Thượng đỉnh Nga-Triều: “Thanh kiếm biểu tượng” phá vỡ thế bế tắc?

Thứ sáu, 26/04/2019 - 08:45

Thượng đỉnh Nga-Triều đã tạo ra một luồng gió mới trong quan hệ hai nước, giúp phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay (25/4) có cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của nước này. Giới quan sát cho rằng cuộc gặp, dù mang ý nghĩa biểu tượng nhưng đã tạo ra một luồng gió mới trong quan hệ hai nước, giúp phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và quan trọng hơn đáp ứng kỳ vọng của cả lãnh đạo Nga và Triều Tiên.


Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un gặp Tổng thống Putin ngày 25/4. Ảnh: Reuters.

Ấn tượng về sự đón tiếp nồng hậu

Khi Chủ tịch Kim Jong-un và phái đoàn tháp tùng dừng chân tại nhà ga đầu tiên của Nga, họ được đón tiếp trang trọng. Một số quan chức cấp cao của chính phủ Nga cùng các quan chức địa phương đã ra chào mừng nhà lãnh đạo Triều Tiên với những nghi thức truyền thống như tặng bánh mì và muối. Đến Vladivostok, phái đoàn Triều Tiên được trải thảm đỏ và chào đón lần nữa bởi đội danh dự và đoàn quân nhạc của Nga.

Trong cuộc hội đàm, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã dành lời cảm ơn chân thành đối với Tổng thống Putin về sự đón tiếp nồng hậu. Ông Kim nhắc lại “tình yêu lớn với nước Nga” của cha mình, và nói rằng ông muốn tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia. Cả hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên đều khẳng định đã có cuộc đàm phán cởi mở và chân thành. “Cuộc gặp hứa hẹn sẽ hướng tới quá trình ổn định hóa chính trị trong vùng và tăng cường chia sẻ quan điểm về những vấn đề cần phải giải quyết trong tương lai. Một mục đích khác là phát triển quan hệ truyền thống giữa Nga - Triều Tiên bền vững, đáp ứng nhu cầu của thế kỉ mới", ông Kim Jong Un nói.

Giới quan sát cho rằng, cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên Putin - Kim Jong Un không chỉ mang đến luồng gió mới trong quan hệ giữa 2 quốc gia từng là “bằng hữu” từ thời Chiến tranh Lạnh mà còn tạo nền tảng tốt cho những bước tiến xa hơn, mở ra triển vọng hợp tác sâu rộng về nhiều mặt.

Bà Rebecca Grant, chuyên gia phân tích an ninh Washington D.C, Mỹ nhấn mạnh, Tổng thống Putin rất quan tâm tới phát triển kinh tế kinh tế, vì thế ông sẽ tận dụng Hội nghị Thượng đỉnh này tạo nền tảng cho sự hợp tác lớn hơn giữa hai nước một khi lệnh cấm vận Bình Nhưỡng được nới lỏng. Về phía Triều Tiên, cải thiện kinh tế vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo Kim Jong Un và ông đã nhìn thấy ở Nga một hướng đi đầy triển vọng bởi mỗi khi đề cập đến hồ sơ hạt nhân Triều Tiên, Điện Kremlin luôn bày tỏ lập trường phản đối áp đặt trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng.

Phá vỡ thế bế tắc

Thời gian tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều có lẽ là điều đáng lưu tâm nhất. Trước hết, hội nghị diễn ra chỉ 2 tháng sau khi cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Cả Triều Tiên và Mỹ đều đổ lỗi cho nhau về thất bại tại cuộc gặp này. Ngay sau đó, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai bên rơi vào bế tắc và Triều Tiên vẫn bị kiềm tỏa trong vòng vây trừng phạt.

Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công “vũ khí chiến thuật dẫn đường mới”, khiến Washington lo ngại. Trong bối cảnh như vậy, cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và lãnh đạo Kim Jong Un được xem là bước tiến mới góp phần phá vỡ thế bế tắc, tạo đà giúp Triều Tiên tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.

Hãng tin AP dẫn lời ông Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, bình luận rằng, tiếp sau Hội nghị, Tổng thống Putin sẽ tiếp tục thuyết phục Triều Tiên theo đuổi một cuộc đối thoại hữu ích, mang tính xây dựng với Mỹ, song Nga sẽ không gây sức ép khiến Triều Tiên phải chấp nhận quan điểm của Mỹ.

