TNV - Trong 03 năm qua, phong trào thi đua “Tỉnh Phú Thọ cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, thực hiện hiệu quả với các tiêu chí, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân.
Phong trào thi đua “Tỉnh Phú Thọ cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào trọng tâm được các cấp, các ngành và Nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng và trở thành phong trào quần chúng sôi nổi, rộng khắp. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và để Phong trào thi đua tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân và huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã chủ động thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong đó quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực, lồng ghép bố trí các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với phong trào làm đường bê tông xi măng, làm điện chiếu sáng, phong trào trồng cây xanh cải tạo môi trường, dọn vệ sinh khu dân cư,... Các cấp, các ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành phụ trách, trực tiếp theo dõi, phối hợp chỉ đạo các xã trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các cơ quan truyền thông tích cực tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân để cả hệ thống chính trị và người dân tiếp tục hiểu rõ hơn về mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền về các tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt và mô hình sản xuất tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới.
Đường giao thông nông thôn xã Cát Trù.
Phong trào thi đua được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi đua, khen thưởng và thực hiện đầy đủ theo đúng trình tự, quy định của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ, ngành có liên quan. Công tác triển khai tổ chức các phong trào thi đua, đăng ký thi đua được xây dựng cụ thể, phù hợp với tình hình đặc điểm của mỗi cấp, mỗi ngành, đặc biệt là đối với các địa phương vùng khó khăn. Phong trào thi đua chuyên đề tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách hoặc đột phá vào những nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những khó khăn, những mặt yếu kém của từng đơn vị, địa phương với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực.
Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua tính đến hết tháng 6 năm 2023 các đơn vị đã đạt những thành tựu như: Đối với Cấp huyện toàn tỉnh có 04 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;các huyện Tam Nông, Thanh Ba và Phù Ninh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới ( các huyện Thanh Ba, Tam Nông đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định, trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023 ). Cấp xã: Dự kiến đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 131/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 66,8% (KH đến năm 2025 là 139 xã, đạt 81,9% KH); có 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (KH đến năm 2025 là 26 xã, đạt 30,8% KH); có 20 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, chiếm 10,2%; có 39 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, chiếm 19,9%, có 06 xã đạt 9 tiêu chí, chiếm 3,1%; không có xã đạt dưới 09 tiêu chí. Bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 16,8 tiêu chí/xã. Cấp khu dân cư: Dự kiến đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh có 1.561/2.040 khu dân cư nông thôn mới, chiếm 76,5%, trong đó có 52 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Cơ sở vật chất trường học xã Cát Trù
Thực hiện phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo như: Để triển khai thực hiện UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4371/KH-UBND 28/9/2021 về kiên cố hóa đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và lồng ghép các nguồn vốn khác tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn. Đến nay, có 146/196 xã đạt tiêu chí giao thông (đạt 74,5%), tăng 26 xã so với năm 2020. Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất tiếp tục được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Đến nay, toàn tỉnh có 191/196 xã đạt tiêu chí thủy lợi (chiếm 97,4%) , tăng 06 xã so với năm 2020. Đẩy mạnh cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định và đảm bảo mỹ quan. Đến nay, toàn tỉnh đã có 196/196 xã đạt tiêu chí số 4 về Điện (đạt 100%) , tăng 02 xã so với năm 2020. Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các công trình trường học các cấp đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Toàn tỉnh có 191/196 xã đạt tiêu chí trường học (chiếm 97,4%) , tăng 39 xã so với năm 2020. Các địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng và nâng cấp nhà văn hóa hoặc nhà văn hóa kiêm trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm thể thao xã và các nhà văn hóa khu dân cư đạt chuẩn; tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 157/196 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa (chiếm 80,1%) . Hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, chợ an toàn thực phẩm cấp xã; các chợ trung tâm, chợ đầu mối, trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện; trung tâm kỹ thuật nông nghiệp; hệ thống trung tâm cung ứng nông sản được quan tâm đầu tư phục vụ ngày càng tốt nhu cầu giao thương, mua bán hàng hóa của người dân nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 185 xã đạt tiêu chí số 7 về Hạ tầng thương mại nông thôn (chiếm 94,4%). Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ các vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi giá trị, cơ sở hạ tầng các cụm làng nghề, ngành nghề nông thôn tại các huyện, thành, thị. Xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện. Toàn tỉnh có 178/196 xã đạt tiêu chí số 15 về Y tế (chiếm 90,8%). Hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; hệ thống cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở được quan tâm đầu tư, các đài truyền thanh xã có cụm loa hoạt động đến thôn và tăng cường phương tiện sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện; phát triển và duy trì các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính. Đến nay, toàn tỉnh có 193/196 xã đạt tiêu chí số 8 về Thông tin và truyền thông (chiếm 98,5%). Công tác kiểm kê, ghi danh bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; nghiên cứu, mở rộng mô hình kết nối văn hóa truyền thống và văn hóa mới được quan tâm, đảm bảo đa dạng về văn hóa địa phương, dân tộc phục vụ phát triển du lịch. Công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở địa phương được quan tâm triển khai thực hiện. Toàn tỉnh có 153/196 xã đạt tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm (chiếm 78,1%), tăng 33 xã so với năm 2020.
Áp dụng cơ giới hóa trong sx nông nghiệp tạ xã Hiền Đa.
Ngoài ra, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh đã có 139 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 47 sản phẩm và nhóm sản phẩm đạt hạng 4 sao, 92 sản phẩm và nhóm sản phẩm đạt hạng 3 sao, ngoài ra sản phẩm Chè Đinh cao cấp Hoài Trung của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chè Hoài Trung huyện Thanh Ba đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp Trung ương đánh giá đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Kết quả này góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo chuẩn tỉnh giảm đáng kể toàn tỉnh có 163/196 xã đạt tiêu chí số 11 về Nghèo đa chiều (chiếm 83,2%). 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chiếm tỷ lệ cao.
Để đẩy mạnh giải pháp nâng cao chất lượng Phong trào thi đua trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là: Phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện phong trào thi đua của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp; tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “ Tỉnh Phú Thọ cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan toả lớn trong Nhân dân, cộng đồng, xã hội; Khen thưởng kịp thời, các điển hình tiên tiến được phát hiện, tôn vinh trong phong trào thi đua, động viên ngay từ ở cơ sở để nhân rộng, tuyên truyền kịp thời, tạo sự lan tỏa đến mọi tầng lớp Nhân dân. Phải có cách làm phù hợp với điều kiện của từng xã, bằng cách lựa chọn những nội dung cụ thể để ưu tiên thực hiện, lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của ngân sách và các nguồn lực khác.
Ngọc Khanh