Tại buổi toạ đàm đã có nhiều Báo cáo được các nhà khoa học, cán bộ quản lý trình bày về đang nóng hiện nay như: Thực trạng rác thải nhựa; hạn chế về cơ chế chính sách và một số giải pháp công nghệ hiện đại xử lý rác thải nhựa…
Thực trạng rác thải nhựa, các diễn giả đã thống kê, trích dẫn nhiều số liệu phong phú: Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2015 số lượng tiêu thụ nhựa ở Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, từ 3,8kg/người/năm lên đến 41kg/người /năm. Lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12% số lượng chất thải nhựa, túi ni-lông được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Về nội dung hạn chế cơ chế chính sách và một số giải pháp, các diễn giả đã có những phân tích sâu sắc về vai trò quan trọng của việc xây dựng cơ chế chính sách liên quan việc thu gom, xử lý rác thải nhựa. Hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn trong đó có chất thải nhựa về cơ bản đã được xây dựng, bao gồm chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn, tạo nguồn nguyên liệu đầu vào, chính sách hỗ trợ sản xuất (ưu đãi mặt bằng, vay vốn, giảm thuế…), chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế). Tuy nhiên, hệ thống chính sách nói trên vẫn chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập, chưa thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn một cách hiệu quả. Vấn đề bảo vệ môi trường biển và quản lý chất thải đã được nêu ra trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, trong đó đã có một số quy định liên quan kiểm soát rác thải nhựa, túi ni-lông. Tuy vậy, còn rất hạn chế, chưa đầy đủ. Mức độ ô nhiễm do chất thải, rác thải tại Việt Nam nhiều nơi thường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Theo PGS. TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trực thuộc Tổng cục Biển và Hải Đảo - Bộ Tài nguyên & Môi trường chia sẻ: “Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải ngày càng được hoàn thiện, tuy nhiên, vẫn còn chưa đầy đủ hoặc còn những bất cập nhất định. Chất thải nhựa là loại chất thải chiếm lượng lớn trong tổng số lượng chất thải phát sinh, lại có những tác động rất nguy hại tới môi trường, tuy nhiên, chưa có các quy định cụ thể để quản lý loại chất thải nhựa này đặc biệt là loại nhựa sử dụng một lần”.
PGS. TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trực thuộc
Tổng cục Biển và Hải Đảo - Bộ Tài nguyên & Môi trường tại Tọa đàm.
Hệ thống chính sách hỗ trợ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn trong đó có chất thải nhựa về cơ bản đã được xây dựng, bao gồm: chính sách phân loại chất thải rắn tại nguồn tạo nguồn nguyên liệu đầu vào; chính sách hỗ trợ sản xuất (ưu đãi mặt bằng, vay vốn, giảm thuế,...); chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm (trợ giá và khuyến khích tiêu dùng sản phẩm tái chế). Tuy nhiên, hệ thống chính sách này vẫn chưa đầy đủ và còn những bất cập, chưa thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải rắn”, ông cho biết thêm.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam khẳng định: “Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, năm 2014 khoảng 1,8 triệu T/năm, năm 2016 khoảng 2 ,0 triệu T/năm và hiện nay khoảng 3,27 triệu T/năm được tạo ra tại Việt Nam. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới). Tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam.
Phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa , túi nilon được xử lý ,tái chế , số còn lại chủ yếu là chôn lấp , đốt và thải ra ngoài môi trường . Đây có thể dẫn đến thảm họa môi trường, đặc biệt ô nhiễm đại dương. Đặc biệt, trong rác thải y tế có khoảng 5% là rác thải nhựa. Mỗi ngày, có khoảng 22 Tấn chất thải nhựa được thải ra từ các hoạt động y tế. Trong số đó lẫn với rác thải nguy hại (thuốc, hóa chất..). Thu gom, tái chế và chôn lấp loại rác thải nhựa này đều ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường.
Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa; Sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; Công nghệ tái chế rác thải túi nilon , rác thải nhựa”.
Cũng tại Tọa đàm, ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: “Đối với Rác sinh hoạt thông thường nói chung, hiện tại công tác thu gom đang gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng như: thiếu cơ sở hạ tầng dành cho công tác duy trì VSMT (trạm trung chuyển, điểm cẩu, …); Chính quyền chưa thực hiện xử phạt các hành vi vi phạm về VSMT trên địa bàn theo NĐ 155 NĐ-CP.
Ông Phạm Văn Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội
Ngân sách chi cho lĩnh vực DTVS còn hạn chế, Cơ cấu tính giá các hạng mục dịch vụ lĩnh vực môi trường như nguyên giá xe vận chuyển thấp hơn thời điểm hiện tại, Cấp bậc thợ bình quân (hiện nay là 3/7) giảm theo các năm, một số định mức duy trì giảm….; Rác thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại, người dân, các chủ nguồn thải không quan tâm đến việc thải bỏ. Vẫn duy trì thói quen cố hữu bỏ rác không theo thời gian, địa điểm quy định.
Dự thảo luật đã được thông qua, chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác phân loại dẫn đến các địa phương đều triển khai khác nhau về chủng loại rác cần phân loại, chủng loại rác cần phân loại, qui định mầu sắc; cách thức phân loại, lưu trữ.
Ngoài ra, khó khăn đối với công tác thu gom chất thải nhựa nói riêng, đó là: Đặc thù rác thải nhựa thường cồng kềnh, kho vận chuyển và lưu trữ hạn chế; Lực lượng thu gom hiện đang hoạt động tự phát, phân tán; Chưa có kinh phí trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn cũng như gói hỗ trợ ưu đãi trong việc đầu tư hệ thống tái chế; Nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại rác và sử dụng vật phẩm tái chế còn hạn chế; Tại Hà Nội,chưa đồng bộ trong việc thu gom, xử lý rác thải.
