Đầu tư 59.500 tỷ đồng làm đường sắt kết nối 5 thành phố
Ngày 13/8, BQL các công trình giao thông Bình Dương cho biết đã có báo cáo liên quan đến việc triển khai dự án xây dựng tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình thuộc địa phận tỉnh Bình Dương.
Dự án có điểm đầu tuyến là ga An Bình (thuộc phương Dĩ An, TP Dĩ An) và điểm cuối tuyến là ga Bàu Bàng (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương).
Chiều dài toàn tuyến đường sắt khoảng 53,63 km đi qua các địa phận của Bình Dương như TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên, TP Bến Cát và huyện Bàu Bàng; được quy hoạch tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa.
Sơ bộ tổng mức đầu tư tuyến đường sắt khoảng 59.560 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 21.294 tỷ đồng, chi phí xây dựng 16.415 tỷ đồng, chi phí thiết bị 8.001 tỷ đồng, các chi phí còn lại 13.850 tỷ đồng.
Theo BQL các công trình giao thông Bình Dương, hiện hướng tuyến, vị trí ga (bố trí 10 ga) tuyến đường sắt Bàu Bàng - An Bình cơ bản cập nhật trên cơ sở tuyến đường sắt quốc gia TP.HCM - Lộc Ninh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.
Tuy nhiên, hiện nay Cục Đường sắt Việt Nam đang lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM nên BQL các công trình giao thông Bình Dương phải hoàn chỉnh phương án theo quy hoạch (đã được duyệt năm 2021) để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Tuyến đường sắt từ ga Bàu Bàng đến ga An Bình không chỉ là một hạ tầng giao thông quan trọng mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của tỉnh Bình Dương và khu vực lân cận.
Bình Dương hiện là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước, với nhiều khu công nghiệp tập trung, tuyến đường sắt này sẽ giúp vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm và hàng hóa công nghiệp từ các khu công nghiệp đến các cảng biển, cảng sông hoặc các tỉnh khác, từ đó góp phần giảm chi phí logistics và tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp tại đây.
Tuyến đường sắt cũng góp phần vào việc phát triển các khu đô thị mới dọc theo tuyến đường, khi hạ tầng giao thông được cải thiện. Điều này có thể thu hút thêm dân cư và nhà đầu tư đến tỉnh Bình Dương, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao đời sống của người dân.
Sử dụng đường sắt để vận chuyển hàng hóa và hành khách còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với các phương tiện giao thông đường bộ như xe tải hay ô tô. Điều này góp phần bảo vệ môi trường sống, đồng thời giúp Bình Dương hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tuyến đường sắt này không chỉ có ý nghĩa với Bình Dương mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển của cả khu vực Đông Nam Bộ. Nó thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa các tỉnh trong vùng, góp phần vào sự phát triển đồng đều và bền vững của khu vực.
Bình Dương sắp "cất cánh" lên TP trực thuộc TW
Trước đó, ngày 3/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 790/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Theo mục tiêu phát triển tổng quát đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.
Bình Dương hiện cũng là tỉnh giàu top đầu Việt Nam. Theo báo cáo kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 8,29 triệu đồng/người/tháng. Con số này cũng gấp 1,7 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 166.180 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Ước thu ngân sách 35.165 tỷ đồng, đạt 49% dự toán HĐND tỉnh và đạt 54% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 11% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp tăng gấp 2 lần so cùng kỳ năm 2023. Hoạt động xuất - nhập khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu đạt 16,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,19%, xếp thứ 5 vùng Đông Nam bộ và thứ 34 cả nước. Bên cạnh đó, thu hút FDI của tỉnh đứng thứ 9 cả nước.
Tỉnh Bình Dương hiện nay cũng là địa phương có nhiều thành phố nhất trong cả nước. Với tuyến đường sắt An Bình - Bàu Bàng trong tương lai, cả 5 siêu đô thị của tỉnh này sẽ được kết nối với nhau gồm: TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên, TP Bến Cát.