Phát triển cao su tại vùng Tây Bắc là chủ trương lớn của Chính phủ. Năm 2008, khi giá mủ cao su tại thị trường thế giới ở mức đỉnh điểm, Chính phủ công nhận cao su đã được công nhận là cây đa mục đích năm 2008. Với chức năng mới này, diện tích trồng cao su đã được phát triển mới hoặc mở rộng tại nhiều địa bàn.
Người dân góp đất trồng cao su ở Tây Bắc.
Tại vùng Tây Bắc, mô hình người dân góp đất trong quỹ đất canh tác ít ỏi của mình trước đó được trồng các loại cây màu ngắn ngày như lúa, ngô, sắn, cùng với các công ty của Nhà nước để trồng cao su bắt đầu được hình thành. Lần đầu tiên, mô hình người dân góp đất trồng cây nghiệp lâu năm (20-30 năm) được hình thành. Nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương cũng được đưa ra với mục tiêu hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình sinh kế của hộ. Nhằm chính thức hóa mô hình người dân góp đất trồng cao su tại Tây Bắc, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 990/QĐ-TTg ngày 18/6/2014, cho phép thí điểm mô hình hộ dân góp đất để hợp tác với công ty của Tập đoàn Cao su để phát triển cao su tại Sơn La. Quyết định nêu rõ “hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện thí điểm cho hộ dân góp đất; tổng kết đánh giá kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV năm 2018.” Đến nay, thời hạn đánh giá kết quả của mô hình thí điểm đã qua.
Với trên 30.000 ha, chủ yếu từ nguồn đất canh tác của các hộ đồng bào dân tộc, đã được góp cùng với các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su để phát triển các diện tích cao su ở vùng Tây Bắc bắt đầu kể từ năm 2007-2008. Với bình quân mỗi hộ góp 1 ha, tổng số hộ tham gia mô hình là trên dưới 30.000 hộ, bao gồm nhiều hộ nghèo, tương đương với 120.000 – 150.000 khẩu. Tác động của mô hình này tới sinh kế của các hộ tại vùng Tây Bắc là rất lớn.
Khảo sát nhanh tại 6 cộng đồng tại Sơn La của nhóm nghiên cứu trong tháng 2-3 năm 2019 cho thấy mô hình góp đất trồng cao su đã thay đổi quỹ đất canh tác hàng năm của hộ rất lớn. Cụ thể, trong 399 hộ phản hồi khảo sát, có 15% số hộ góp trên 80% diện tích đất canh tác của mình vào mô hình, 17% số hộ góp 60-80% diện tích đất canh tác, 44% góp 40-60% diện tích. Mặc dù hầu hết các hộ vẫn còn các diện tích đất canh tác, quỹ đất còn lại, bao gồm cả đất lúa nước còn quá nhỏ để các hộ có thể phát triển bền vững.
Tọa đàm.
Khoảng 75% số hộ tham gia Khảo sát cho rằng thu nhập của hộ giảm so với trước khi tham gia góp đất trồng cao su. Cụ thể, 9% số hộ cho rằng thu nhập của mình giảm trên 80%, 38% số hộ cho rằng thu nhập giảm 40-80%. Nguồn thu từ đất đai giảm là kết quả của việc góp đất dẫn đến hộ phải thay đổi các hoạt động sinh kế. Trước khi góp đất, 57% số hộ trong tổng số 425 hộ phản hồi Khảo sát cho biết nguồn thu từ cây hàng năm trồng trên các diện tích đất sau đó dành cho cao su là nguồn thu quan trọng nhất. Sau góp đất, nguồn thu từ làm thuê bên ngoài đã trở thành quan trọng nhất. Các tác động xã hội của việc thay đổi cấu trúc các hoạt động sinh kế cần được đánh giá một cách chi tiết.
Mô hình người dân góp đất với công ty để phát triển cây hàng hóa nhằm phục vụ xuất khẩu luôn có các cơ hội và rủi ro đan xe. Bức tranh ảm đảm về cầu cao su trên thế giới cho thấy các rủi ro hiện hữu của mô hình, đặc biệt đối với các hộ dân nghèo góp đất. Kết quả của Khảo sát nhanh chỉ là những thông tin rất ban đầu về mô hình. Ngày 18/4 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cần đánh tổng thể hiệu quả của toàn bộ mô hình người dân góp đất trồng cao su tại Tây Bắc. Đánh giá cần được thực hiện một cách minh bạch, công khai trong thời gian sớm nhất, với sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cộng đồng và các công ty. Kết quả của đánh giá này trên các phương diện về xã hội, môi trường và kinh tế làm nền tảng để có những bước tiếp theo, với mục tiêu giảm thiểu các khó khó khăn về sinh kế cho các cộng đồng góp đất.
T.H