TNV- 15 năm qua (2003 – 2017), được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Ninh, sự đồng thuận tham gia của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở nông thôn.., cùng với sự nỗ lực triển khai, thực hiện của các cấp bộ Đoàn, công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng; góp phần đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Số dư nợ và số hộ tham gia tổ TK&VV không ngừng gia tăng
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xác định công tác ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi hàng năm. Đồng thời giao cho Ban Thanh niên Nông thôn, Công nhân và Đô thị Tỉnh đoàn là bộ phận thường trực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn theo dõi, đôn đốc công tác triển khai thực hiện.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên chỉ đạo các cơ sở Đoàn tổ chức nghiên cứu, nắm bắt chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội cùng cấp tổ chức thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên về trách nhiệm của cán bộ, ĐVTN thông qua công tác chỉ đạo hàng tháng, Bản tin thanh niên phát hành hàng tháng…
Ngay sau khi nhận được kế hoạch triển khai của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã chủ động, bám sát kế hoạch của tỉnh, báo cáo cấp ủy, chính quyền, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương triển khai thực hiện hoạt động ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với điều kiện, tình hình địa phương.
Ban Thường vụ các huyện, thị, thành Đoàn đã hoàn thành việc triển khai các nội dung, kế hoạch thực hiện ủy thác của cấp trên đến các xã, phường, thị trấn. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với nhiều hình thức phong phú: gặp gỡ trực tiếp thành viên các tổ Tiết kiệm và vay vốn; tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, các buổi sinh hoạt của Đoàn và các chương trình khác; đưa nội dung thực hiện ủy thác vào tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm để khuyến khích các cơ sở Đoàn tổ chức thực hiện tốt công tác này; thông tin các nội dung liên quan đến hoạt động ủy thác thường xuyên trên website, bản tin thanh niên… đưa nội dung này đến với đông đảo đoàn viên thanh niên và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.
Trao đổi kinh nghiệm nuôi vịt trời cho các bạn trẻ vay vốn. Ảnh: TĐ.
Hàng năm, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp triển khai khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn; phổ biến các chính sách tín dụng cho vay tới các đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Duy trì sinh hoạt tổ vay vốn, đôn đốc thu lãi thu gốc vốn vay, kiểm tra sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Do vậy, số dư nợ và số hộ tham gia tổ TK&VV không ngừng gia tăng (mức gia tăng số dư nợ bình quân 18%); tính đến 30/6/2017, tổng dư nợ nguồn vốn ủy thác do Đoàn trực tiếp quản lý, điều hành trên 109 tỷ đồng, hỗ trợ 6.076 hộ vay thông qua 198 tổ TK&VV .
Xác định công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn, cán bộ tổ TK&VV là nhiệm vụ quan trọng góp phần triển khai có hiệu quả công tác ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn rất chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn, cán bộ tổ TK&VV nhằm không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Đoàn làm công tác ủy thác. Các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn phụ trách hoạt động uỷ thác và tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn những kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng; kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro.
Bên cạnh đó, công tác tập huấn, hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích; áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng vốn tín dụng chính sách trong quá trình thực hiện.
Làm cho hoạt động Đoàn phong phú, thực chất và hiệu quả hơn
Định kỳ hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với hoạt động ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Đoàn cấp trên đối với Đoàn cấp dưới. Đảm bảo duy trì việc kiểm tra, giám sát thường xuyên với tần suất như sau: Đoàn cấp tỉnh kiểm tra Đoàn cấp huyện ít nhất 2 lần/năm; Đoàn cấp huyện kiểm tra 100% Đoàn cấp xã và ít nhất 30% - 35% tổ TK&VV hàng năm; Đoàn cấp xã kiểm tra 100% tổ TK&VV hàng quý; Ban quản lý Tổ kiểm tra tổ viên sử dụng vốn hàng tháng. Đồng thời, phối hợp với NHCSXH, các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp thu hồi nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng, nợ tham ô, chiếm dụng. Thực hiện đối chiếu dư nợ theo quy định để kịp thời ngăn chặn, không để phát sinh nợ quá hạn mới.
Lớp Tập huấn Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho ĐVTN đi tham quan mô hình trồng
hoa lan hồ điệp tại Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TĐ.
Thông qua hoạt động vay vốn ủy thác, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tạo điều kiện hỗ trợ cho hàng ngàn đoàn viên thanh niên, nhất là hộ gia đình thanh niên nghèo, cận nghèo, các gia đình chính sách khác có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi; giúp đoàn viên thanh niên phát huy được tính tự chủ trong việc phát triển kinh tế, góp phần đưa hoạt động Đoàn sôi nổi, tăng tỷ lệ tập hợp thanh niên tham gia tổ chức.
