TNV - Nhân kỉ niệm 109 năm ngày sinh của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế và cũng là Viện trưởng Viện Chống lao đầu tiên, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống Lao Quốc gia đã tổ chức Lễ phát động nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB và Tọa đàm “Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với sự nghiệp chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam“ vào chiều ngày 11/5 tại Hà Nội.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch có nhiều công trình nghiên cứu y học được đánh giá cao ở trong và ngoài nước. Ông là một trong những chuyên gia có tên tuổi về bệnh lao trên thế giới với hơn 80 bài nghiên cứu về bệnh lao đã được đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học ở Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Mỹ... Từ năm 1957, ông cùng đồng nghiệp phát minh nhiều phương pháp phòng chống và điều trị bệnh lao có hiệu quả cao. Bác sĩ là người đầu tiên đã dùng kích sinh chất Filatov tiêm vào huyệt phổi để điều trị lao có kết quả; đề xuất nghiên cứu vắcxin BCG chết (thay BCG sống) góp phần tích cực trong công tác phòng bệnh lao; dùng vi khuẩn Bacllus subtilis sống để điều trị lao và các bệnh về phổi cùng một số bệnh nhiễm khuẩn khác...
Theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đối với các bệnh "xã hội", không thể giải quyết chỉ bằng thành lập các bệnh viện mà chủ yếu phải chữa bệnh nhân ngoài cộng đồng, phải tổ chức phòng bệnh, xây dựng mạng lưới, đào tạo cán bộ, tìm hiểu tình hình mắc bệnh... Đó chính là những kiến giải của ông với Nhà nước để thành lập Viện Chống Lao năm 1957, mục đích vừa làm tốt công tác khám chữa bệnh, vừa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến. Ông chủ trương cần tích cực đem những thành tựu khoa học mới nhất của thế giới ứng dụng vào hoàn cảnh nước ta. Ông cũng chủ trương tìm những kỹ thuật thích hợp huấn luyện cho cán bộ y tế cơ sở. Đây cũng chính là những nội dung chủ yếu của Chương trình Chống lao Quốc gia ngày nay.
Đánh giá những thành tựu đóng góp của ông trong nghiên cứu khoa học, nhà nước ta đã nhận định “Phạm Ngọc Thạch đã nêu một tấm gương về cách nhìn, cách nghĩ, cách nghiên cứu để giải quyết một cách sáng tạo và độc đáo những vấn đề khó khǎn và phức tạp của việc thanh toán những bệnh tật do chế độ cũ để lại, trong việc vệ sinh phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe nhân dân và đồng chí đã thành công trong nhiều công trình nghiên cứu quan trọng.” (Lời Điếu văn tại Lễ truy điệu Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch do Thủ tướng Phạm Vǎn Đồng đọc.
Hơn 19.000 cán bộ phòng, chống lao trên cả nước ngày nay vẫn luôn không ngừng học tập tấm gương đạo đức cũng như những tư tưởng vượt thời gian của ông - Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên và cũng là Viện trưởng Viện Chống lao đầu tiên cua Việt Nam.
PV