Tiếp cận mới về điều trị thiếu sắt và thiếu máu ở sản phụ khoa

Thứ sáu, 10/02/2023 - 09:40

TNV - Có đến 40-50% phụ nữ mang thai bị thiếu sắt/thiếu máu thiếu sắt và đây được xem là một đe dọa nghiêm trọng trong sản khoa.

Ds Nguyễn Thị Thúy Anh trình bày tại buổi sinh hoạt chuyên đề tại BV PS Mê- Kông

Hiện nay, sắt đường uống vẫn là lựa chọn đầu tay trong dự phòng và điều trị thiếu sắt/thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên, sắt uống vẫn còn có một số hạn chế về dung nạp cũng như không đáp ứng được yêu cầu bổ sung nhanh lượng sắt thiếu hụt trong thời gian ngắn. Vì vậy, dự phòng và điều trị bằng sắt truyền tĩnh mạch liều cao hứa hẹn là một giải pháp tiềm năng cho những đối tượng này.

Bệnh viện PHỤ SẢN MÊKÔNG sinh hoạt chuyên đề “Dự phòng – Điều trị thiếu máu thiếu sắt trong sản phụ khoa”do Bệnh việnPHỤ SẢN MÊKÔNG tổ chức.


Thiếu sắt/thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ vẫn đang là một vấn đề sức khỏe toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 40 – 50% phụ nữ mang thai bị thiếu sắt do nhiều nguyên nhân. Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo, 36,8% phụ nữ mang thai tại Việt Nam bị thiếu máu, trong đó có đến 75% nguyên nhân thiếu máu là do thiếu sắt. Đặc biệt ở 3 tháng cuối thai kỳ, cứ trong 3 phụ nữ mang thai thì có 2 người bị thiếu sắt.

Nguyên nhân khiến thai phụ dễ bị thiếu sắt, thiếu máu là do nhu cầu sắt trong giai đoạn này tăng cao. Người mẹ thường cần bổ sung một lượng sắt gấp đôi (khoảng 1.240mg cho một thai kỳ bình thường) nhằm đảm bảo cho sự phát triển của nhau và thai, tạo ra hemoglobin – phân tử protein quan trọng trong các tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy cho mẹ và thai nhi. Ngoài ra, một lượng lớn sắt cũng sẽ được người mẹ tái sử dụng để dự trữ, khi khối lượng hồng cầu của người mẹ sau sinh giảm về mức trước khi có thai.

Tình trạng thiếu sắt/thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi cơ thể người mẹ có mức dự trữ sắt thấp hoặc không có; và càng trở nên nghiêm trọng khi không bổ sung đủ sắt trong thai kỳ qua chế độ ăn uống hoặc các sản phẩm thuốc hỗ trợ. Các dấu hiệu cho thấy người mẹ có thể bị thiếu sắt, thiếu máu bao gồm: hay đau đầu, mệt mỏi; da khô, nhợt nhạt; tay chân lạnh; rụng tóc; hay cáu gắt; móng tay móng chân dễ gãy; xuất hiện vết máu bầm dưới da không rõ lý do; khó thở, khả năng miễn dịch yếu; trí nhớ kém; hay bị nhiệt miệng…

Thiếu sắt/thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với cả mẹ và bé. Trong một cuộc khảo sát đa quốc gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trên 300.000 phụ nữ, thiếu máu thiếu sắt là nguyên nhân gián tiếp phổ biến nhất (50%) gây ra các kết cục xấu cho cả hai.
Theo đó, đối với người mẹ, thiếu sắt/thiếu máu thiếu sắt sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật, vỡ ối sớm, nhau tiền đạo, nhau bong non, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, giảm miễn dịch, trầm cảm sau sinh… Đối với thai nhi, thiếu sắt/thiếu máu thiếu sắt dễ khiến thai có nguy cơ cao suy dinh dưỡng bào thai, suy thai, sinh non, nhẹ cân, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí lực của trẻ sau này, khiến trẻ dễ mắc phải các bệnh lý sơ sinh đặc biệt là bệnh về tim…

Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề “Dự phòng - Điều trị thiếu máu, thiếu sắt trong sản phụ khoa”

Ngày 08/02/2023 BỆNH VIỆN PHỤ SẢN MÊKÔNG đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề “Dự phòng – Điều trị thiếu máu thiếu sắt trong sản phụ khoa” với sự trình bày của DS. Nguyễn Thị Thúy Anh và sự tham dự của gần 100 nhân viên các khoa, phòng.

Nội dung buổi sinh hoạt bao gồm:

-  Dịch tễ học, nguyên nhân, hậu quả;

- Chẩn đoán, sàng lọc thiếu sắt/thiếu máu thiếu sắt;

- Dự phòng và điều trị thiếu sắt/thiếu máu thiếu sắt;

- Lựa chọn chế phẩm chứa sắt tại Bệnh viện.

Buổi sinh hoạt định kỳ giúp cập nhật một số thông tin mới cho sự lựa chọn thuốc và các chế phẩm hiện nay đang rất phong phú, điều này giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn.

Tấn Tài