Lợi thế của máy bay đổ bộ
Căng thẳng ngày càng tăng với Trung Quốc đã khiến quân đội Mỹ tìm cách mở rộng hiện diện trên Thái Bình Dương nhằm đối phó với kho tên lửa và lực lượng hải quân đang phát triển của Bắc Kinh.
Kết xuất đồ họa của MC-130J Commando II với sự điều chỉnh về khả năng hạ cánh trên bộ và trên biển. Ảnh: AFSOC
Đặc biệt, Không quân Mỹ có kế hoạch bố trí các chiến đấu cơ và phi công ở khu vực giữa bối cảnh lực lượng đặc nhiệm hiện đang gấp rút trang bị để máy bay "ngựa thồ" hạ cánh được cả trên đất liền và trên biển. Bộ Chỉ huy Các lực lượng đặc nhiệm của Không quân Mỹ (AFSOC) tuần này cho biết, lực lượng này sẽ nhanh chóng cho ra đời mẫu đầu tiên của MC-130J nhằm tăng "khả năng viễn chinh và độc lập về đường băng" qua việc phát triển "bộ phận điều chỉnh hạ cánh trên bộ và trên mặt nước có thể tháo rời".
Biến thể của MC-130 đã hỗ trợ các chiến dịch của quân đội Mỹ kể từ những năm 1960. MC-130J là phiên bản mới nhất và là xương sống của lực lượng máy bay cánh cố định thuộc AFSOC. Chiếc máy bay 114 triệu USD này đã cải tiến hệ thống định vị và radar cho phép nó hoạt động ở những khu vực không thuận lợi. Tuy nhiên, phiên bản MC-130J Commando II Amphibious Capability (MAC) còn có thể hoạt động trên biển và khu vực ven bờ.
MAC "giúp cho Không quân Mỹ tăng cường khả năng tiếp cận nhằm thâm nhập, giải cứu, phục hồi nhân sự, cũng như cung cấp khả năng hậu cần nâng cao", Trung tá Josh Trantham thuộc AFSOC cho biết.
Các chiến dịch trên biển cung cấp các vị trí "gần như không giới hạn" cho việc hạ cánh và sẽ mở rộng tiếp cận cũng như khả năng sống sót cho MC-130J và chỉ huy sử dụng nó, ông Trantham nhận định.
AFSOC hiện đang làm việc với ban điều hành của Phòng nghiên cứu thí nghiệm và kế hoạch phát triển chiến lược của Không quân cùng với các bên tư nhân. Theo đó, họ đang thử nghiệm mẫu máy bay này trên Digital Proving Ground, một nền tảng xây dựng mô hình thực tế ảo và thiết kế với sự trợ giúp của máy tính nhằm hỗ trợ nhà sản xuất trong việc mô phỏng, thử nghiệm và sử dụng.
Nỗ lực này có mục đích nhằm làm giảm rủi ro cho việc sử dụng trong chương trình tương lai khi các biến thể của MC-130J và C-130 được trang bị khả năng hạ cánh trên bộ và trên biển.
Sự trở lại của thủy phi cơ đổ bộ
Thủy phi cơ cuối cùng của Mỹ dừng hoạt động trong lực lượng Tuần Duyên Mỹ năm 1983, 16 năm sau khi Hải quân dừng sử dụng thủy phi cơ cuối cùng. Máy bay đổ bộ đóng vai trò quan trọng trong Thế chiến II nhưng những tiến bộ công nghệ trong Chiến tranh Lạnh khiến chúng giảm giá trị.
Tuy nhiên, lợi ích từ máy bay đổ bộ ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Một số quốc gia, trong đó có Nga và Nhật Bản vẫn sử dụng chúng và sự phát triển của Trung Quốc với AG600 - thủy phi cơ đổ bộ lớn nhất thế giới đang có những bước tiến ổn định.
Trung Quốc đã đầu tư lớn vào hạm đội máy bay vận tải nhằm hỗ trợ các chiến dịch viễn chinh, Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế tại Tập đoàn RAND cho hay.
"Một máy bay đổ bộ sẽ giúp chúng ta tiếp cận những khu vực mà nếu không có nó thì sẽ khó có thể tiếp cận. Các máy bay này có thể hỗ trợ tàu chiến bị mắc kẹt trên biển hoặc trong trường hợp cần kết nối với một số tàu trên biển mà không có đường băng", chuyên gia này đánh giá.
Trung Quốc dự kiến sử dụng AG600 cho chiến dịch tìm kiếm và giải cứu, vận tải và cứu hỏa, cũng như những nhiệm vụ khác. Các quan chức của AFSOC cho biết, máy bay đổ bộ sẽ có giá trị quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh nước lớn và ông Trantham cũng tán thành với quan điểm này.
"MAC sẽ có thể được các đối tác, đồng minh và lực lượng liên quan của chúng tôi sử dụng", ông Trantham cho hay, đồng thời nhận định việc sử dụng máy bay này "cùng với một số công cụ tiên tiến khác sẽ tạo nên tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các đối thủ cạnh tranh chiến lược của chúng tôi trên chiến trường tương lai"./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo: Business Insider