Tiến Độ Cao Tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh: Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Để Tăng Tốc

Thứ hai, 30/09/2024 - 07:10

Sau 9 tháng thi công, cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đang gặp phải một số khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu đắp nền đường. Để đảm bảo tiến độ dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo đúng kế hoạch, doanh nghiệp dự án kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho việc thi công.


Tiến Độ Cao Tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh Mới Nhất

Khởi công ngày 1/1, cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh là dự án cao tốc mở đầu năm 2024 với nhiều kỳ vọng khởi sắc và bứt phá cho hạ tầng giao thông nước ta. Tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh giữ vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ nút thắt về giao thông cho tỉnh Cao Bằng khi chỉ có mỗi đường bộ, thiếu vắng đường sông, cảng biển và sân bay, giúp mở ra cánh cửa giao thương, kết nối kinh tế vùng Đông Bắc.

Tiến Độ Cao Tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh: Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Để Tăng Tốc- Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Ảnh: Tạp chí Môi trường & Cuộc sống

Sau 9 tháng thi công, tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã bước đầu thành hình, với dấu mốc quan trọng là mở cửa hầm đầu tiên trên cao tốc (cửa hầm phải phía Tây hầm số 2, mở ngày 21/6). Ngày 20/9, nhánh trái phía Bắc hầm 1 cũng đã khoan những mũi khoan đầu tiên để mở cửa hầm.

Hiện tại, dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đang triển khai tổng cộng 25 mũi thi công, huy động 284 máy móc, thiết bị và 768 kỹ sư, công nhân, đồng loạt tổ chức thi công theo các phân đoạn mặt bằng đã bàn giao.

Tiến Độ Cao Tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh: Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Để Tăng Tốc- Ảnh 2.
Mở cửa nhánh trái phía Bắc hầm 1 trên cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh ngày 20/9. Ảnh: Tập đoàn Đèo Cả

Tuy nhiên, tiến độ dự án vẫn còn khá chậm do gặp phải những khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thiếu cát đắp nền – bài toán chung của nhiều dự án cao tốc đang triển khai trên cả nước. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi, mưa lũ trên diện rộng gây sạt lở đất tại Cao Bằng cũng gây nhiều trở ngại cho thi công, làm chậm tiến độ dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.

Về công tác giải phóng mặt bằng, tính đến tháng 7/2024, dự án còn thiếu khoảng 110 ha chỉ tiêu đất giao thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Nhằm đảm bảo tiến độ dự án, đại diện Công ty cổ phần cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (doanh nghiệp dự án) kiến nghị chính quyền địa phương rà soát các dự án sử dụng đất giao thông chưa đủ điều kiện để triển khai, ưu tiên phân bổ đủ chỉ tiêu đất giao thông cho dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Doanh nghiệp dự án cũng đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo HĐND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với HĐND tỉnh Cao Bằng sắp xếp thông qua phân bổ nguồn vốn, đảm bảo hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 10/2024.

Để giải quyết vấn đề thiếu vật liệu đắp nền, đại diện doanh nghiệp dự án cũng đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn sớm tổ chức giải phóng mặt bằng các mỏ vật liệu đắp theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết 106/2023/QH15; làm việc với các chủ mỏ cát, đá, tạo điều kiện để các mỏ nâng cao công suất khai thác và bình ổn giá vật liệu.

Quy Hoạch Dự Án Cao Tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là công trình xây dựng thuộc nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2020. Đến tháng 1/2023, dự án được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023.

Bản Đồ Cao Tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

Dự án đường cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 có chiều dài 93,3km, bắt đầu từ nút giao cửa khẩu Tân Thanh thuộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến nút giao Quốc lộ 3 thuộc huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Ở giai đoạn này, cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh có nền đường 17m đối với các đoạn thông thường và 13,5m với các đoạn có địa hình phức tạp.
  • Giai đoạn hoàn thiện gồm 27,7km còn lại, kết nối đến cửa khẩu Trà Lĩnh thuộc huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Ở giai đoạn hoàn thiện, các đoạn nền đường 13,5m ở giai đoạn 1 sẽ được đầu tư mở rộng lên 17m, bố trí các vị trí dừng xe mỗi 500m.
Tiến Độ Cao Tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh: Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Để Tăng Tốc- Ảnh 3.
Bản đồ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh qua các địa phận thuộc khu vực Đông Bắc. Ảnh: Tập đoàn Đèo Cả

Dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công-tư). Chủ đầu tư giai đoạn 1 của dự án này là Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả-Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam-Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả-Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 568.

Tổng mức đầu tư cho dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là 23.000 tỷ đồng, tính riêng giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng. Trong đó UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vốn ngân sách (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách của tỉnh) tham gia dự án này vào khoảng 9.800 tỷ đồng. Nguồn vốn do các nhà đầu tư huy động đạt hơn 4.451 tỷ đồng.

Theo quy hoạch ban đầu, dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài 144 km, tổng vốn đầu tư lên tới trên 47.000 tỷ đồng. Dự án được đánh giá là rất khó về mặt kỹ thuật do địa hình thi công hiểm trở, vốn đầu tư lớn nên không dễ thực hiện. Sau đó, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất phương án điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh với 4 hầm xuyên núi và các hầm vượt thung lũng, giảm chiều dài xuống còn 121km, tổng vốn đầu tư còn 23.000 tỷ đồng, bằng một nửa so với quy hoạch ban đầu.

