điểm chỉ 2 tháng sau khi Thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức ở Hà Nội, Việt Nam kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Các nhà phân tích đánh giá, chuyến thăm Nga lần đầu tiên của ông Kim là một mũi tên trúng nhiều mục tiêu. Nhà lãnh đạo Triều Tiên không chỉ có cơ hội để tìm kiếm sự hỗ trợ đối với nền kinh tế trong nước đang trì trệ mà còn gửi đi những thông điệp khác nhau tới Mỹ và Trung Quốc, đồng thời củng cố những thành tựu ngoại giao của ông trong suốt thời gian qua.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: Reuters
Giải quyết vấn đề cấp thiết của đất nước
Cuộc gặp với Tổng thống Putin mang lại cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un cơ hội để giải quyết 2 vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là lao động Triều Tiên ở Nga và tình trạng thiếu lương thực.
Hơn 10.000 lao động Triều Tiên vẫn đang làm việc ở Nga nhưng nhiều người trong số đó có thể sẽ bị trục xuất vào cuối năm nay khi nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc năm 2017 có hiệu lực. Theo ước tính của các quan chức Mỹ, nguồn lao động nước ngoài đã đem về hàng trăm triệu USD cho chính phủ Triều Tiên.
Do đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể sẽ nêu ra vấn đề này ra trong cuộc gặp và tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Nga.
"Có khả năng cao là ông Kim sẽ yêu cầu Tổng thống Putin linh động hơn về vấn đề này bởi nó liên quan đến dòng chảy ngoại tệ của Triều Tiên", nhà phân tích Shin Beomchul từ Viện Nghiên cứu chính sách Asan có trụ sở ở Seoul nhận định.
Ông Kim Jong Un cũng đang tìm cách giải quyết tình trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên hiện nay. Tờ The Chosun Ilbo của Hàn Quốc cho biết, ngoại tệ của Triều Tiên cũng như dự trữ lương thực và dầu mỏ nước này đều không đủ dùng để duy trì trong năm nay.
Tháng 3/2019, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, việc sản xuất lương thực ở Triều Tiên đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ do thiên tai. Nắng nóng kéo dài cùng với bão lũ đã làm giảm đáng kể sản lượng nông nghiệp của nước này.
Trong khi đó, Nga luôn thể hiện thiện chí sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên. Hồi tháng 3/2019, Moscow thông báo đã chuyển cho Bình Nhưỡng 2.000 tấn lúa mì tại cảng Chonjin của Triều Tiên.
Sự chuyển hướng của Triều Tiên sang Nga cho thấy mặc dù các cuộc thảo luận giữa Bình Nhưỡng và Washington trước đó đều là về các vấn đề hạt nhân nhưng mối quan tâm chính của ông Kim hiện nay lại là cải thiện kinh tế đất nước.
Nhà phân tích Go Myong-Hyun tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan cho rằng, chuyến thăm Nga của ông Kim, cũng là cuộc gặp đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Nga kể từ năm 2011 có thể đã được lên kế hoạch từ lâu, thậm chí trước cả khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 giữa ông Trump và ông Kim diễn ra.
Chuyên gia Cho Bong-hyun tại Viện Nghiên cứu Kinh tế IBK ở Seoul thì nhận định Triều Tiên hiện đang cần 1 tấn lương thực cứu trợ nên trong chuyến thăm này, mục tiêu của ông Kim là kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Nga.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình 4 lần năm 2018 nhưng dường như tầm nhìn chiến lược nhằm cải thiện kinh tế đất nước khiến ông Kim hiện đang tìm kiếm nhiều sự ủng hộ hơn từ quốc tế mà minh chứng rõ nhất là chuyến thăm Nga ngày 25/4 này.
Sau khi Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cách đây 2 tháng, cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un với ông Putin đóng vai trò như một lời nhắc nhở với Washington rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn còn những lựa chọn khác.
Ông Kim Jong Un muốn bảo vệ những thành quả ngoại giao mà ông đã đạt được trong các chuyến thăm chưa từng có tiền lệ hồi năm 2018 và thể hiện cho Tổng thống Trump thấy rằng ông có những người bạn khác ngoài Trung Quốc.
Triều Tiên cũng hy vọng sự ủng hộ của Nga sẽ gây sức ép buộc Mỹ giảm bớt các lệnh trừng phạt, vốn đang là vấn đề nan giải trong các cuộc thảo luận giữa hai bên. Chính quyền Tổng thống Trump cho biết các lệnh trừng phạt chỉ được dỡ bỏ khi Triều Tiên từ bỏ các chương trình hạt nhân. Trong khi đó, Nga rõ ràng không mong đợi việc Bình Nhưỡng nhất trí phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức mà qua đàm phán lâu dài và các bước xây dựng lòng tin.
Do vậy, mối quan hệ thân thiết hơn với Nga có thể cho Triều Tiên tấm bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân.
Triều Tiên đã phụ thuộc vào Trung Quốc trong một thời gian dài khi mà hơn 90% trao đổi ngoại thương của nước này là qua Trung Quốc. Bắc Kinh không chỉ là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên mà còn là đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn cung cấp nhiên liệu quan trọng của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc đang khiến các quan chức Bình Nhưỡng lo ngại. Cải thiện quan hệ với Nga là cách mà ông Kim đang thực hiện để cân bằng sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, trong bài phát biểu tại một phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng một ngày trước khi Triều Tiên tổ chức phiên họp Quốc hội lần thứ 14 ngày 11/4/2019, ông Kim đã đề cập đến "sự tự lực" 27 lần. Theo nhà phân tích Jeong Young-tae tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, tự lực là một phần trong tư tưởng dân tộc chủ nghĩa “Chủ thể” (Juche) của Triều Tiên, nghĩa là không phụ thuộc vào một đồng minh duy nhất nào.
"Các nhà ngoại giao của Triều Tiên hiểu luật chơi và biết cách chơi để nếu cần thiết Bình Nhưỡng có thể đối phó với tình thế khi mà các đồng minh của nước này chống lại nhau", chuyên gia Jeong Young-tae nhận định
Rõ ràng, Triều Tiên muốn tăng cường quan hệ kinh tế với Nga để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và cuộc gặp với Tổng thống Putin sẽ là một cơ hội tốt để thực hiện mục tiêu này.
Thượng đỉnh Nga – Triều dù không được kỳ vọng có thể tạo nên đột phá bởi Nga không thể đơn phương giúp Triều Tiên nới lỏng các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, cuộc gặp này sẽ cho ông Kim Jong Un thêm những lựa chọn để vượt qua khó khăn về kinh tế và có thêm quân bài để mặc cả trong những cuộc đàm phán trong tương lai với Washington./.
Theo Chinhphu