Tình cảnh bấp bênh của Ukraine
Nhiều quan chức và nhà phân tích phương Tây cho rằng điều tốt nhất Ukraine có thể hy vọng vào năm 2024 chỉ đơn giản là giữ vững phòng tuyến. Cách đây 1 năm, Ukraine tràn đầy tự tin trong nỗ lực ngăn cản Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ. Các quốc gia phương Tây, kỳ vọng vào thành công của Kiev, đã cam kết sẽ viện trợ để giúp nước này xuyên thủng phòng tuyến của Nga.
Tuy nhiên, dòng chảy vũ khí mà Ukraine cần từ phương Tây đang vào rất chậm và không thể dự đoán được. Các quan chức quân sự hàng đầu Kiev cho biết, hoạt động sản xuất vũ khí đang sa lầy vào tình trạng quan liêu và cơ cấu chỉ huy của quân đội không thay đổi đủ nhanh để quản lý một lực lượng đã mở rộng từ 200.000 quân lên gần 1 triệu quân chỉ trong một vài tháng.
Những điểm yếu đó và một số sai lầm chiến lược trên chiến trường đã cản trở cuộc phản công được kỳ vọng cao của Ukraine, dẫn đến nước này chỉ đạt được những thành quả nhỏ về lãnh thổ. Cùng thời điểm, Nga đang củng cố các tuyến phòng thủ, chuyển đổi nền kinh tế sang chế độ thời chiến, tuyển thêm hàng trăm nghìn binh lính và điều chỉnh chiến lược cho các cuộc tấn công mới vào mùa đông.
Giờ đây, khi xung đột bước sang năm thứ ba, giới lãnh đạo ở Kiev đang cố gắng tìm kiếm một con đường mới trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga, đồng thời đối mặt với một loạt những thách thức khó khăn.
Điều cấp bách nhất trong số này nằm ngoài tầm kiểm soát của Ukraine. Đó là liệu Quốc hội Mỹ có thông qua thêm hàng tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế cho Kiev hay không? Nếu không có khoản hỗ trợ này, các quan chức phương Tây và các nhà phân tích quân sự cho biết, nỗ lực chiến đấu của Ukraine sẽ gặp rủi ro nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các vấn đề khác vẫn nằm trong khả năng giải quyết của Kiev. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo chính trị của nước này có thể tập trung ý chí để ban hành một kế hoạch huy động quân đội nhằm bù đắp cho lực lượng tổn thất hay không? Hoặc liệu giới lãnh đạo quân sự và chính phủ Ukraine có thể hàn gắn những rạn nứt đã chia rẽ họ gần đây không?
Ông Oleksiy Danilov - Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng: “Tất nhiên, sự không chắc chắn luôn ảnh hưởng đến mọi quá trình. Chúng ta có thể nói rất lâu về việc xung đột đã thay đổi như thế nào, bởi vì nó hoàn toàn khác so với hồi tháng 2 và tháng 3/2022. Nhưng điều quan trọng là cần có sự chắc chắn".
Nỗ lực lấp đầy khoảng trống Mỹ để lại
Hiện tại, Ukraine phải tiến về phía trước mà không có sự chắc chắn đó. Cùng với việc hối thúc thêm sự hỗ trợ của phương Tây, Tổng thống Volodymyr Zelensky đang bắt đầu thực hiện một số động thái để cải thiện những vấn đề mang tính hệ thống. Kiev đã gia tăng một số sở chỉ huy để giám sát các lữ đoàn hiệu quả hơn trong khi ông Zelensky đang bổ nhiệm một thế hệ tướng lĩnh trẻ với hy vọng sẽ mang lại nhiều đổi mới hơn cho chiến trường.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc sản xuất đạn dược ở Ukraine. Ông cũng đưa ra một quy trình mua sắm mới với mục tiêu đảm bảo một hệ thống tích hợp nhất quán hơn với hệ thống của các quốc gia khác. Một sáng kiến khác là Dự án Lực lượng Tương lai, tập hợp các chuyên gia từ các cơ quan khác nhau của chính phủ với sự hỗ trợ của các đối tác NATO. Nhiệm vụ của nó là tổ chức quân đội Ukraine tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu chiến đấu trong một cuộc xung đột quy mô lớn, tìm cách cải thiện những yếu tố như liên lạc và phối hợp giữa các lực lượng.
Bất chấp những thay đổi được mong đợi này, các nhà phân tích quân sự và các quan chức phương Tây đã đưa ra những đánh giá nghiêm túc về cơ hội của Ukraine trước quân đội Nga, vốn áp đảo về quân số và đạn dược.
Khi Ukraine đối mặt với những bấp bênh trên, nước này cũng phải đối mặt với viễn cảnh khó có thể tưởng tượng được là tiếp tục cuộc xung đột kéo dài mà không có sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.
