Cám là dự án phim điện ảnh kinh dị gây chú ý nhất của màn ảnh Việt tháng 9. Ngay từ thời điểm công bố, dị bản của câu chuyện cổ tích Tấm Cám đã nhận được sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là với dàn diễn viên thực lực cho những vai diễn quan trọng như Tấm, Cám, Bà kế và cha ruột của 2 chị em cùng cốt truyện kinh dị xoay quanh hủ tục hiến tế ngày xưa.
Bà Kế là nhân vật không thể thiếu trong phiên bản kinh dị của Tấm Cám khi đây là nhân vật tạo nên nhiều biến động trong gia đình ông lý trưởng, nguồn cơn của nhiều sự việc và đồng thời gieo rắc lên những hận thù của nhân vật chính trong phim. Vai diễn này do nữ diễn viên Thúy Diễm đảm nhận. Đây là lần đầu tiên Thúy Diễm trở lại đóng phim điện ảnh sau 10 năm, cùng với bề dày kinh nghiệm 15 năm hoạt động trong lĩnh vực diễn xuất với cả trăm vai nữ chính trên màn ảnh nhỏ. Cũng chính vì thế, “nữ hoàng rating phim truyền hình phía Nam” đã đặt để nhiều tâm huyết cho nhân vật Bà Kế.
Điểm khác biệt lớn nhất trong phim điện ảnh Cám chính là Cám mới là nhân vật chính, người chịu đựng sự ruồng rẫy của cha, những đòn roi mắng nhiếc từ mẹ và nhiều bất công hắt hủi của dân làng vì ngoại hình kỳ dị của mình. Ngay sau khi sinh con, câu nói đầu tiên mà Bà Kế thốt lên chính là “đây không phải là con của tao” để chối bỏ sự tồn tại quái thai của Cám.
“Người ta thường nói, “mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”, chuyện mẹ kế đối xử tệ bạc với con của chồng là chuyện thường thấy, nhưng trong phim Cám, nhân vật Bà Kế của Thúy Diễm lại hắt hủi, ruồng bỏ đứa con ruột do chính mình sinh ra. Chính vì thế, vai diễn này vô cùng đáng sợ với tôi. Tôi đã đặt rất nhiều câu hỏi khi nhận kịch bản, rằng tại sao bà ta lại không xót thương cho số phận tội nghiệp của Cám vì đã không thể là một đứa con gái bình thường. Tại sao bà ta là mẹ ruột của Cám, nhưng thay vì bảo vệ đứa con kém may mắn, thì bà ta lại chối bỏ nó ngay khi mới sinh ra, và khi Cám lớn lên, cũng chính bà là người ra tay đánh đập, mắng nhiếc con mình. Tôi đã từng kinh sợ nhân vật của mình vì sự độc ác ấy”.
Cũng vì lẽ đó, Thúy Diễm đã cân nhắc rất nhiều trước khi nhận lời casting vào vai diễn này vì cô chưa tìm ra lời giải cho nhân vật. Bà xã của Lương Thế Thành chia sẻ, đã có lúc cô muốn từ chối đóng vai Bà Kế ở phim Cám: “Khi bạn chưa thể thuyết phục chính mình về nhân vật thì khó lòng khiến khán giả hiểu được. Một người con gái xinh đẹp, phải về làm vợ kế của gia đình lý trưởng với sứ mệnh sinh con nối dõi, nhưng lại mang đến một đứa con gái có dung mạo dị thường, là nỗi tủi thân và khó chấp nhận của Bà Kế. Tôi cảm thấy nhân vật này có nhiều góc khuất để khai thác, và khi nghiên cứu kỹ kịch bản, tôi muốn thử thách bản thân để trở thành một mẹ kế đặc biệt của câu chuyện Tấm Cám”.
Từng trải qua nhiều thể loại số phận vai diễn khác nhau, tuy nhiên đây là lần đầu tiên Thúy Diễm phải ra tay hành hạ, đối xử tệ với con gái ruột của mình trên màn ảnh với những trận đòn và lời mắng nhiếc thậm tệ. Vì lẽ đó, nữ diễn viên đã có nhiều đêm ám ảnh: “Tôi liên tục mơ thấy hình ảnh mình cầm những hạt thóc hạt gạo ném vào mặt con của mình. Có đêm ở phim trường, tôi không thể ngủ được khi nghĩ lại cái tát của mình lúc chiều đối với cô bé diễn viên nhí. Đánh một người lớn khác hoàn toàn với việc động tay động chân với trẻ con, nhất là khi đứa bé không hề làm sai gì với mình”.
