TNV - Theo chị Đoàn Thị Thanh Tâm (Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái): Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 15/9/2020) các huyện, thị, thành đoàn đang tích cực phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp huyện hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm hoàn thiện các tiêu chí, điều kiện, xây dựng hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Các chủ thể đều mong muốn xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP
Triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Tỉnh đoàn Yên Bái được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp xây dựng 05 sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2019 – 2020. Sau khi rà soát, tổng hợp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đăng ký thực hiện 11 sản phẩm OCOP dự kiến, gửi Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng Nông thôn mới tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng sau đó, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Văn phòng điều phối CTMTQG xây dựng nông thôn mới lựa chọn ra 08 sản phẩm tiêu biểu, khả thi nhất và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Đề án phát triển mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030.
Cán bộ, lãnh đạo Tỉnh đoàn, trực tiếp gặp các chủ thể sản phẩm là đoàn viên thanh niên
truyên truyền, tư vấn tham gia đăng ký sản phẩm OCOP
Đó là các sản phẩm: Cao cà gai leo của Hợp tác xã dược liệu Viễn Sơn, huyện Văn Yên; Măng chua Thác Bà của Công ty tổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình; Gà thịt Lục Yên của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Minh sơn, huyện Lục Yên; Xúc xích thỏ của Hợp tác xã thanh niên Lâm Thượng, huyện Lục Yên; Rau cải mèo của Hợp tác xã rau an toàn Minh Tiến, huyện Trấn Yên; Du lịch cộng đồng của Công ty Hello Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải; Homestay suối khoáng Hướng Kim của hộ kinh doanh Sa Thị Như, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn; Bánh đa gấc Hải Hoài của hộ đăng ký kinh doanh Ngô Thị Hoài xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ.
Được biết, trước đó Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ban hành Kế hoạch số 182-KH/TĐTN-VP ngày 20/01/2020 về việc thực hiện Chương trình hành động số 190-CTr/TU ngày 26/11/2019 của Tỉnh ủy, trong đó giao mỗi huyện, thị, thành Đoàn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng ít nhất 01 sản phẩm OCOP.
Mặt khác, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã thành lập ngay các đoàn công tác phối hợp với Văn phòng điều phối CTMTQG xây dựng nông thôn mới (cơ quan thường trực Đề án phát triển “Mỗi xã một sản phẩm”) thực hiện khảo sát các sản phẩm dự kiến tham gia sản phẩm OCOP tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Nhờ vậy, các chủ thể có sản phẩm tham gia sản phẩm OCOP được thông tin kịp thời, đầy đủ các điều kiện để một sản phẩm trở thành sản phẩm OCOP; từ quy trình làm hồ sơ xét sản phẩm OCOP, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng sản phẩm OCOP đến những lợi ích thiết thực, lâu dài khi sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP… Qua đó, các chủ thể đều thể hiện mong muốn xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
Xúc xích thỏ - sản phẩm tham gia OCOP của HTX thanh niên Lâm Thượng
Anh Hà Đức Hải (Trưởng Ban Phong trào Tỉnh đoàn Yên Bái) cho biết, việc tổ chức khảo sát sớm các sản phẩm dự kiến là sản phẩm OCOP đã giúp cho Tỉnh đoàn xác định được các sản phẩm cần xây dựng thành sản phẩm OCOP, đồng thời cũng giúp cho các chủ thể chủ động hơn trong việc xây dựng sản phẩm OCOP.
“Trước đây mình mới hiểu đôi chút về sản phẩm OCOP, đầu năm nay được cán bộ Tỉnh đoàn tận tình tư vấn, mình thấy tham gia sản phẩm OCOP có nhiều cơ hội tốt để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường. Hiện, HTX đã đầu tư máy hút chân không, máy in màu và sắp hoàn thiện khu sơ chế, còn hồ sơ sản phẩm Xúc xích thỏ đang trình Hội đồng OCOP cấp tỉnh phê duyệt, chỉ đợi sản phẩm được công nhận là bắt tay vào sản xuất ngay được, kịp cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng cuối năm” - anh Phạm Hải Chiều (Giám đốc HTX thanh niên Lâm Thượng) phấn khởi tâm sự.
