Tiếng khóc chào đời giữa ranh giới sống còn của người mẹ mắc bệnh tim

Thứ năm, 15/05/2025 - 14:44

Chiều ngày 22/4/2025, chiếc xe cấp cứu hú còi lao nhanh vào khu cấp cứu của Bệnh viện Từ Dũ. Trên băng ca là một sản phụ trẻ, gương mặt nhợt nhạt, nhịp thở dồn dập, ánh mắt hoảng hốt. Đó là chị N.T.H.N, 32 tuổi, quê ở Tiền Giang, mang thai lần ba và đang đối mặt với một tình trạng hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm: bệnh cơ tim chu sinh – một dạng suy tim đặc biệt có thể gây đột tử nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Những dấu hiệu thầm lặng của căn bệnh nguy hiểm

Chị N. từng có hai lần sinh mổ an toàn, lần mang thai thứ ba cũng diễn ra bình thường cho đến gần cuối thai kỳ. Khi thai đã hơn 36 tuần, chị bắt đầu cảm thấy mệt, ho, khó thở – những triệu chứng dễ bị nhầm với tình trạng thai lớn chèn ép cơ hoành hoặc viêm phổi nhẹ. Nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn, khiến chị không thể sinh hoạt bình thường. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, chị đến khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.

Tiếng khóc chào đời giữa ranh giới sống còn của người mẹ mắc bệnh tim- Ảnh 1.

Tại đây, bác sĩ phát hiện chỉ số oxy máu của chị giảm, nghi ngờ viêm phổi cộng đồng nhưng đồng thời lưu ý đến biểu hiện suy tim rõ rệt. Sau khi tiến hành các cận lâm sàng, chị được chẩn đoán suy tim, bệnh cơ tim chu sinh và suy hô hấp, phải khẩn cấp chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ để theo dõi và xử trí sản khoa.

Cuộc chạy đua với tử thần

Khi nhập viện Từ Dũ, chị N. thở rất khó, phải nằm đầu cao, phổi có nhiều ran nổ hai bên, chỉ số SpO₂ chỉ còn 91%. Tim thai vẫn ổn định, khoảng 125 lần/phút. Tuy nhiên, qua siêu âm tim tại giường, bác sĩ phát hiện buồng tim giãn, thất trái giảm động, phân suất tống máu chỉ còn 25% (mức bình thường là trên 55%). Kèm theo đó là dấu hiệu phù phổi và tĩnh mạch chủ dưới giãn nhẹ – tất cả đều chỉ ra suy tim độ IV theo phân loại NYHA – mức nặng nhất, nguy cơ tử vong cao nếu không xử trí sớm.

Bệnh nhân mang thai 36 tuần 4 ngày, con lần ba, vết mổ cũ hai lần, ngôi thai thuận, chưa chuyển dạ. Tuy nhiên, tình trạng tim mạch không cho phép tiếp tục kéo dài thai kỳ. Cuộc hội chẩn giữa các bác sĩ sản khoa Bệnh viện Từ Dũ và chuyên gia tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy nhanh chóng đi đến thống nhất: phải mổ lấy thai cấp cứu để cứu mẹ và con, dù biết rằng nguy cơ tử vong trong và sau mổ là rất lớn.

Gây tê ngoài màng cứng – lựa chọn sinh tử

Với một bệnh nhân có chức năng tim yếu như chị N., việc lựa chọn phương pháp vô cảm là một thách thức cực lớn. Gây mê toàn thân bị loại bỏ do dễ làm suy hô hấp và tim ngừng đột ngột. Gây tê tủy sống cũng không khả thi, vì nguy cơ tụt huyết áp đột ngột cao.

Tiếng khóc chào đời giữa ranh giới sống còn của người mẹ mắc bệnh tim- Ảnh 2.

