Là phóng viên Truyền hình Quân đội nhân dân, tôi được tháp tùng Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam sang thăm hữu nghị Vương quốc Thái Lan hai lần vào tháng 6/1990 và tháng 5/1995.
Ngoài việc ghi hình, lấy tài liệu, đi tới đâu, tôi cũng tranh thủ tìm hiểu qua bà con Việt kiều và nhân dân nước bạn về những ngày Bác Hồ sống, làm việc trên đất Thái Lan từ tháng 7/1928 đến cuối năm 1929.
Thời gian này, Người lấy tên là Thầu Chín (già Chín).
Khi tới bản Noóng Ổn, bản Nachok (bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom), Bác vận động bà con dựng trường, mở lớp học để Người dạy chữ quốc ngữ cho con em Việt kiều.
Mỗi thứ Năm hằng tuần, thầy trò nghỉ học để chăm sóc vườn cây ăn quả trong trường, lấy giống dừa quý về trồng. Có ngày, thầy đến trường rất sớm rồi ra vườn thu hái chuối, ổi, cam, táo mang về lớp chia cho từng học sinh.
Dù sang Thái Lan làm ăn nhưng kiều bào ta luôn hướng về Tổ quốc và tham gia hoạt động cách mạng. Đặc biệt, khi tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí ra đời, phong trào yêu nước trong bà con sôi nổi hẳn lên. Trụ sở của tổ chức ở Thái Lan mang tên “Nhà hợp tác”, thành lập ở nhiều địa phương, nhưng khang trang hơn là tại bản Mạy, nơi Bác Hồ ở và hoạt động.
Cụ Việt kiều Hồ Đức Liên cho biết khi ở “Nhà hợp tác”, già Chín học thành thạo tiếng Thái và thường đón tiếp nhiều nhà cách mạng trong nước qua lại. Các cuộc họp quan trọng được tổ chức tại nhà hợp tác do Bác chủ trì.
Vào một chiều cuối đông năm 1929, già Chín bỗng rời khỏi bản Mạy, bản Noóng Ổn khiến bà con rất bất ngờ vì không biết Người đi đâu.
Cùng lúc ấy, tại một ngôi chùa thuộc tỉnh Mukdahan, cách bản Mạy hơn 100 km, vị sư trụ trì đang ngồi tụng kinh bỗng từ phía sau có người nói: “Nam mô A di đà Phật! Con là người Việt Nam yêu nước, sang đây lánh nạn, hiện bị cảnh sát truy đuổi. Nhờ nhà chùa ra tay cứu độ...”. Ngoảnh lại thấy người đàn ông trạc 40 tuổi đứng chắp tay cung kính, nhà sư lặng lẽ dắt vị khách lạ vào ẩn bên trong rồi tiếp tục ra ngồi tụng kinh niệm Phật.
Nửa giờ sau, một tốp cảnh sát ập tới quát:
- Chúng tôi tới tìm người trốn trong chùa!
Nhà sư bình tĩnh nói:
- Chùa này chỉ có tượng Phật, sư trụ trì và mấy chú tiểu trông coi. Chốn thiền môn không có chỗ cho cái xấu, cái ác. Các ông đi chỗ khác mà tìm!
Cảnh sát đành chắp tay xin lỗi, bái chào rồi lủi ra. Tối ấy, nhà sư mang đồ ăn, nước uống vào và nói với khách:
- Nhà chùa giúp anh qua đêm nay. Sớm mai, trước khi mặt trời mọc, anh phải rời khỏi đây. Anh muốn đến đâu, tôi sẽ đưa tới đó.
Mờ sáng hôm sau, có hai người mặc áo cà sa rời chùa lên núi Phuthap. Dọc đường, họ gặp nhiều tốp cảnh sát đang truy lùng Nguyễn Ái Quốc theo yêu cầu của thực dân Pháp. Thấy hai nhà sư, chúng đứng nép vào bên đường, chắp tay vái chào...
Tại điểm hẹn ở khu vực núi Phuthap, các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn đang chờ đón Bác Hồ. Phút chia tay, Người cảm ơn, bái chào nhà sư Thái Lan đã mưu trí, dũng cảm bảo vệ người yêu nước Việt Nam…
Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh tại Nakhom Phanom. Ảnh: VOV
Những ngày công tác ở đây, tôi có dịp đến thăm Làng hữu nghị Thái Lan-Việt Nam ở bản Mạy, tỉnh Nakhan Phanom.
Làng có nhà trưng bày những tư liệu về đời hoạt động cách mạng của Bác. Tấm bản đồ lớn ghi dấu các địa phương ở Thái Lan mà Người từng đến hoạt động. Bút tích của Bác ghi dòng chữ: “Hòa bình và hữu nghị giữa nhân dân toàn thế giới”. Pho tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh uy nghi bằng đồng được đặt ở vị trí trang trọng...
Đặc biệt, tôi được đọc trong sổ vàng những dòng lưu bút (do Việt kiều Võ Trọng Tiêu phiên dịch) của cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Chavalit Yongchaiyudh, người có công lớn đưa ra sáng kiến xây dựng Làng hữu nghị Thái Lan - Việt Nam: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là người kiệt xuất, được thế giới biết đến. Nhân dân chúng tôi rất kính trọng nhà lãnh đạo của Việt Nam, người từng có thời gian gắn bó với Thái Lan trong quá trình đi tìm đường cứu nước. Làng hữu nghị Thái Lan - Việt Nam là mốc son đánh dấu mối quan hệ hữu nghị hai nước ngày càng lâu bền”./.
Chi Phan/Chinhphu