TNV - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Quốc Cường cho biết, Cổng thông tin 1022 hiện tại có sự tham gia của 86 đơn vị 625 đầu mối để cung cấp thông tin cho người dân. Quy trình xử lý được giám sát để bảo đảm thông tin được chuyển đến các cấp chính quyền kịp thời.
Để phục vụ công tác phòng, chống dịch, cổng thông tin 1022 tổ chức các kênh bao gồm:
- Phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 0);
- Gửi ý kiến góp ý, hiến kế của người dân gửi đến Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 1);
- Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 2);
- Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (gọi 1022 – nhấn phím 3);
- Kết nối với Mạng lưới tình nguyện viên tiếp nhận thông tin hỗ trợ về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (gọi 1022 – nhấn phím 4).
Hiện nay, Cổng thông tin 1022 đã có 05 kênh tiếp nhận chính, bao gồm thoại, thư điện tử, website, ứng dụng di động và mạng xã hội (Facebook, Zalo).
Theo thống kê, Cổng thông tin 1022 đã tiếp nhận và chuyển hơn 47.000 tin phản ánh, tin báo của người dân liên quan đến các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đến UBND TP Thủ Đức, quận - huyện và cơ quan chức năng các cấp. Hơn 80% số tin đều được các cơ quan, đơn vị xử lý, giải đáp và cung cấp thông tin cho người dân kịp thời.
Tấn Tài