Tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 06/CĐ-TTg ngày 15/1/2024 về việc nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững, trong đó bao gồm nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác với Tổ chức Du lịch thế giới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thống kê du lịch ở Trung ương và địa phương.
Qua tìm hiểu, đại biểu cho hay, từ năm 2009, Bộ VHTT&DL đã chủ động nghiên cứu, hình thành phương pháp luận về xây dựng hệ thống thống kê du lịch ở Việt Nam theo mô hình Tài khoản vệ tinh du lịch. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, những khó khăn và giải pháp đột phá của Bộ trưởng trong việc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ bổ sung, hoàn thiện công tác thống kê du lịch để xác định rõ vị trí của ngành du lịch trong tổng thể phát triển của nền kinh tế quốc dân và của các địa phương.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, thống kê là công cụ quản lý vĩ mô quan trọng, giúp nắm thông tin để đánh giá, định hướng, từ đó hoạch định chính sách. Vì vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm lĩnh vực này. Trong lĩnh vực du lịch, Bộ VHTT&DL đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 06/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch để đánh giá, hoạch định chính sách và thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.
Từ khi có Công điện của Thủ tướng Chính phủ đến nay, công tác thống kê cũng đã đi vào nề nếp, các số liệu được thống kê cũng chính xác hơn. Để phục vụ công tác hoạch định chính sách, cũng như công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, Bộ VHTT&DL đã thực hiện một số công việc, trong đó có 6 nhóm lĩnh vực: về lượng khách quốc tế, về lượng khách nội địa, về chi tiêu của khách quốc tế, về chi tiêu của khách nội địa, về doanh thu dịch vụ ăn uống và doanh thu của lữ hành. Các số liệu này trong báo cáo định kỳ hàng tháng của Tổng cục Thống kê cung cấp cho các cơ quan đã đầy đủ số liệu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số khó khăn, như: ngoài hệ thống cán bộ chuyên trách làm công tác này được quy định trong pháp luật, hiện nay các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không có cán bộ chuyên trách làm công tác thống kê. Hơn nữa, kinh phí để bố trí cho công tác điều tra, chọn mẫu, nghiên cứu, phân tích cũng chưa được quan tâm đúng mức. Công nghệ thông tin, hạ tầng phần mềm kết nối để đảm bảo tính liên thông và chia sẻ dữ liệu cũng còn nhiều khó khăn.
Vì vậy, thời gian tới, Bộ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Công điện số 06 của Thủ tướng Chính phủ; lựa chọn các nhóm giải pháp mà tổ chức du lịch quốc tế đang khuyến cáo cho tất cả các quốc gia là nên ứng dụng tài khoản vệ tinh du lịch để đưa vào thống kê.
Đồng thời tiếp tục phối hợp với Bộ Công an sử dụng dữ liệu trong Đề án 06 về Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, từ đó có cơ sở dữ liệu về du lịch để hoạch định chính xác hơn. Phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê thêm về nhu cầu của du khách như: hàng hóa nông sản, mua sắm để tính toán thêm lượng chỉ tiêu về khách du lịch này.
Hải Liên/Chinhphu