TNV - Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 30 – VIETNAM MEDI-PHARM 2023, Ban tổ chức triển lãm phối hợp cùng Bệnh viện Bạch Mai, Hội Chữ Thập Đỏ Thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Morinaga Milk Việt Nam..., tổ chức Chương trình Hội thảo tọa đàm, phổ biến kiến thức “Bệnh lý về đường tiêu hóa - Chẩn đoán và phòng ngừa” chiều ngày 11/5 tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Hiển – Phó Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Hà Nội phát biểu khai mạc Tọa đàm
Bệnh lý đường tiêu hóa là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết mọi người đều có nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa; theo thống kê cho thấy 62% dân số thế giới đang gặp các vấn đề về sức khỏe tiêu hóa, có đến 40% dân số thế giới bị các vấn đề mãn tính về đường tiêu hóa, và có đến 62% dân số đang gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tiêu hóa phổ biến như đau dạ dày, khó tiêu…
Tiêu hóa khỏe đồng nghĩa với hệ miễn dịch khỏe mạnh, là chìa khóa phòng tránh bệnh tật; tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hệ tiêu hóa còn chưa được người dân chú trọng đúng mức trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Ngoài vai trò chính giúp tiêu hóa thức ăn tạo năng lượng cho cơ thể, hệ thống tiêu hóa còn đóng vai trò rất quan trọng hỗ trợ chức năng miễn dịch bởi 70% hệ miễn dịch biểu mô của chúng ta nằm ở hệ tiêu hóa.
Khi bị bệnh về đường tiêu hóa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, tuy nhiên bệnh lý này hoàn toàn có thể phòng tránh được và chữa khỏi nếu phát hiện sớm, từ đó người mắc bệnh lý sẽ có hướng điều trị, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng với lối sống lành mạnh và khoa học hơn.
Tặng hoa cho các đại biểu tham dự chương trình
Tọa đàm được tổ chức với mục tiêu giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tiêu hóa đối với sức khỏe của người dân. Đồng thời hoạt động cũng nhằm hưởng ứng “Ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 29/5” với mong muốn chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh. Thông qua đó giúp tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; giúp người dân hiểu rõ hơn về bệnh đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong công tác chẩn đoán điều trị bệnh...
Ban tổ chức tin tưởng chương trình sẽ thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, giới chuyên môn và sẽ mang lại nhiều thông tin, kiến thức bổ ích góp phần nâng nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp người dân có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hoá đối với sức khoẻ; đồng thời thông qua chương trình sẽ đẩy mạnh công tác y tế dự phòng; góp phần thực hiện chiến lược bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng đã đưa ra một số lời khuyên giúp người dân hạn chế mắc bệnh về tiêu hoá. Đó là:
Ăn uống lành mạnh: Trước hết để tránh mắc các bệnh do ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, năng suất lao động, học tập và công tác cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thật tốt, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực hiện ăn chín, uống nước đã đun sôi, không ăn tiết canh, rau sống, nem chua, nem chạo, gỏi cá…, không lạm dụng rượu, bia hoặc không lạm dụng các loại chất kích thích chua, cay (ớt, dấm, mù tạt…).
Cách ăn để tránh mắc bệnh dạ dày: Ăn uống cần điều độ, ăn chậm, nhai kỹ, ăn xong không nên nằm ngay, nên ăn nhiều rau, ăn thêm trái cây, uống đủ lượng nước cần thiết (1,5 – 2,0 lít/ ngày).
Vận động: Hàng ngày nên vận động cơ thể đều đặn, thường xuyên với những phương thức phù hợp với điều kiện và sức khoẻ của mình để làm cho khí huyết luôn được lưu thông, tiêu hoá tốt như đi bộ, bơi, chơi cầu lông…
Khi nghi ngờ mắc bệnh: Người bệnh cần đi khám bệnh ở cơ sở y tế càng sớm càng tốt, không nên để người không có chuyên môn về y học khám và điều trị.
Từ năm 2004, Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới được tổ chức hàng năm vào ngày 29/5 bởi Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF), nhằm nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh và/ hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.
PV