Việc uỷ thác cho vay thông qua tổ chức Đoàn là một kênh quản lý vốn tín dụng chính sách an toàn, hữu hiệu, tin cậy. Thông qua hoạt động uỷ thác từ các nguồn vốn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp có điều kiện quan tâm đến đời sống của đoàn viên thanh niên, các buổi sinh hoạt Đoàn có nội dung đa dạng, phong phú hơn. Được vay vốn, định hướng lựa chọn ngành nghề, hỗ trợ kiến thức, phương pháp làm ăn…, đoàn viên thanh niên nói chung, các hộ gia đình thanh niên nghèo nói riêng có thêm việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ngày càng ổn định, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; giúp thanh niên vươn lên, tự khẳng định mình; phấn khởi, tin tưởng và gắn bó với tổ chức Đoàn; tham gia nhiệt tình, tích cực vào các buổi sinh hoạt, hội họp; thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện ủy thác vẫn tồn tại một số hạn chế thiếu sót chính như sau:
- Công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, quy định của NHCSXH tới các hộ vay vốn còn chậm.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn làm công tác quản lý tổ TK&VV còn chưa được chú trọng đúng mức; lực lượng cán bộ Đoàn thường xuyên có sự thay đổi, luân chuyển nên chất lượng cán bộ Tổ TK&VV nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Chất lượng tín dụng ủy thác chưa đồng đều, thiếu bền vững.
- Công tác huy động vốn còn hạn chế, nhiều tổ không gửi tiết kiệm hàng tháng, tỷ lệ gửi tiết kiệm thấp.
- Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác của Đoàn cấp trên đối với Đoan cấp dưới đôi lúc còn chưa sâu sát, đặc biệt là công tác kiểm tra của Đoàn cấp xã đối với tổ và hộ vay.
- Chế độ thông tin báo cáo hoạt động ủy thác trong hệ thống Đoàn thực hiện chưa nghiêm túc, chưa kịp thời.
Nguyên nhân cốt lõi được báo cáo tổng kết chỉ ra là: Một bộ phận người dân tham gia tổ TK&VV chưa nhận thức được tầm quan trọng và tính cần thiết của việc tham gia gửi tiết kiệm. Ngoài ra còn do các chính sách tín dụng ưu đãi khá nhiều, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của NHCSXH cũng thường xuyên bổ sung, sửa đổi nhưng việc quán triệt, phổ biến chưa kịp thời nên đã gây ít nhiều khó khăn cho cán bộ Đoàn, cán bộ Tổ trong việc tiếp thu và triển khai thực hiện.
Học viên nghe giới thiệu về kỹ thuật trồng nấm tại Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ
KHCN tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: TĐ.
Mặc dù còn một số hạn chế, thiếu sót, nhưng những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định phương thức ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà NHCSXH và các đoàn thể chính trị - xã hội đang thực hiện là cách làm năng động, sáng tạo; phát huy được vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời hỗ trợ tích cực cho Ngân hàng CSXH thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thông qua ủy thác, tổ chức Đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác đã giúp cho NHCSXH thực hiện được chủ trương công khai hóa, dân chủ hoá và xã hội hoá hoạt động tín dụng ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi của nhà nước, đồng thời giúp cho ngân hàng tiết giảm được chi phí quản lý, không làm tăng thêm biên chế trong ngành. Công tác quản lý nợ, thu lãi, thu nợ gốc, hướng dẫn hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả được thực hiện tốt hơn.
Công việc thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn có thêm kinh phí hoạt động, làm cho hoạt động của tổ chức Đoàn phong phú, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần thu hút, tập hợp đông đảo thanh niên tham gia vào tổ chức.
Báo cáo tổng kết 15 năm tổ chức thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã rút ra 04 bài kinh nghiệm, 07 giải pháp và 05 mục tiêu cho thời gian tới. Trong đó có một số mục tiêu đáng chú ý như: Tỷ lệ nợ quá hạn không vượt quá 0,2% so với tổng dư nợ nhận ủy thác, tỷ lệ thu lãi (được ủy nhiệm) đúng hạn hàng tháng đạt từ 90% trở lên, 90% Tổ TK&VV có hoạt động tiết kiệm tự nguyện, tỷ lệ thành viên tham gia gửi tiết kiệm tự nguyện đạt 80% trở lên.
Đặc biệt, Tỉnh đoàn Bắc Ninh đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh cần tăng nguồn vốn cho NHCSXH và NHCSXH Việt Nam cần tăng mức vay đối với các nguồn vốn cho vay ủy thác, đặc biệt là nguồn vốn giải quyết việc làm, vốn vay học sinh sinh viên, để chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước phát huy hiệu quả hơn nữa đối với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới./.
Phạm Quỳnh