Trong hơn 30 ngày đồng hành cùng đoàn phim Cám rong ruổi ở Quảng Trị và Huế, Thúy Diễm đã trải qua cảm xúc sống trong giai đoạn phong kiến, khi mà người phụ nữ vẫn chưa có tiếng nói của riêng mình, phải cam chịu số phận như người xưa vẫn nói: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Dù cho Bà Kế là vợ của trưởng làng nhưng trong gia đình, bà lại không có tiếng nói, không thể phản kháng những hành động của chồng.
“Tôi tự thấy mình may mắn khi sinh ra ở thời điểm hiện đại, khi bản thân có thể bảo vệ chính mình và đứa con của mình. Bà Kế đáng ghét nhưng cũng đáng thương, khi mà chồng quá thương đứa con gái lớn là Tấm mà đối xử bất công với mẹ con Cám. Khi cả 3 người phụ nữ trong nhà gặp nạn, ông ta chỉ quan tâm đến vết thương của Tấm, mặc kệ cho mẹ con Cám cũng chịu nhiều đau đớn. Chính vì vậy, Bà Kế phải thỏa hiệp để sống trong ngôi nhà lý trưởng này, ngon ngọt với con riêng của chồng và ra tay đánh đập con ruột của mình, theo đúng như cách ông Hai Hoàng cư xử. Có như vậy, mẹ con bà mới có thể ở lại trong căn nhà ấy”.
Trong suốt nhiều cảnh phim rùng rợn của phim kinh dị Cám, cảnh quay khiến Thúy Diễm ám ảnh nhất chính là phân đoạn huyền thoại của cổ tích Tấm Cám: Mẹ kế ăn mắm làm từ thịt Cám. “Khi xem phim, nhìn vào hũ mắm có chứa con mắt của Cám, tôi tin khán giả sẽ thấy kinh khủng, buồn nôn, và tôi cảm thấy đáng sợ gấp 10 lần cảm giác ấy.
Con mắt chỉ là đạo cụ nhưng khi nhập vai và quay cảnh ngồi ăn uống, tôi chỉ cảm thấy những miếng thịt mắm mà mình vừa bỏ vào miệng nãy giờ, là thịt của con ruột mình. Nó như là sự trả giá cho những gì Bà Kế đã gây ra, và giờ đây, bà ta phải quằn quại đau đớn, cố móc họng để nôn ra hết những mảnh thịt đã nuốt vào. Đó thực sự là một cảnh phim khó để diễn tả được sự đau khổ kinh sợ thông qua nét diễn trên khuôn mặt, đồng thời cũng là cảnh hạ màn cho nhân vật Bà Kế này”.
Đối với dự án phim điện ảnh đầu tiên của mình sau 10 năm trở lại màn ảnh rộng, Thúy Diễm không kỳ vọng quá lớn lao, chỉ muốn chầm chậm đặt từng viên gạch nền móng: “Phim điện ảnh và truyền hình khác nhau hoàn toàn, và khán giả của từng thể loại cũng khác biệt. Chính vì thế, tôi không có áp lực rằng mình phải tạo nên một cú hit ấn tượng với doanh thu hàng trăm tỷ đồng hay vai diễn để đời đối với Bà Kế.
Tôi muốn chinh phục khán giả bằng diễn xuất và sự nghiêm túc với nghề, để người xem thấy được Thúy Diễm trên màn ảnh rộng có sự khác biệt với Thúy Diễm thường thấy ở trên tivi. Thời gian 15 năm đóng phim truyền hình là cũng khá lâu, nhưng hãy xem tôi là tân binh của điện ảnh, và sẽ luôn học hỏi, nỗ lực, trau dồi và lựa chọn những vai diễn mới mẻ khác biệt để mọi người thấy rằng, ở phim điện ảnh, Thúy Diễm rất khác với trên truyền hình”.
Lan Anh