Măng chua Thác Bà đã được xuất khẩu ra nước ngoài
Theo chị Đoàn Thị Thanh Tâm (Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái): Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 15/9/2020) các huyện, thị, thành đoàn đang tích cực phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp huyện hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm hoàn thiện các tiêu chí, điều kiện, xây dựng hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, hồ sơ một số sản phẩm đã khá hoàn thiện, đang trong quá trình trình Hội đồng OCOP cấp huyện sơ duyệt như: Rau cải mèo của Hợp tác xã rau an toàn Minh Tiến, huyện Trấn Yên; Măng chua Thác Bà của Công ty tổ phần Yên Thành, huyện Yên Bình; Cao cà gai leo của Hợp tác xã dược liệu Viễn Sơn, huyện Văn Yên; Xúc xích thỏ của Hợp tác xã thanh niên Lâm Thượng, huyện Lục Yên; Du lịch cộng đồng của Công ty Hello Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải. Đối với những sản phẩm còn thiếu một số tiêu chí đang được khẩn trương hoàn thiện trước khi làm hồ sơ trình Hội đồng OCOP cấp huyện. Dự kiến trong Quý IV năm 2020, toàn bộ 08 sản phẩm sẽ được hoàn thiện hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt công nhận sản phẩm OCOP.
Một số sản phẩm đã được xuất khẩu và quảng bá rộng rãi ra nước ngoài
Đánh giá về tiềm năng các sản phẩm OCOP do Đoàn Thanh niên chủ trì, ông Nhâm Xuân Trường (Phó Chánh Văn phòng điều phối CTMTQG xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái) chia sẻ: Trong 08 sản phẩm thì có 06 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm và 02 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Đây đều là những sản phẩm đã có doanh thu và tiềm năng phát triển tốt như: Măng chua Thác Bà đã được xuất khẩu ra nước ngoài; Xúc xích thỏ của Hợp tác xã thanh niên Lâm Thượng số lượng bán ra chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu đặt của khách hàng; Rau cải mèo của Hợp tác xã Minh Tiến, huyện trấn Yên là sản phẩm rau sạch, có khả năng đáp ứng được yêu cầu của tiêu dùng ngày càng khắt khe; Cao cà gai leo được chiết xuất từ cây cà gai leo sẽ mang đến cho người tiêu dùng thêm một lựa chọn đối với nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ cây dược liệu…
Thăm vườn ươm trồng cà gai leo của HTX dược liệu Viễn Sơn, huyện Văn Yên
Đặc biệt, sản phẩm Du lịch cộng đồng của Công ty Hello Mù Cang Chải đã thu hút được hàng ngàn khách nước ngoài đến từ nhiều quốc gia; sản phẩm được quảng bá rộng rãi trên một số trang web du lịch quốc tế như: booking.com, Traveloka.com, Tripadvisor.com, và trở thành một địa điểm cần đến đối với khách du lịch cộng đồng tại Yên Bái. Đây là sản phẩm đã ứng dụng thành công công nghệ thông tin để quảng bá ra thế giới, mở hướng đi rất tiềm năng đối với sản phẩm du dịch cộng đồng.
Bí thư Tỉnh đoàn Đoàn Thị Thanh Tâm thông tin thêm: Để trở thành một sản phẩm OCOP từ 03 sao trở lên, các sản phẩm đều phải tuân thủ các tiêu chí, điều kiện khắt khe hơn về vệ sinh, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… Do vậy, các sản phẩm sau khi được chuẩn hóa để trở thành sản phẩm OCOP sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với thị trường, doanh thu được dự báo sẽ cao hơn so với trước. Khi đó, chủ thể sản phẩm sẽ có nhiều thuận lợi để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư phát triển sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn.
Bánh đa gấc Hải Hoài của hộ đăng ký kinh doanh Ngô Thị Hoài, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ
Được biết, Tỉnh đoàn đã bố trí cửa hàng giới thiệu sản phẩm đặt tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi, đồng thời có kế hoạch huy động, lồng ghép các nguồn lực để chuẩn hóa các sản phẩm OCOP do Đoàn Thanh niên được giao chủ trì theo tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm...; cũng như ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá các sản phẩm OCOP qua kênh tuyên truyền của Đoàn, Hội các cấp, tạo thuận lợi nhất cho các sản phẩm OCOP trong việc tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng trẻ tuổi trong tỉnh cũng như ở nhiều địa phương khác trong cả nước./.
Cán bộ, ĐVTN mua các sản phẩm đăng ký tham gia OCOP tại gian hàng
giới thiệu sản phẩm do Tỉnh đoàn bố trí ở Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi.
Trong tháng 5 và 6 vừa qua, 200 bạn trẻ là đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia 04 lớp tập huấn khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức, đã được Tỉnh đoàn dành thời lượng đáng kể để các giảng viên truyền đạt một số nội dung về sản xuất nông, lâm, nghiệp nói chung đặc biệt là sản phẩm OCOP nói riêng. Qua đó, các bạn trẻ được cung cấp nhiều thông tin bổ ích về sản phẩm OCOP, gợi mở các ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm OCOP và văn hóa tiêu dùng các sản phẩm OCOP trong lớp trẻ./.
Phạm Quỳnh