Tình thế của Ukraine
Cho đến nay, Ukraine chủ yếu phụ thuộc vào kho đạn dược được các nước phương Tây cung cấp. Tuy nhiên, nguồn cung này không phải là vô hạn và đang cạn kiệt dần. Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Warsaw vào đầu tháng 10, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO cho biết: “Chúng ta đang nhìn thấy đáy thùng. Chúng ta đã hỗ trợ nhiều hệ thống vũ khí và đạn dược cho Ukraine nhưng không phải từ một kho dự trữ đầy đủ, mà từ kho dự trữ đã vơi đi một nửa hoặc vơi đi rất nhiều ở châu Âu. Hiện các loại khí tài quân sự đang cạn kiệt”.
Những nỗ lực đang được thực hiện để cải thiện tình hình với việc các nước Mỹ và châu Âu đang làm việc để tăng cường sản xuất đạn pháo cũng như các loại đạn dược khác. Gần đây, Ukraine tuyên bố nước này sẽ tăng cường sản xuất vũ khí nội địa và tham gia một loạt thỏa thuận sản xuất chung với các đối tác quốc tế.
Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo về phía quân đội Nga ở khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters
Mặc dù có những dấu hiệu tiến triển về việc giải quyết nguồn cung đạn dược của Ukraine nhưng để đạt được bất kỳ đột phá lớn nào thì sẽ cần nhiều thời gian. Trong khi đó, cường độ sử dụng đạn pháo dọc 1.000 km tiền tuyến đồng nghĩa với việc mức độ sản xuất hiện nay chưa thể đáp ứng được các nhu cầu của Kiev cho tới nửa sau năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Thiếu đạn dược không phải vấn đề mới với quân đội Ukraine. Một giải pháp hiệu quả hiện nay là tăng cường sử dụng UAV cảm tử. Chiến trường Ukraine sẽ chứng kiến việc vũ khí này được triển khai nhiều hơn vào năm 2024. Tuy nhiên, sự thiếu hụt các loại đạn dược chủ chốt có thể sẽ định hình tính toán chiến lược của Ukraine trong mùa xuân và mùa hè năm tới.
Các kế hoạch quân sự của Ukraine có thể sẽ phản ánh những tính toán địa chính trị của nước này. Kiev đang theo dõi với sự cảnh báo ngày càng gia tăng trong những tháng gần đây khi vấn đề hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine đối mặt với những trở ngại do các vấn đề chính trị trong nước. Với việc Washington sắp bước vào năm bầu cử, nhiều người Ukraine lo ngại các đợt vận chuyển vũ khí tương lai từ Mỹ có thể bị trì hoãn hoặc gián đoạn.
Tình hình ở bên kia bờ Đại Tây Dương có vẻ triển vọng hơn khi nhiều đối tác châu Âu của Ukraine dường như sẵn sàng tăng cường các đợt vận chuyển vũ khí. Dù vậy, nguồn cung vũ khí không ổn định sẽ gia tăng sức ép lên giới quân sự Ukraine với những tính toán thận trọng hơn, bởi các chỉ huy phải tìm cách dữ trữ nguồn lực hạn chế của mình.
Tính toán của Nga
Một nhân tố then chốt khác quyết định tình hình xung đột năm 2024 là những ưu tiên chính trị của Nga. Điện Kremlin có lẽ sẽ chọn tiếp tục ở thế phòng thủ và tập trung vào việc củng cố các vùng lãnh thổ đã giành được. Dù vậy, giới quan sát phương Tây cho rằng có thể Tổng thống Putin sẽ ra lệnh cho các chỉ huy nối lại các chiến dịch tấn công quy mô lớn để hoàn tất việc kiểm soát 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine mà nước này sáp nhập vào tháng 9 năm ngoái.
Hiện nay, một chiến lược phòng thủ dường như sẽ đáp ứng mục tiêu chính trị chính của Nga, đó là đóng băng xung đột dọc tiền tuyến hiện tại. Việc Ukraine không thể đạt được đột phá lớn trong cuộc phản công vừa qua đã khiến ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi hai bên quay lại bàn đàm phán. Nếu Nga có thể lặp lại thành công trên vào năm 2024, Ukraine sẽ gặp khó khăn hơn trong việc duy trì sự ủng hộ quốc tế để tiến hành các chiến dịch tấn công lớn trong tương lai.
Cuộc tấn công gần đây của Nga quanh Avdiivka ở phía Đông Ukraine là một lời nhắc nhở rằng Moscow vẫn có những mục tiêu đáng kể chưa hoàn thành ở Ukraine và có thể sẽ tìm cách kiểm soát các vùng lãnh thổ mới trong những tháng tới. Theo đó, Nga sẽ không hoàn toàn phòng thủ mà có thể sẽ chủ động tiến công để củng cố các vị trí và ngăn chặn các cuộc phản công của đối phương.
Bên cạnh đó, trái với Ukraine, Nga không đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn dược nghiêm trọng vào năm 2024. Với sự gia tăng ngân sách quốc phòng chưa từng có, quân đội Nga sẽ được đảm bảo nguồn cung vũ khí và hậu cần năm tới. Tuy nhiên, nếu Nga tập trung vào các cuộc tấn công quy mô lớn thì ngay cả khi tăng sản xuất trong nước, Moscow có lẽ sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của quân đội.
Tiến triển chậm của Ukraine trước phòng tuyến kiên cố của Nga trong cuộc phản công hiện tại có thể khiến các chỉ huy của Kiev lựa chọn các chiến thuật khác trong năm 2024. Thay vì dựa vào các cuộc tấn công trực diện vào các vị trí của Nga, Ukraine có lẽ sẽ tìm cách bảo toàn khả năng tấn công, đồng thời tập trung vào việc làm tiêu hao sức mạnh quân sự của đối phương.
Ukraine sẽ phải thỏa hiệp với điện Kremlin?
Bất kỳ sự dịch chuyển nào của Ukraine nhằm hướng đến một cuộc xung đột tiêu hao đều có thể bao gồm việc mở rộng đáng kể danh sách mục tiêu ở Crimea và bên trong nước Nga. Những nỗ lực này có thể sẽ phụ thuộc vào việc các tiêm kích F-16 và tên lửa hành trình tầm xa đến tay Kiev trong thời gian tới.
Mới đây, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp trong cuộc xung đột với Nga. Trước đó, tờ Wall Street Journal (WSJ) cũng đưa tin Washington đã “bí mật” cung cấp vũ khí này cho Kiev.
Nếu Ukraine lựa chọn tập trung vào cuộc xung đột tiêu hao trong năm 2024, điều này sẽ tạo ra rủi ro chính trị đáng kể cho Kiev. Quân đội Ukraine có thể sẽ bảo toàn lực lượng và trang thiết bị cho cuộc tấn công mới vào năm 2025 khi sản xuất vũ khí của phương Tây tăng lên. Dù vậy, điều này sẽ đánh dấu thêm một năm nữa Kiev không thể đạt được bất kỳ thành quả đáng kể nào. Đây có thể là động lực thúc đẩy nhiều tiếng nói quốc tế kêu gọi Kiev thỏa hiệp với điện Kremlin.
Cả Nga và Ukraine hiện đều chưa sẵn sàng đàm phán. Thay vào đó, cả hai bên vẫn tiếp tục lựa chọn giải pháp quân sự và hướng đến các chiến dịch mới năm 2024. Giới lãnh đạo Ukraine hiểu họ phải giành lại đà tiến công đã mất trong cuộc phản công gần đây và duy trì sự ủng hộ quốc tế vốn có vai trò then chốt với nỗ lực quân sự của nước này.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: Atlantic Council