Bản đồ phương án phát triển khu công nghiệp tỉnh Long An 2030, tầm nhìn 2050
Hiện nay, toàn tỉnh có 34 KCN được thành lập với tổng diện tích trên 9.250 ha. Trong đó, 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất được quy hoạch gần 6.000ha (có 20 KCN đang hoạt động).
Đến năm 2030, Long An sẽ có 17 khu công nghiệp thành lập mới với diện tích tăng thêm gần 3.200ha, nâng tổng số khu công nghiệp của toàn tỉnh lên 51 khu với diện tích gần 12.500ha. Với số lượng trên, Long An sẽ là địa phương đứng thứ 2 (sau Bình Dương) cả nước về diện tích các khu công nghiệp, tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư.
Ngoài ra, Long An còn có kế hoạch bổ sung 37 khu công nghiệp tiềm năng thành lập mới trong trường hợp tỉnh được bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp.
Các KCN được phân bổ dựa theo tính chất chức năng và lợi thế quỹ đất, cửa ngõ đô thị TP. . Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, cụ thể:
Vùng công nghiệp trung tâm thành phố Tân An - Bến Lức: có định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Khai thác lợi thế tiếp cận TP. Hồ Chí Minh, đường Vành đai 2, đường cao tốc Bến Lức – sân bay Long Thành, cảng Hiệp Phước, cảng Long An nên trong vùng này ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao hỗ trợ phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
Hình thành mới vùng công nghiệp tập trung (chủ yếu ngành công nghiệp công nghệ cao) tại đô thị Bến Lức phía Bắc đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương. Các KCN nằm phía Nam tiếp tục triển khai như KCN Thuận Đạo, Vĩnh Lộc 2, Nhựt Chánh, Tân Bửu, Phúc Long,..
Vùng công nghiệp tập trung vùng phía Bắc (huyện Đức Hòa) có định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến.
Với vị trí nằm giữa 2 đường vành đai 2 và 3, cách đường Xuyên Á. Ngành nghề chính vùng công nghiệp phía Bắc là phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến.
Hình thành vùng công nghiệp tập trung tiếp cận ranh TP. Hồ Chí Minh tại huyện Đức Hòa trên cơ sở các KCN hiện hữu và mở rộng xây dựng mới. Hiện tại có các KCN đã và đang triển khai trong vùng công nghiệp là KCN Đức Hòa I, Xuyên Á, Đức Hòa III, Tân Đức, Tân Đô, Hải Sơn, DNN-Tân Phú, Nam Thuận (Đại Lộc), Hựu Thạnh…
Vùng công nghiệp phía Đông tại huyện Cần Giuộc - Cần Đước có định hướng phát triển hỗ trợ công nghiệp cảng và các ngành hạ nguồn sử dụng dịch vụ cảng.
Cảng biển Long An sẽ là hạt nhân để hình thành một vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ và khu đô thị hiện đại tại huyện Cần Giuộc. Các khu công nghiệp của tỉnh Long An và các tỉnh lân cận phát triển sẽ có nhu cầu rất lớn về xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Long An.
Hình thành khu công nghiệp tập trung, công nghiệp cảng tại cảng quốc tế Long An quy mô khoảng 2.000 ha.
Hiện tại có các KCN đã và đang triển khai trong vùng: KCN Thuận Đạo mở rộng, Cầu Tràm, Cầu cảng Phước Đông, Tân Kim, Nam Tân Tập, Bắc Tân Tập, Long Hậu.
Vùng công nghiệp phía Tây (thị xã Kiến Tường)
Có định hướng phát triển để hình thành khu công nghiệp phi thuế quan cửa khẩu Long An nhằm thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam và Campuchia.
Các vùng công nghiệp với các khu công nghiệp để hỗ trợ các cụm tiểu thủ công nghiệp tập trung quy mô vừa và nhỏ gắn với các đô thị nằm trên địa bàn Tỉnh.
Do phân bố không gian công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở khu vực phía Đông và Đông Bắc của tỉnh, tiếp giáp trực tiếp với TP. Hồ Chí Minh, nơi có dư địa về quỹ đất phát triển lớn và khả năng kết nối với tuyến giao thông quốc gia. Không gian phát triển công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển của quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã xác định và phù hợp với định hướng phát triển tỉnh. Trong bối cảnh phát triển hiện nay và giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Long An tập trung phát triển công nghiệp khu vực tiếp giáp trực tiếp với TP. Hồ Chí Minh và gắn với cảng quốc tế Long An để phát huy lợi thế về kết nối hạ tầng giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy.
N.Đăng