TNV - Pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Báo Ân, hiện đang được trưng bày tại bảo tàng Guimet (Paris, Pháp). Pho tượng được tạc vào thế kỉ XIX cùng lúc với thời gian xây dựng chùa Báo Ân, một trong những ngôi chùa to lớn bậc nhất miền Bắc thời ấy.
Thế nhưng, cuộc chiến tranh giữa triều đình Nguyễn với thực dân Pháp ngày càng khốc liệt đã khiến ngôi chùa trở nên hoang tàn, đổ nát. Trong bối cảnh đó, ông Gustave Dumoutier, một người yêu cổ vật, đồng thời là thành viên của Viện Hàn lâm Bắc kỳ (Académie Tonkinoise) đã đưa pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm về Pháp và quyên tặng pho tượng cho Bảo tàng Guimet vào năm 1889. Ngay sau đó, chùa Báo Ân bị san bằng để xây Sở Bưu điện Hà Nội, nay là Bưu điện Hà Nội.
Pho tượng Quán Âm này được tạo hình bằng chất liệu gỗ (phủ sơn, thếp vàng), cao 151cm, thể hiện vị Bồ tát trong tư thế đứng trên bệ tòa sen, với vô số các cánh tay xếp thành sáu lớp đưa ra có bố cục hình cánh cung. Mặt sau của các cánh tay này nối ghép vào với nhau, tạo thành một mặt phẳng. Toàn thân tượng trong tư thế đứng, y phục dài phủ kín xuống đôi chân trần, hai chân có đeo chuỗi dây ngọc (chuỗi anh lạc). Tượng Ngài thể hiện có ba đầu (đầu ở hai cạnh bên có xu hướng nhỏ hơn), tượng đội mũ miện hình mây cách điệu có đính các viên bảo châu. Phía bên trên đầu có búi tóc nổi cao hình chóp, xung quanh vành mũ miện có năm vị Phật đang tọa thiền định, trong đó vị Phật trung tâm có kích thước lớn hơn toạ trên một toà sen có hai lớp cánh (bị vỡ phần đầu). Đầu của khuôn mặt ở hướng chính diện có dấu vết mờ nhạt của con mắt thứ ba, con mắt này đã bị lớp sơn son thếp vàng phủ lên bên trên. Khuôn mặt của bức tượng tròn đầy hiện lên nét hiền từ, gần gũi, từ bi, trang nghiêm.
Những đặc trưng trong nghệ thuật tạo hình của bức tượng chùa Báo Ân cho thấy đây là hình tướng của Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm. Bức tượng được điêu khắc một cách chân thực hình tướng của Ngài trong những kinh điển Mật giáo khi toàn thân có màu hoàng kim, mặt chính giữa có ba mắt, có ngàn tay ngàn mắt, trong ngàn cánh tay có bốn mươi hai tay cầm khí trượng hoặc bắt ấn, còn lại không cầm khí cụ.
Dựa vào Thiên Quang Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ tát bí mật pháp kinh cho biết trong ngàn cánh tay này thì 42 tay (hoặc 40 tay) là rất quan trọng khi mỗi bàn tay có nhiệm vụ cứu giúp 25 cõi. Trong Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) có tất thảy 25 cảnh giới, mỗi cảnh giới đều có chúng sinh sinh sống, luân hồi với nhiều nỗi thống khổ. Với một ngàn con mắt trông khắp ba cõi, nơi nào có chúng sinh gặp khổ nạn, Ngài sẽ ứng hiện và dang bàn tay từ bi ra để cứu giúp tức thì. Do đó, đôi khi người ta cho rằng, không nhất thiết hình tướng của Bồ tát Quán Âm phải có một nghìn tay, nhưng phải có đủ bốn mươi hai tay (hoặc bốn mươi tay), biểu hiện tấm lòng Đại bi của Bồ tát Quán Âm.
Bức tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân là một kiệt tác trong nghệ thuật Phật giáo nước ta. Bức tượng này đã được liệt vào danh sách là một trong 113 bảo vật tiêu biểu nhất đến từ các nền mỹ thuật tôn giáo châu Á gồm các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… Bức tượng này cùng với các tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), Mễ Sở (Hưng Yên), Đào Xuyên (Hà Nội)… là những minh chứng cho truyền thống tôn thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm ở Việt Nam. Trong số những tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm hiện biết, bức tượng Quán Âm chùa Báo Ân là bức tượng trong hình tướng đứng với ngàn tay ngàn mắt duy nhất trong lịch sử.
