Tình ca Tây Bắc - bài hát hay về mùa xuân Tây Bắc

Thứ tư, 25/01/2017 - 10:25

Tình ca Tây Bắc tải xuống (1) Tình ca Tây Bắc “Rừng cây xanh lá muôn đoá hoa mai mừng đón xuân về. Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa. Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn. Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa khúc ca rộn vang...” “Cỏ non xanh rợn chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Em là dòng sông Mã. Anh là suối Mường Hum. Cho thuyền em ngược dòng, gió đưa em về núi” Em là dòng sông Mã Rừng cây xanh lá...).

tải xuống Nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh Về sự ra đời của bài hát, tác giả kể: Đó là năm 1957, khi ấy ông là diễn viên hát của đòan Ca múa nhân dân Trung ương (nay là nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Tự thấy mình có giọng hát chỉ rất bình thường, không phải là lít (đơn ca) như Quốc Hương cùng đoàn, chàng diễn viên hát tốp ca nảy ý định chuyển sang nghề sáng tác hoặc nghiên cứu âm nhạc. Anh chàng bèn đề xuất với lãnh đạo lên Hoà Bình một thời gian để sưu tầm, nghiên cứu dân ca. Được chấp thuận, Bùi Đức Hạnh khăn gói lên đường. Đến Hoà Bình, ông đọc được bài thơ cuả tác giả Cầm Giang có nhan đề Em là dòng sông Mã, anh là suối Mường Hum in trên báo. Thấy bài thơ giàu yếu tố nhạc điệu, nhiều câu hay, đồng cảm, ông bèn nảy ý định sẽ phổ thành bài hát. Nhưng bài thơ dài những 64 câu, không thể phổ nguyên xi nên ông quyết định chỉ phỏng theo thơ để tạo thành tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, những câu thơ ông tâm đắc nhất đã được giữ để thành lời ca của bài hát: “Em hãy về bên suối, đợi anh ở bên khuông. Anh làm no lòng mường, em làm vui ấm bản” “Anh là rừng xanh thắm, em là suối ngàn sâu. Cây rừng anh làm cầu, vắt ngang qua dòng suối. Khi nắng mùa xuân tới, rừng anh in bóng suối em...” Với một bài thơ rất dài như vậy, Bùi Đức Hạnh đã tạo ra một ca khúc ở thể 3 đoạn có sự thống nhất hài hoà, quả là một việc không dễ dàng (ca khúc ở thể 3 đoạn thường khó viết, nếu không khéo dễ bị “đầu Ngô mình Sở”, không bảo đảm được tính lô-gíc, hài hoà cuả giai điệu trong quá trình phát triển). Tác giả cũng tiết lộ rằng khi viết Tình ca Tây Bắc , ông hoàn toàn chỉ là nghiệp dư về sáng tác với chút ít hiểu biết về nhạc lý, mới chỉ võ vẽ ký, xướng âm vì là diễn viên đứng trong tốp ca, không hát được đơn ca. Vậy mà ngay từ sáng tác đầu tay, ông đã cho ra được một tác phẩm để đời, lộ rõ một tài năng đặc biệt trong lĩnh vực phổ thơ. Rất thật thà, ông kể: Sau khi hoàn thành bài hát, ông có đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương khi ấy là trưởng đoàn Ca múa nhân dân Trung ương (sếp của ông) xem. Lúc này, Nguyễn Văn Thương đã rất nổi tiếng với Đêm đông, Bình Trị Thiên khói lửa, vừa là cấp trên, vừa là bậc thầy nên Bùi Đức Hạnh muốn được ông chỉ bảo, góp ý cho tác phẩm của mình. Nguyễn Văn Thương đã khen nhưng nói Bùi Đức Hạnh sửa đoạn B (từ chỗ “Em là dòng sông Mã” đến hết câu “Em làm vui ấm bản ”) theo hướng cho giãn tiết tấu hơn so với đoạn A, bởi nếu không sẽ không nổi rõ thể 3 đoạn, sẽ khiến người nghe thấy đoạn A bị kéo dài quá, nhàm. Tác giả đã nghe theo và hôm nay ông vẫn còn biết ơn mãi việc này. Ông nói: “- Không có Nguyễn Văn Thương góp ý, bài hát sẽ không thể có số phận tốt đẹp như đã có. Tôi mãi mãi nhớ ơn ông.” Quả là một tấm lòng, một tình cảm không dễ có đối với ngưòi tiền bối đã quá cố. Khi tôi hỏi Bùi Đức Hạnh về sự quá nổi tiếng của Tình ca Tây Bắc rằng tác giả có bỏ công sức đi tuyên truyền, dàn dựng, phổ biến tác phẩm ở nhiều nơi không thì ông cho biết: Sau khi hoàn chỉnh bài hát, ông gửi đến Ban Âm nhạc Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Ông gửi vậỵ nhưng cũng không tin là bài được sử dụng vì lúc ấy chỉ là một diễn viên hát tốp ca, còn vô danh, khó được người ta để ý, khả năng văn bản bị ném vào... sọt rác là rất dễ xảy ra. Không ngờ khi trở lại Hoà Bình chỉ sau đó ít ngày, ông thấy tác phẩm cuả mình được vang trên làn sóng và nhanh chóng lan truyền. Lãnh đạo khu vực Tây Bắc (khi ấy là Khu tự trị Tây Bắc) đã coi ca khúc này là bài hát chính thức, là “ khu ca ” (như quốc ca, tỉnh ca ). Về sau bài hát được nhiều đoàn văn công dàn dựng, biểu diễn khắp nơi, cả ở nước ngoài. Đã có rất nhiều nghệ sĩ biểu diễn bài hát này trong đó phải kể đến cặp song ca Bích Liên - Kiều Hưng đã gây được ấn tượng đặc biệt. Chất giọng trong sáng, long lanh như sương của Bích Liên hòa quyện vào chất ngọt ngào, đằm thắm của Kiều Hưng đã diễn tả được hết vẻ đẹp kiều diễm cuả Tình ca Tây Bắc . Nghe kỹ bài hát qua sự thể hiện của hai nghệ sĩ trên, người nghe thấy có cái gì đó vừa náo nức lại bâng khuâng, vừa xốn xang lại bịn rịn, vừa rộn rã, muốn vút lên lại như thâm trầm, lắng đọng... Rất nhiều cảm giác, tâm trạng hòa trộn mà nhạc sĩ đã tạo dựng được trong giai điệu đầy sức tìm tòi, sáng tạo. Điều thú vị nữa là bài hát không dựa hẳn vào một làn điệu dân ca nào của Tây Bắc nhưng nổi rất rõ phong vị âm nhạc cuả xứ sở này, không thể lẫn lộn với Việt Bắc hoặc bất cứ địa phương nào. Chất xoè Thái chỉ loáng thoáng xuất hiện ở đoạn C (có tiết tấu 6/8). Đây thực sự là một ca khúc đáng để cho những người mới cầm bút sáng tác có thể khai thác, học tập được rất nhiều điều về việc tìm tòi, sáng tạo giai điệu, bố cục tác phẩm, đặc biệt là về nghệ thuật phổ thơ. Đã gần 60 năm trôi qua, Tình ca Tây Bắc vẫn là bài hát hay nhất về Tây Bắc, tính đến ngày hôm nay và là một trong những bài hát đặc sắc viết về mùa xuân, về quê hương đất nước. Riêng nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh đã có được một sản phẩm tinh thần vô giá, khó có gì có thể so sánh. Sau này, ông trở thành nổi tiếng trong làng chèo với rất nhiều thành tựu về quản lý và sáng tác ở lĩnh vực này, nhưng chỉ với Tình ca Tây Bắc , tên tuổi ông đã không thua kém bất cứ nhạc sĩ trứ danh nào trong lĩnh vực sáng tác ca khúc. Thôn Ca