TNV - Sáng ngày 21/10 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đãtổ chức Tọa đàm với chủ đề “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán hậu COVID- 19” với sự tham dự của đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam, đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cùng nhiều chuyên gia kinh tế, CEO doanh nghiệp, các nhà đầu tư kì cựu…
Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ: Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội, mặt bằng giá cổ phiếu còn thấp và vẫn có tiềm năng tăng trưởng.
Tổng biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, ông Vũ Kim Thành phát biểu khai mạc sự kiện
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) có nhận định: Năm 2020 là một năm đầy biến động với thị trường chứng khoán. Dưới tác động của dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã sụt giảm sâu trong quý 2/2020 với mức giảm tới 33%. Tuy nhiên, thị trường đã có sự phục hồi khá tốt và có thể nói là tốt hơn các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong tháng 9 có 31.418 tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư cá nhân được mở mới, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 đạt 252.026 tài khoản, cao hơn 34% lượng tài khoản mở mới của cả năm 2019 (180.000 tài khoản). Số lượng tài khoản tăng kéo theo giao dịch tăng khiến thị trường ngày càng trở nên sôi động. Khối lượng giao dịch trung bình trên 2 sàn HOSE và HNX trong 2 quý II và III tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Toàn cảnh buổi Toạ đàm
Bà Tạ Thanh Bình cũng cho biết: Diễn biến của dòng vốn ngoại có tác động trực tiếp và mạnh mẽ lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường hiện nay đã có những điểm khác biệt, ít phụ thuộc hơn vào khối ngoại và thị trường thế giới. Quan điểm chung của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán được đồng tình của nhiều thành viên thị trường là sự tôn trọng sự vận hành tự nhiên của thị trường, hạn chế can thiệp quá mức vào thị trường. Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/7/2020 và sẽ được thi hành từ 1/1/2021 cùng 4 thông tư đang được xây dựng để hoàn thiện cơ sở pháp lý giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững.
Còn ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) lại cho rằng: Hiện tại, trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn và chưa biết khi nào dịch bệnh mới kết thúc. Do đó, chúng ta nên biết rằng hiện nay vẫn là trạng thái “bình thường mới” cho giai đoạn này, chuyển từ giai đoạn cân bằng này sang giai đoạn cân bằng khác.
Theo ông, thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, thanh khoản trên thị trường cơ sở tăng 2,7% và cũng tăng 90% giao dịch trên thị trường phái sinh trong giai đoạn vừa qua. Thanh khoản thị trường tốt trên cả kỳ vọng. Tuy nhiên, một yếu tố quan trọng của thị trường là việc huy động vốn sụt giảm và gặp những khó khăn nhất định.
Theo chuyên gia Lê Đức Khánh, Giám đốc phòng Phát triển năng lực đầu tư CTCP chứng khoán VPS, số liệu thống kê về nhà đầu tư cá nhân mở mới từ quý II đến nay đã tăng khá mạnh. Tuy nhiên so với quy mô dân số thì vẫn rất khiêm tốn. Khoảng 300.000 tài khoản mở mới trong giai đoạn gần đây vẫn quá thấp.
Với triển vọng kinh tế, lãi suất rất thấp giúp nguồn tiền lớn trong hệ thống ngân hàng khiến các nhà đầu tư tìm sang kênh đầu tư khác như chứng khoán. So với rất nhiều nước trên thế giới, số lượng nhà đầu tư mới đầu tư trên thị trường chứng khoán rất nhiều. Dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn. Mặt bằng chung định giá cổ phiếu còn thấp với P/E khoảng 16. Dòng tiền luân chuyển khá tốt qua các nhóm cổ phiếu như ngân hàng (CTG, VPB, TCB,...) nhóm thép (HPG, HSG) hay nhóm chứng khoán, công nghệ,...
Với triển vọng kinh tế, lãi suất rất thấp do nguồn tiền lớn sẵn có trong hệ thống ngân hàng khiến các nhà đầu tư tìm sang kênh đầu tư khác như chứng khoán. Dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn tạo nhiều cơ hội để đầu tư, ông Khánh nhận định.
T.H