Chiều dài toàn tuyến121km
Điểm bắt đầuNút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn
Điểm kết thúcCửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng
Số làn2-4 làn
Vận tốc thiết kế80km/h
Tổng vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 14.331 tỷ đồng
Chủ đầu tưLiên danh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty CP Đầu tư và xây dựng ICV Việt Nam, Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả – Công ty CP Xây dựng Công trình 568
Năm khởi công2024
Năm hoàn thànhDự kiến 2026 hoàn thành giai đoạn 1
Thông tin quy hoạch dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh

Đề Xuất Đầu Tư Giai Đoạn 2 Cao Tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh

Dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được chia thành 2 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 93,3km dự kiến sẽ hoàn thành, đi vào khai thác từ năm 2026 và tùy theo tình hình thực tế để tiếp tục nghiên cứu triển khai giai đoạn 2. Xác định tầm quan trọng và sự cần thiết phải hoàn thành dự án càng sớm càng tốt để có tuyến đường kết nối nhanh chóng đến tỉnh Cao Bằng, liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả cùng ba doanh nghiệp khác đã đề xuất đầu tư đồng bộ cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh lên 4 làn xe hoàn chỉnh trong giai đoạn 2. Phương án đầu tư giai đoạn 2 được đề xuất cụ thể như sau:

  • Đầu tư mới Km93 350 – Km121 060 giai đoạn 2024 – 2028 với quy mô nền=17m theo phương thức PPP (Theo Quyết định 20/QĐ-TTg ngày 16/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ);
  • Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong TMĐT không quá 70% (theo Nghị quyết số 106/2023/QH15);
  • UBND tỉnh Cao Bằng bố trí vốn triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi, tổ chức thực hiện từ Quý 3/2024.
Tiến Độ Cao Tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh: Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Để Tăng Tốc- Ảnh 4.
Thi công cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh đoạn qua xã Lê Lai, huyện Thạch An. Ảnh: Báo Cao Bằng

Cao Tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh Sẽ Mở Cánh Cửa Giao Thương Vùng Đông Bắc

Sau khi thông xe, đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ giúp kết nối tỉnh Cao Bằng với các trung tâm lớn của miền Bắc, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và toàn vùng Đông Bắc, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.

Nằm tại vị trí chiến lược quan trọng của khu vực biên giới phía Bắc, với hơn 333km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, 6 cửa khẩu và 3 lối mở biên giới, tỉnh Cao Bằng có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, Cao Bằng hiện vẫn là một trong những địa phương có GDP bình quân đầu người thấp so với bình quân cả nước, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Từ Cao Bằng hiện chỉ có 2 tuyến quốc lộ để tiếp cận các thành phố, trung tâm lớn của miền Bắc là Quốc lộ 3 (Hà Nội – Thái Nguyên – Bắc Kạn – Cao Bằng) và Quốc lộ 4A (Hà Nội – Lạng Sơn – Cao Bằng), với thời gian di chuyển từ 6 – 7 giờ, đi qua nhiều khu vực có địa hình hiểm trở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Tiến Độ Cao Tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh: Nỗ Lực Tháo Gỡ Khó Khăn Để Tăng Tốc- Ảnh 5.
Tỉnh Cao Bằng sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: Vietjetair

Khi cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được đưa vào khai thác sẽ giúp kết nối Cao Bằng với Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc dễ dàng, tiết kiệm thời gian hơn. Ngoài ra, nhờ vị trí cửa ngõ giao thương hàng hóa – đặc biệt là nông sản – từ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và các tỉnh phía Tây, Tây Nam Trung Quốc ra biển và đến các nước trong khu vực ASEAN, Cao Bằng với động lực mới từ cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa giao thương vùng Đông Bắc. Trong tương lai, Cao Bằng sẽ là cửa ngõ, mắt xích quan trọng trong các chuỗi kết nối như các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc – Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng; kết nối với Hà Giang-Tuyên Quang; kết nối với Bắc Kạn-Thái Nguyên,… Mục tiêu xa hơn nữa là hình thành tuyến vận tải hướng Nam kết nối các nước ASEAN đi Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc sang các nước Trung Á và châu Âu.

Đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh cũng góp phần hình thành mạng lưới kết nối các trục ngang tuyến trong hệ thống giao thông đường bộ Việt Nam, phát huy hiệu quả các dự án cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế phía Bắc, tạo động lực, không gian phát triển cho toàn vùng Đông Bắc. Đây cũng là động lực mới, mở ra tiềm năng phát triển cho thị trường mua bán nhà đất Cao Bằng, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng hiện đại, đồng bộ.

Quãng đường từ thủ đô Hà Nội đến tỉnh Cao Bằng dài 280 km, thời gian đi xe ô tô hiện tại mất khoảng 5-6 giờ. Theo ước tính, sau khi các tuyến cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, Đồng Đăng – Trà Lĩnh hoàn thành, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Cao Băng sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 2-2,5 giờ.

Lan Chi


    batdongsan