Giữa bối cảnh sự hỗ trợ của Mỹ bị đảng Cộng hòa trì hoãn trong nhiều tháng, tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng đã gây ra tổn thất cho Ukraine, chẳng hạn như trong cuộc giao tranh giành Avdiivka, từ đó khiến Kiev đối mặt với thương vong ngày càng nặng nề và kéo căng lực lượng vốn đã cạn kiệt.
Các chỉ huy quân sự Ukraine sẽ cần tìm cách làm chậm vòng luẩn quẩn đó, trong khi các nhà lãnh đạo chính trị tham gia vào một nỗ lực ngoại giao khác nhằm cố gắng lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại. Tổng thống Zelensky cũng phải hàn gắn mối quan hệ giữa chính quyền dân sự và quân đội.
Phía Ukraine tuyên bố họ không quan tâm đến bất kỳ lệnh ngừng bắn nào sẽ được thực hiện theo các điều kiện có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh rằng, bất kỳ sự tạm dừng giao tranh nào cũng sẽ không dẫn đến việc kết thúc xung đột mà chỉ đơn giản là cho Nga thời gian để tái vũ trang.
Lập trường của Kiev "không chỉ là về lãnh thổ mà còn cả an ninh", Tổng thống Zelensky nhận định với Fox News ngày 22/2. Trong khi đó, Tổng tư lệnh mới của Ukraine - Tướng Syrsky thừa nhận, thế chủ động đã chuyển sang Nga và Ukraine phải tập trung vào phòng thủ chiến lược - đó là gây tổn thất tối đa cho Nga trong khi chiến đấu thông minh để bảo toàn lực lượng của mình. Ông cũng nói về sự cần thiết phải tăng cường sản xuất vũ khí trong nước cũng như phát triển và khai thác các công nghệ mới.
Hy vọng chiến thắng xa vời
Giữa bối cảnh cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine đã thất bại và Nga giành được Avdiivka - đánh dấu chiến thắng lớn nhất trong 9 tháng, chiến lược của Chính quyền Tổng thống Biden hiện nay là duy trì khả năng phòng thủ của Ukraine cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với hy vọng làm suy yếu các lực lượng Nga trong một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài.
Chiến lược này có vẻ hợp lý, nhưng chứa đựng một hàm ý vô cùng quan trọng và theo một số nhà quan sát phương Tây, có thể là một sai sót tiềm ẩn tai hại, vốn vẫn chưa được giải quyết nghiêm túc trong các cuộc tranh luận công khai ở phương Tây hay Ukraine. Ý nghĩa của việc Ukraine ở thế phòng thủ vô thời hạn - ngay cả khi nước này thực hiện chiến lược đó thành công, là sẽ mất các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát. Moscow sẽ không bao giờ đồng ý trên bàn đàm phán về việc giao lại các vùng lãnh thổ mà họ đã giành được trên chiến trường.
Điều này không có nghĩa là Ukraine được yêu cầu chính thức nhượng bộ những vùng đất trên, vì điều đó là không thể đối với bất kỳ chính phủ Ukraine nào. Nhưng điều đó có nghĩa là vấn đề lãnh thổ sẽ phải gác lại để đàm phán trong tương lai.
Một số ý kiến cho rằng, bằng cách ở thế phòng thủ trong năm nay, Ukraine sẽ gây tổn thất cho Nga đến mức Kiev có thể phản công thành công vào năm 2025 nếu được cung cấp thêm vũ khí phương Tây. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào việc Nga có "chơi" theo cách mà Kiev và Washington mong muốn hay không.
Chiến lược của Nga hiện nay có vẻ khác. Họ kéo Ukraine vào những trận giao tranh kéo dài để giành những vùng lãnh thổ nhỏ như Avdiivka, nơi mà Moscow dựa vào ưu thế vượt trội về pháo binh và đạn dược để làm suy yếu đối phương bằng các cuộc tấn công liên tục. Ngoài ra, Nga còn có lợi thế triển khai số lượng lớn máy bay không người lái.
Để giành được cơ hội, lịch sử quân sự cho thấy Ukraine cần lợi thế 3 - 2 về lực lượng và có hỏa lực nhiều hơn đối phương đáng kể. Kiev đã tận hưởng những lợi thế này trong năm đầu tiên của cuộc xung đột, nhưng giờ đây, lợi thế đã thuộc về Nga và rất khó để Kiev có thể đảo ngược tình thế.
Theo giới quan sát, chính quyền Tổng thống Biden đã đúng khi cảnh báo rằng nếu không có thêm viện trợ quân sự lớn của Mỹ, sự phản kháng của Ukraine có thể sụp đổ trong năm nay. Họ cho rằng, ngay cả khi sự hỗ trợ này tiếp tục, không có cơ hội thực tế nào để Ukraine giành chiến thắng hoàn toàn vào năm tới hoặc năm sau đó, bởi ngay cả khi Kiev bổ sung lực lượng thì Moscow vẫn có thể tăng cường khả năng phòng thủ hơn nữa.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: New York Times, Time