Cuối cùng, phương án an toàn nhất là gây tê ngoài màng cứng, cho phép điều chỉnh liều thuốc từ từ, kiểm soát huyết động chặt chẽ, giảm nguy cơ tụt huyết áp và duy trì giảm đau hậu phẫu qua catheter. Kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ gây mê – hồi sức phải tính toán chính xác đến từng mililit thuốc, từng nhịp tim, từng phản ứng huyết áp.

Chị N. được hỗ trợ vận mạch bằng Dobutamin, lợi tiểu và dịch truyền được chuẩn bị sẵn sàng. Phòng mổ được trang bị đầy đủ phương tiện hồi sức tim mạch – hô hấp. Ekip gây mê – hồi sức theo dõi sát sao, sẵn sàng đối phó mọi tình huống xấu nhất.

Ca mổ “cân não”

Lúc 16 giờ 30 phút ngày 22/4/2025, ca phẫu thuật bắt đầu. Áp lực trong phòng mổ như đè nặng lên từng đôi tay. Các bác sĩ gây mê kiểm soát dịch truyền nghiêm ngặt, đặc biệt trong khoảnh khắc lấy thai ra – thời điểm dòng máu từ tử cung quay trở lại hệ tuần hoàn mẹ tăng vọt, có thể gây phù phổi cấp hoặc sốc tim. Oxytocin được truyền nhỏ giọt từ từ để tránh co hồi tử cung đột ngột. Furosemide được chuẩn bị sẵn để xử lý nếu xuất hiện dấu hiệu ứ trệ tuần hoàn.

Khi tiếng khóc chào đời vang lên, cả phòng mổ như thở phào. Em bé chào đời khỏe mạnh, chị N. vẫn tỉnh táo, không có biến cố nguy hiểm nào xảy ra. Sau hơn 50 phút phẫu thuật đầy căng thẳng, ca mổ kết thúc thành công.

Hồi phục ngoạn mục sau sinh

Sau mổ, chị N. được chuyển đến phòng hồi sức tích cực. Dù vẫn còn khó thở nhẹ, nhưng tình trạng cải thiện rõ rệt qua từng giờ. Đến ngày hôm sau, chị đã bớt ho, không còn cảm giác khó thở, các chỉ số sinh tồn ổn định, ăn uống được. Ba ngày sau mổ, chị đã khỏe nhiều hơn, vết mổ khô, không đau, vận động tốt.

Tiếng khóc chào đời giữa ranh giới sống còn của người mẹ mắc bệnh tim- Ảnh 3.

Sau một tuần, chị được xuất viện, được hướng dẫn tái khám định kỳ tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục theo dõi chức năng tim – một yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa tái phát bệnh cơ tim chu sinh trong tương lai.

Bài học từ ca bệnh hiếm gặp

Bệnh cơ tim chu sinh là tình trạng suy tim xuất hiện trong thời gian cuối thai kỳ hoặc trong vòng vài tháng sau sinh, không có nguyên nhân rõ ràng và thường xảy ra ở phụ nữ không có tiền sử bệnh tim mạch. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong của mẹ và thai nhi rất cao.

Ca bệnh của chị N. là minh chứng cho giá trị của sự phối hợp liên viện nhanh chóng, chính xác và hiệu quả giữa hai bệnh viện tuyến cuối: Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đó là sự kết hợp giữa kiến thức chuyên sâu của chuyên gia tim mạch, bản lĩnh của ekip sản khoa, sự tinh tế trong kỹ thuật gây mê – hồi sức và tinh thần quyết đoán, kịp thời trong tình huống nguy cấp.

Ca phẫu thuật thành công không chỉ cứu sống hai mẹ con, mà còn mang đến niềm hy vọng cho nhiều phụ nữ mang thai mắc bệnh tim hiếm gặp. Đó cũng là minh chứng cho năng lực của hệ thống y tế Việt Nam trong xử lý các tình huống y khoa phức tạp nhờ vào liên kết chuyên khoa và liên viện hiệu quả.

Tấn Tài