TNV - Ngày 24/2 tại Hà Nội, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức tọa đàm “Chia sẻ ký ức – Phát huy di sản” với mục đích đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động phát huy giá trị di sản. Đồng thời thông qua buổi tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát động các phong trào hiến tặng, chia sẻ tài liệu nói chung trong xã hội.
Hiện nay, bên cạnh khối tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các Lưu trữ quốc gia, còn rất nhiều tài liệu, tư liệu đang nằm rải rác trong các bộ sưu tập của các cá nhân, tổ chức, cũng như trong các câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử. Các tài liệu, tư liệu này có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau, giúp phác họa được bức tranh về đời sống xã hội một cách toàn diện nhất trong lịch sử.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chia sẻ ký ức dưới nhiều hình thức đã trở thành một xu hướng cũng như nhu cầu tất yếu của xã hội. Các cá nhân và tổ chức đã chủ động chia sẻ thông tin phục vụ cho đông đảo công chúng. Do đó, chia sẻ sẽ tạo cơ hội cho di sản hội tụ và phát huy giá trị tốt nhất.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, Nhà Sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ: Con người có hai xu hướng, một là “giữ khư khư cho mình”, hai là “mang ra khoe”. Vì vậy chúng ta phải có phương thức, có những chính sách thiết thực để khích lệ họ phát huy những tài liệu, tư liệu lưu trữ cá nhân.
Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước nhận định, chúng ta chỉ có thông tin khi mọi người chia sẻ. Khi tất cả cùng chia sẻ sẽ tích hợp thành khối thông tin, tri thức, văn hóa, mà mọi người đều có thể tiếp cận một cách dễ dàng.
Theo Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Trần Thị Mai Hương, phát huy giá trị tài liệu là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, Trung tâm đã đưa di sản tài liệu lưu trữ đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Trung tâm đã chủ động chia sẻ thông tin tài liệu lưu trữ thông qua các bài viết, ấn phẩm, triển lãm. Đồng thời, Trung tâm cũng nhận được sự hưởng ứng đóng góp tư liệu của nhiều cá nhân để các hoạt động phát huy giá trị di sản ngày càng hiệu quả.
Mô hình cầu Long Biên bằng tre trong Triển lãm “Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử”
Tại Tọa đàm, các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm cũng trao đổi nhiều câu chuyện về việc sưu tầm, chia sẻ, phát huy giá trị các di sản. Nghệ sỹ Trần Quốc Dũng, người tặng cây cầu Long Biên bằng tre trong Triển lãm “Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử” cho biết, di sản phải có sự thú vị, nên anh đã dựng mô hình cây cầu Long Biên bằng tre. Anh muốn nối ký ức quá khứ với hiện tại và tương lai.
Thông qua buổi tọa đàm lần này đã đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động phát huy giá trị di sản, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát động các phong trào hiến tặng, chia sẻ tài liệu nói chung trong xã hội. Qua đó, phát huy hiệu quả di sản vì lợi ích chung của toàn xã hội. Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ, chia sẻ và phát huy di sản góp phần giáo dục tình yêu di sản, là tiền đề cho việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ.
Hải Hà