Đại diện Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đưa ra các kiến nghị: Đối với rác thải sinh hoạt thông thường, cơ quan quản lý cấp trên cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể cho từng hạng mục được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường (72/2020/QH14); Ban hành đề án giá dịch vụ, nâng mức giá dịch vụ theo tiến trình và người phát thải phải chi trả đủ chi phí từ khâu thu gom đến xử lý cuối cùng. Phía chính quyền cần tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm về VSMT trên địa bàn, thực thi việc xử phạt theo NĐ 155 NĐ-CP; UBND các quận tiếp tục xem xét, bố trí quỹ đất để làm điểm sang tải rác từ đó giảm điểm cẩu tập trung và các hạ tầng dành cho dịch vụ VSMT; Xem xét lại kinh phí chi cho linh vực duy trì VSMT, ban hành giá các hạng mục theo đúng cơ chế tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành giá.
Để giải quyết khó khăn trong thu gom, quản lý chất thải nhựa, Ông Phạm Văn Đức kiến nghị cụ thể: Cần hỗ trợ kinh phí và các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đối với các dự án xây dựng nhà máy tái chế nhựa; Bổ sung kinh phí cho việc Phân loại rác trong các gói thầu Vệ sinh môi trường.”
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM
Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP. HCM cho rằng: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện, cụ thể:
Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực. Song hành cùng với đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.
Thứ hai, xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu vào, áp dụng khoa học công nghệ vào các ngành, đặc biệt là xử lý rác thải để tái tạo nguyên liệu mới. Quy định lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.
Thứ ba, điều chỉnh quy hoạch năng lượng, giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, thủy điện; kiểm soát, thu hút có chọn lọc dự án đầu tư trên cơ sở xem xét các yếu tố về quy mô sản xuất, công nghệ sản xuất, kỹ thuật môi trường và vị trí thực hiện dự án. Xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải.
Thứ tư, Đổi mới công nghệ, là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, đồng thời tạo được cơ hội việc làm mới... đảm bảo mục tiêu của mô hình này.
Thứ năm, để mở rộng nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất cần phải xác định rõ đâu là ưu tiên hàng đầu của DN. Thay vì sản xuất sản phẩm càng nhanh, càng rẻ càng tốt, thì độ bền của sản phẩm và quy trình sản xuất bền vững mới là yếu tố then chốt. Sản phẩm cần được thiết kế sao cho dễ dàng tái chế nếu muốn chúng không phải kết thúc số phận ở các bãi chôn rác. Ngoài ra, DN cần nỗ lực phát triển các chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. Đặc biệt, phần khó khăn nhất trong sứ mệnh mở rộng nền kinh tế tuần hoàn sẽ là thuyết phục người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm.
Thứ sáu, xây dựng Chiến lược truyền thông về kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất và công chúng về trách nhiệm của họ đối với các sản phẩm trong suốt vòng đời của chúng. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển đưa vào tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.”
Dự Toạ đàm trực tuyến còn có PGS.TS Đỗ Văn Mạnh - Phó viện trưởng Viện Công nghệ môi trường – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. PGS.TS Đỗ Văn Mạnh vừa được nhận giải nhất Giải sáng tạo Châu Á 2020 của Quỹ toàn cầu Hitachi đã được CLB nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam bình chọn là một trong những sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật nhất năm 2020. Là người có nhiều công trình nghiên cứu về rác thải nhựa và vi nhựa, PGS.TS Đỗ Văn Mạnh cho biết: Dù không phủ nhận những lợi ích đặc biệt của nhựa đối với cuộc sống hiện đại song những tác động tiêu cực của nhựa gây ra cho môi trường và các loài sinh vật cũng như nguy cơ tiềm tàng đối với sức khỏe con người là rất đáng quan tâm khi mà vi nhựa được tìm thấy ở khắp nơi từ các vùng cực đến vùng xích đạo, từ thềm lục địa, ven biển đến đại dương và chúng có mặt trong cột nước, trầm tích và trong các loài sinh vật.
PGS.TS Đỗ Văn Mạnh - Phó viện trưởng Viện Công nghệ môi trường – Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Có thể thấy một thực tế là số lượng nghiên cứu về vi nhựa trong môi trường đã tăng lên nhanh chóng trong thập kỷ qua, với hàng trăm nghiên cứu mới và kết quả được công bố về sự có mặt, số phận và nguồn gốc của vi nhựa trong nước biển và nước ngọt. Tuy nhiên, dù vi nhựa là một chủ đề nhận được sự quan tâm nóng thì hiện nay phần nhiều nghiên cứu về vi nhựa mới dừng lại ở sự hiện diện của nó trong môi trường, còn những nghiên cứu liên quan quá trình tiêu hóa các vi nhựa bởi các sinh vật thủy sinh hay sâu hơn nữa là những hậu quả tiềm tàng, những đáp ứng của cơ thể khi phơi nhiễm vi nhựa trong hệ tiêu hóa, mô sinh học và chuỗi thức ăn hiện có khá hạn chế”.
Ngoài ra, nhiều diễn giả kiến nghị: Các cấp có thẩm quyền cần xây dựng cơ chế chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ các loại túi ni-lông thân thiện môi trường. Cần tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông khó phân hủy. Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; các cấp có liên quan cần ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.
Tại tọa đàm, công ty Welle đã giới thiệu công nghệ MYT của Đức thích ứng với điều kiện xử lý rác thải rắn sinh hoạt ở nước ta. Công nghệ này có giải pháp chế biến rác thải rắn sinh hoạt (dạng chưa phân loại, độ ẩm cao) thành nguyên liệu RDF (gồm chất hữu cơ, có thành phần có thể cháy được như nhựa).
Hoàng Hà