Trước đó từng có ý kiến cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều Tiên sẽ khiến Mỹ “đứng ngồi không yên” vì đây là một phần trong kế hoạch tăng cường ngoại giao giữa hai bên để gây áp lực với Washington. Tuy nhiên, nhà phân tích Evgeny Kim, thuộc Viện Nghiên cứu Triều Tiên ở Nga lại có quan điểm trái ngược. Theo ông, Mỹ sẽ không coi cuộc gặp Thượng đỉnh Nga- Triều lần này là “hành động chống Trump”, mà ngược lại “chính Washington sẽ phải tham khảo ý kiến của Moscow về việc đàm phán với Triều Tiên và xác định những tuyên bố nào sẽ được họ lắng nghe”.

Làm sống lại cơ chế đàm phán đa phương

CNN dẫn lời ông Philip Yun – Giám đốc điều hành tổ chức chống vũ khí hạt nhân Ploughshares Fund cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh là cơ hội để Nga tái khẳng định vai trò của nước này đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên trước nguy cơ bị gạt ra rìa sau một loạt hoạt động ngoại giao con thoi giữa Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên thời gian qua. Để tham gia tích cực hơn, Nga cần nắm chi tiết diễn biến liên quan và lập trường của Triều Tiên.

“Chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong Un sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ những biện pháp có thể thực hiện giúp ổn định tình hình và những điều Nga cần làm hỗ trợ diễn biến tích cực hiện nay”, Tổng thống Putin nói trong cuộc gặp riêng với ông Kim Jong Un.

Mặc dù Nga không phải là bên đóng vai trò quyết định với tình hình Bán đảo Triều Tiên nhưng hoạt động của Moscow lại có ảnh hưởng đến sự phát triển chung trong khu vực. Tờ New York Times cho biết, Nga là đối tác không thể thiếu trong các cuộc đàm phán mở rộng về cơ chế an ninh tại Đông Bắc Á, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống tên lửa tấn công. Việc vắng mặt cơ chế đàm phán đa phương hiện nay khiến quá trình tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Hiểu rõ điều này, trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Kim Jong Un ngày 25/4 sau hội đàm, Tổng thống Putin gợi mở việc làm sống lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân, qua đó đặt ra những đảm bảo an ninh quốc tế cho Triều Tiên.

Cách tiếp cận khác biệt

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh, Tổng thống Putin cho biết, các lợi ích của Nga và Mỹ trùng khớp nhau liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. “Cả hai nước đều chống lại sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng hoạt trên hành tinh. Đó là lý do tại sao đã có nhiều biện pháp được thống nhất trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc”. “Phi hạt nhân hóa là gì? Ở một mức độ nhất định, đó là sự giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”, ông nói thêm.

Tuy nhiên nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, cả Moscow và Bình Nhưỡng đều tin rằng Triều Tiên cần “đảm bảo an ninh và giữ vững chủ quyền trước khi từ bỏ chương trình hạt nhân và điều cần thiết là phải thực hiện những bước đi đầu tiên để xây dựng lòng tin”.

Bàn đến vấn đề này, một số chuyên gia nhận định, khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên là chủ đề hiếm hoi mà Moscow và Washington có thể tìm thấy điểm chung khi quan hệ hai bên leo thang căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, xung đột Syria và cáo buộc can thiệp bầu cử. Tuy nhiên, cả hai nước lại bất đồng về cách tiếp cận. Trong khi Mỹ muốn gây sức ép bằng trừng phạt thì Nga cho rằng các biện pháp này đang kìm kẹp nhà lãnh đạo Kim Jong Un, khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trở nên khó khăn hơn.

Theo giới phân tích, cách thức Nga giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên khác hẳn với những gì Mỹ và phương Tây đang thực hiện. Không “đao to búa lớn”, không “dọa dẫm” mà thể hiện sự chân thành, cởi mở với Bình Nhưỡng.

Trong suốt cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Triều không đề cập tới cái gọi là "tuyên bố chung". Tất cả đều diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, xoay quanh trọng tâm là tình hữu nghị giữa hai nước.

Kết thúc cuộc gặp Thượng đỉnh, Tổng thống Nga đã tặng lãnh đạo Triều Tiên một thanh kiếm cong và một đồng xu của Nga. Đáp lại, ông Kim Jong-un cũng tặng ông Putin một thanh kiếm thẳng truyền thống của Triều Tiên cùng một đồng xu. "Thanh kiếm tượng trưng cho sức mạnh, linh hồn của tôi và của nhân dân tôi, những người luôn ủng hộ ngài", ông Kim Jong-un nói./.

Hồng Anh/VOV