Với mong muốn khôi phục lại một tuyệt tác đã không còn nơi đất mẹ, nhằm giúp công chúng, những người yêu di sản, yêu nghệ thuật có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm xuất sắc của ông cha, VPIN Studio đã tiến hành số hóa bức tượng dưới dạng 3D, từ đó tiến hành tái tạo, phục dựng bằng những công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại kết hợp cùng với kĩ thuật chế tác cổ truyền, cho ra đời sản phẩm tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Báo Ân. Sản phẩm phục dựng nguyên bản pho tượng Quan âm Thiên Thủ Thiên Nhãn đang trưng bày tại bảo tàng Guimet theo tỉ lệ 1:1 bằng công nghệ in 3D kết hợp với kĩ thuật sơn son thếp vàng cổ truyền.
Công đoạn nghiên cứu và chế tác kéo dài vì không thể tới tận nơi do tình hình dịch bệnh căng thẳng, họa sỹ phải dựng mô hình dựa trên ảnh chụp. Việc này không những đòi hỏi sự quan sát tinh tế, tỉ mỉ mà còn buộc họa sỹ phải phát huy khả năng tưởng tượng, năng lực hình dung mẫu vật trong không gian ba chiều. Để đảm bảo tính chính xác, họa sĩ cùng hai nhà nghiên cứu phải kết hợp, bàn bạc, thảo luận hàng trăm giờ đồng hồ, nghiên cứu từng chi tiết. Không chỉ cần đảm bảo về mặt thẩm mĩ, mà họa sỹ còn phải tính toán đến khả năng ghép nối các chi tiết, thiết kế các chốt, mộng cho từng bộ phận, đồng thời tính toán đến khả năng thăng bằng cho bức tượng với vòng tay rất lớn.
Khi đã có mô hình 3D thì việc tạo ra khuôn ban đầu của pho tượng trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ máy móc và vật liệu tổng hợp. Từng phần của pho tượng được tạo ra với các chi tiết chính xác đến từng mm. Ngược lại, tất cả những công đoạn sau đều phụ thuộc vào bàn tay và khối óc của người nghệ sĩ trẻ. Các phần của pho tượng được phun một lớp sơn đen dày mô phỏng lớp sơn của bức tượng gốc. Sau khi lớp sơn khô lại, pho tượng được tiến hành lắp ghép tổng thể.
Sau khi được ghép thành pho tượng hoàn chỉnh, những nghệ sĩ tiến hành dát vàng lên toàn bộ pho tượng. Công đoạn này tốn khoảng 10 ngày với 3 nghệ nhân làm việc liên tục. Để đạt được tiêu chí gần giống nhất với phiên bản gốc, những người nghệ nhân đã phủ lên pho tượng một lớp vàng dày, sau đó lại cạo đi một số phần để tạo cảm giác cổ kính, lên “màu thời gian” theo đúng tinh thần của pho tượng gốc.
Phiên bản này là di sản đầu tiên của Việt Nam ở nước ngoài được số hóa và phục dựng bằng công nghệ 3D, trước đó, đã có nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ này được ra mắt công chúng như tháp chùa Dạm, tượng Phật Tích, hộp vàng Ngọa Vân…Đây được coi như một hướng đi mới của ngành công nghiệp văn hóa và ngành di sản, trong xu thế chuyển đổi số đang ngày càng mạnh mẽ ở nước ta.
Phiên bản của pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân sẽ được trưng bày tới công chúng Hà Nội trong 4 ngày (từ 14 đến 17 tháng 12 năm 2021). Trong khuôn khổ chương trình, một buổi tọa đàm nhỏ quy tụ các nhà khoa học sẽ được tổ chức nhằm thảo luận thêm các vấn đề xoay quanh pho tượng như niên đại, xuất xứ, biểu tượng nghệ thuật vào ngày 17 tháng 12 năm 2021 tại Complex 01, Tây Sơn, Hà Nội.
Hải Hà