Tính kế thừa trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Thứ tư, 08/09/2021 - 12:32

TNV - Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và sức mạnh của văn hóa. Nền văn hóa Việt Nam hôm nay là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phản ánh sự phát triển cân đối, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Đảm bảo tính kế thừa trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những yêu cầu quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nền văn hóa Việt Nam thời đại mới.

1. Một số vấn đề lý luận về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 xác định một trong sáu đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ năm, khóa VIII vào tháng 7 năm 1998 đã ra Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Sự ra đời của Nghị quyết này đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Đảng ta trong quá trình nhận thức và lãnh đạo văn hóa, mang lại sức sống mới cho văn hóa Việt Nam. Mặt khác, Nghị quyết cũng đáp ứng được yêu cầu của đất nước, phù hợp với tâm tư, khát vọng chân - thiện - mỹ của dân tộc nên nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống và được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định định hướng về phát triển văn hóa là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao”[1].

Các nghệ sĩ biểu diễn Xẩm trong một chương trình của Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc (Nguồn: https://nhandan.vn )

Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam hiện đại có sự thống nhất hữu cơ giữa tính tiên tiến và tính đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, tiên tiến là “yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung”[2].

Bản sắc dân tộc là “những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh tế trong ứng xử… Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ”[3].

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng và Nhà nước Việt Nam đều đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng. Trong thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, trình độ tiên tiến của nền văn hóa không mâu thuẫn với bản sắc văn hóa dân tộc, ngược lại, hai đặc tính này thống nhất biện chứng, tác động qua lại và quy định lẫn nhau. Những mục tiêu văn hóa mà Đảng ta hướng đến nhất định sẽ được thực hiện thành công bởi nó xuất phát từ mong muốn của toàn thể dân tộc Việt Nam.

2. Tính kế thừa trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cùng với việc tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới của văn hóa Việt Nam đương đại, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc và tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại. Tính kế thừa này là tất yếu, đảm bảo cho sự phát triển liên tục và bền vững của nền văn hóa Việt Nam. Tính kế thừa trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, kế thừa, phát huy những giá trị tích cực của truyền thống văn hóa dân tộc.

Trong quá trình phát triển của bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào, cái mới cũng ra đời từ trong lòng cái cũ. Cái mới không phủ định sạch trơn, không vứt bỏ hoàn toàn cái cũ mà nó chỉ gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, lỗi thời của cái cũ và giữ lại những yếu tố tích cực, thích hợp của cái cũ để phát triển cái mới. Những giá trị tích cực của truyền thống văn hóa dân tộc chính là tiền đề, là nền tảng cho quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bởi sự phát triển của nền văn hóa hôm nay không phải từ hư vô, trên mảnh đất trống không, mà là kết quả phát triển hợp quy luật từ những giá trị tích cực của truyền thống văn hóa dân tộc; là kết quả của sự đấu tranh và kế thừa tất cả những yếu tố tích cực của truyền thống văn hóa dân tộc.

Biểu diễn múa nón lá tại “Những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Quảng Nam 2019” (Nguồn: www.vhttdlqnam.gov.vn)

Trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng và đánh giá cao việc kế thừa những yếu tố tích cực trong đạo đức truyền thống dân tộc. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”[4]. Gốc của văn hóa là dân tộc, xây dựng văn hóa mới không phải là đoạn tuyệt với truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại mà phải biết kế thừa, phát huy những giá trị đích thực của nó để phục vụ cho yêu cầu của sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đó chính là tinh thần yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự hào dân tộc; truyền thống cần cù lao động; lòng nhân ái khoan dung; tinh thần hiếu học; tinh thần đoàn kết…

Đi liền với việc kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc chính là việc kiên quyết phủ định những truyền thống lạc hậu, phản tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ”[5]. Đó chính là tư tưởng trọng nam khinh nữ, gia trưởng, hẹp hòi, ích kỷ, tư tưởng cản trở cái mới, háo danh, địa vị, đẳng cấp, bệnh hình thức… Đây chính là mầm mống sinh ra nhiều thói hư tật xấu mà chính đảng viên và cán bộ dễ mắc phải. Chính vì vậy, cần phải thật sự quyết liệt trong việc loại bỏ những truyền thống lạc hậu, phản tiến bộ thì mới có thể tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phủ định những truyền thống lạc hậu, phản tiến bộ là mộtquá trình đấu tranh lâu dài, phức tạp. Bởi vì trong xã hội có một bộ phận muốn giữ lại, thậm chí khôi phục lại những mặt hạn chế, lỗi thời, lạc hậu của truyền thống, khôi phục cách sống cũ, hủ tục lạc hậu để nhằm đạt được những mục đích nhất định.

Thứ hai, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.

Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, văn hóa Việt Nam có cơ hội đón nhận và tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại. Theo đó, tiếp thu giá trị văn hóa của nhân loại không phải một cách tùy tiện, ồ ạt mà phải theophương thức “Gạn đục khơi trong” để hình thành lối sống mới, tư tưởng mới, cách nhìn mới. Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng phải luôn coi trọng những giá trị truyền thống của dân tộc, không được tự đánh mất mình, trở thành bóng mờ hay bản sao chép người khác. Bản chất văn hóa dân tộc không được tách rời càng không thể đối lập với tính tiên tiến của văn hóa nhân loại. Một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ hội nhập vào sức sống của nền văn hóa thế giới, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đầy màu sắc của nhân loại.

Tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại không chỉ là quá trình học hỏi, thu nhận những điều hay, tiến bộ để cải biến, nâng tầm những giá trị văn hóa Việt Nam mà đây còn là cơ hội để mở rộng sự ảnh hưởng của những giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. “Nếu một dân tộc hóa mà phát triển tới cực điểm thì tức là tới chỗ thế giới hóa đó, vì lúc bấy giờ văn hóa thế giới sẽ phải chú ý tới văn hóa của mình và văn hóa của mình sẽ chiếm được một địa vị ngang hàng với nền văn hóa thế giới. Mình đã hưởng cái hay của người thì mình cũng phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả”[6].

Theo quan niệm của Hồ Chí Minh, sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc bao giờ cũng diễn ra theo hai chiều “cho” và “nhận”. “Cho” có nghĩa là góp vào kho tàng văn hóa nhân loại những giá trị đỉnh cao của dân tộc mình. “Nhận” có thể dẫn tới một trong hai hệ quả: được hoặc mất. Sẽ là được nếu có ý thức chọn lọc những tinh hoa để góp phần làm giàu vốn văn hóa của dân tộc. Sẽ là mất nếu du nhập bừa bãi văn hóa bên ngoài, không qua sàng lọc. Do đó, trong giao lưu văn hóa, các dân tộc phải lựa chọn những cái hay, cái đẹp của văn hóa bên ngoài để đưa vào, cải biến thành văn hóa của mình. Sự tiếp thu văn hóa nhân loại không phải là một sự sao chép, học đòi, lai căng mà là một quá trình bổ sung và sáng tạo không ngừng. Song song với quá trình đón nhận những tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, văn hóa Việt Nam cũng phải đối diện với những tác động tiêu cực từ các nền văn hóa ngoại nhập. Do đó, cần “chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hóa phẩm ngoại lai độc hại, từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”[7].

Để đảm bảo cho tính kế thừa trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được thực hiện một cách hợp lý và mang lại hiệu quả cao, cần chú trọng các yêu cầu sau:

Một là xác định rõ chủ thể của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là quần chúng nhân dân - chủ nhân sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần cho dân tộc và cho cả nhân loại. Do đó, mọi sáng tạo văn hóa, tinh thần không gắn liền với quần chúng nhân dân thì cũng sẽ mất tính mục đích và làm cho giá trị văn hóa ấy không có ý nghĩa trong thực tiễn cuộc sống.

Hai là hình thành thái độ đúng đắn, tiến bộ, khoa học trong kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc. Theo đó, cần tránh thái độ bảo thủ, hoài cổ, khư khư ôm lấy những gì thuộc về quá khứ, ngại thay đổi, không muốn thay đổi. Đồng thời, cần tránh quan điểm chiết trung, không có đủ trình độ để phân biệt, nhận thức đâu là giá trị tích cực, đâu là điểm lạc hậu, lỗi thời của truyền thống văn hóa dân tộc. Việc tiếp tục kế thừa và phát huy những yếu tố tiêu cực sẽ làm cản trở sự phát triển của nền văn hóa dân tộc.

Ba là hình thành tư duy phê phán trong tính kế thừa, tức là kế thừa trên cơ sở phê phán, kế thừa có chọn lọc. Theo đó, phải biết gạt bỏ những truyền thống, tư duy lỗi thời, cản trở sự tiến bộ, sự phát triển của văn hóa dân tộc. Điều này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ thể thực hiện sự phê phán, nếu họ có quan điểm trái với quan điểm của xu hướng tiến bộ xã hội thì họ có thể thực hiện sự phê phán không khách quan. Điều này không những không đảm bảo tính kế thừa đúng đắn mà còn cản trở sự phát triển của quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, phê phán trong tính kế thừa phải được thực hiện trên tinh thần khách quan, trung thực.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định định hướng phát triển văn hóa giai đoạn 2021 - 2030 như sau: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”[8]. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại mới phải đảm bảo kết hợp đồng bộ các yếu tố: kế thừa, phát huy những giá trị tích cực của truyền thống văn hóa dân tộc; phủ định những truyền thống lạc hậu, phản tiến bộ và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa nhân loại. Có như vậy, nền văn hóa mà các thế hệ người Việt Nam vun đắp, dựng xây mới thật sự là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát huy hết sức mạnh, là động lực to lớn cho sự phát triển ngày càng vững mạnh của đất nước.

----------------------------------------------------------------------

[1] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011),

http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/noidungvankiendaihoidang?categoryId=10000716&articleId=10038370.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 55.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 55-56.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr. 330.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tr. 287.

[6] Hoài Thanh: Có một nền văn hóa Việt Nam, Nxb Hội Văn hóa cứu quốc, 1946, tr. 25.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr. 147.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr. 330.

Bài, ảnh: Phạm Thị Hồng Ngân - Học viện Chính trị khu vực III