Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có những bước khởi động, đưa môn tiếng Anh vào là môn học chính thức từ lớp 3, thực hiện một chương trình thống nhất từ lớp 3 đến lớp 12, tiếng Anh trở thành môn học chính thức.
Tuy nhiên, kết quả cũng còn nhiều hạn chế. Rõ nhất là việc dạy và học trong các trường kết quả chưa thật cao, thậm chí ở nhiều địa bàn, nhiều cơ sở giáo dục, nhiều nhóm đối tượng, chất lượng dạy học ngoại ngữ nói chung và dạy tiếng Anh rất thấp.
Nhận diện những khó khăn từ việc triển khai tiếng Anh trong các trường học, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chúng ta vẫn đang thiếu giáo viên tiếng Anh, đặc biệt là vùng miền núi. Bên cạnh đó, về nhận thức, còn các bậc phụ huynh, giáo viên vẫn nghĩ tiếng Anh là môn học chỉ cần "qua" mà không ý thức tiếng Anh góp phần quan trọng tạo sức cạnh tranh, vươn ra quốc tế. Điều này rất khó tạo được sức bật, nâng cao chất lượng sử dụng tiếng Anh trong phát triển nghề.
Dưới góc nhìn của một tổ chức giáo dục tư nhân, TS. Đàm Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EQuest, đơn vị hiện nay đang quản lý nhiều hệ thống trường học phổ thông tư thục trên toàn quốc với mô hình đào tạo song ngữ chia sẻ, việc triển khai tiếng Anh qua các chương trình mới, theo quy định pháp luật hiện hành phải trải qua khá nhiều bước, thông thường mất 1-2 năm để xin phê duyệt triển khai, làm tăng chi phí cho các trường.
Phân tích sâu hơn, TS. Đàm Quang Minh cho biết, có khá nhiều chương trình phối hợp với các trường công lập, dạy Toán hoặc Khoa học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, theo khung pháp lý hiện tại mới chỉ đưa được vào 2 tiết/tuần. Con số này là quá ít, nên để triển khai tốt cần tăng lên 4-6 tiết, thậm chí 8 tiết/tuần.
TS. Đàm Quang Minh cũng chỉ ra rằng, phụ huynh Việt Nam rất chịu khó đầu tư cho giáo dục, đặc biệt môn tiếng Anh, đây là một trong những điểm mạnh của giáo dục tiếng Anh của nước ta.
Cần các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy dạy và học tiếng Anh
Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học là vấn đề lớn và khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống, học tập và làm việc còn thiếu thốn.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng nhiệm vụ chuyển đổi và nỗ lực để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là hoàn toàn khả thi nếu có quyết tâm cao, với chiến lược rõ ràng và sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức giáo dục tư nhân với những tiên phong và sáng tạo trong việc kết hợp công nghệ và kinh nghiệm, phương pháp đào tạo từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
TS. Đàm Quang Minh đã chia sẻ câu chuyện năm 2023 của Tập đoàn EQuest với chương trình đào tạo 4.000 học sinh của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) về dạy môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh. Chương trình có sự đồng hành của giáo viên EQuest, 146 giáo viên tiếng Anh của các trường và đã đạt được kết quả khả quan, với 70% học sinh hoàn thành môn Khoa học bằng tiếng Anh, 77% học sinh hoàn thành môn Toán bằng tiếng Anh.
"Chúng ta từng nghĩ rằng việc triển khai tại vùng sâu vùng xa, cho học sinh dân tộc nội trú - nơi tiếng Việt không phải tiếng mẹ đẻ sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng nếu nghiên cứu nghiêm túc, có đầu tư một cách hợp lý, việc này không phải không làm được", TS. Đàm Quang Minh nhấn mạnh.
Để thúc đẩy việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo tinh thần Kết luận 91 của Bộ Chính trị, từ những thực tế triển khai tiếng Anh trên diện rộng, đến các vùng sâu, vùng xa của Tập đoàn Giáo dục EQuest, TS. Đàm Quang Minh đề xuất một số giải pháp thiết thực với thực trạng của Việt Nam.
Thứ nhất, cần hoàn thiện hành lang pháp lý với những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc triển khai các chương trình đào tạo tiếng Anh, đặc biệt là chương trình song ngữ.
Thứ hai, cần có sự đầu tư bài bản, đồng bộ vào việc đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng chương trình, tài liệu giảng dạy và cơ sở vật chất.
Thứ ba, cần khuyến khích ứng dụng các nền tảng công nghệ trong dạy và học tiếng Anh, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Cuối cùng, cần tăng cường hợp tác công - tư, thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và mô hình đào tạo tiếng Anh hiệu quả giữa các trường công lập và tư thục.
Chúng ta cũng có thể kết hợp 2 bài học lớn của các quốc gia. Đó là học tập Singapore có những chương trình mang tính quốc gia về Tiếng Anh, và học Ấn Độ triển khai sử dụng công nghệ để phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn. Khi ta nâng tầm được tiếng Anh ở tất cả các địa bàn, toàn bộ hệ thống sẽ được hưởng lợi từ nền tảng đó.
Lê Nguyễn/chinhphu